An Giang: Kỳ vọng tạo đột phá trong phát triển hạ tầng thương mại biên giới

An Giang đang nỗ lực huy động các nguồn lực xã hội và bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ ngân sách Nhà nước để phát triển hạ tầng biên giới nhằm đưa kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Tỉnh An Giang thường xuyên khảo sát hạ tầng thương mại biên giới để đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới.

Tỉnh An Giang thường xuyên khảo sát hạ tầng thương mại biên giới để đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới.

Số liệu báo cáo của Sở Công thương cho biết, hàng năm, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình xúc tiến đầu tư bám sát các định hướng và các chỉ tiêu, mục tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.

Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050 cũng nhấn mạnh vai trò của thu hút đầu tư có chọn lọc vào khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị.

Tỉnh An Giang cũng thường xuyên khảo sát hạ tầng thương mại biên giới, hệ thống kho bãi lưu trữ hàng hóa và kiểm tra tình hình thực hiện các quy định về thương mại biên giới tại các cặp cửa khẩu biên giới An Giang - Campuchia để đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới.

Đồng thời, tăng cường khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ logistics và các doanh nghiệp logistics trong nước (hoặc quốc tế) đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại tỉnh, nhất là khu vực biên giới, nhằm tạo điều kiện thúc đẩy xuất nhập khẩu của tỉnh đồng thời định hướng, dẫn dắt các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia vào các hoạt động trong chuỗi logistics, tạo động lực để thu hút các nhà cung cấp dịch vụ khác.

Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xúc tiến đầu tư.

Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xúc tiến đầu tư.

Trong năm 2023, Sở Công Thương tỉnh An Giang đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 03/02/2023 về việc tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh An Giang năm 2023 nhằm mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức trong nước và ngoài nước đến tìm hiểu, thực hiện dự án đầu tư ở lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng logistics, hạ tầng tại Khu công nghiệp và các khu chức năng thuộc Khu kinh tế cửa khẩu.

Theo tìm hiểu, trong giai đoạn 2019 - 2023, tỉnh An Giang đã chấp thuận chủ trương đầu tư 168 dự án với tổng số vốn đăng ký là 29.836 tỷ đồng. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 39 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư là 305,9 triệu USD, tổng vốn thực hiện là 176 triệu USD (chiếm 57,53% tổng vốn đầu tư đăng ký), tạo việc làm cho 16.800 lao động.

Lũy kế đến nay, tại các Khu công nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang, có 49 dự án được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 8.540 tỷ đồng. Trong đó, phải kể đến Khu công nghiệp Bình Hòa, 19 dự án, Khu công nghiệp Bình Long, 10 dự án, Khu công nghiệp Xuân Tô, 2 dự án, Khu Thương mại - Dịch vụ cửa khẩu Khánh Bình, 7 dự án, Khu Thương mai Tịnh Biên, 10 dự án, Khu Thương mại - Công nghiệp Vĩnh Xương, 1 dự án.

Tuy nhiên, cái khó của An Giang hiện nay là tỉnh chưa có chính sách ưu đãi đặc thù, hấp dẫn và chưa thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao, đóng góp nhiều cho ngân sách. Vì vậy, tỉnh An Giang đang nỗ lực xây dựng cơ chế chính sách đặc thù, huy động nguồn lực xã hội và bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng biên giới.

Theo đánh giá của Sở Công thương tỉnh An Giang, việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xúc tiến đầu tư. Do đó, các Sở, ngành và đơn vị chuyên môn của tỉnh An Giang đang tập trung nghiên cứu xây dựng “Đề án đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong đó, có lồng ghép các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm kích thích thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng logistics, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu một cách có hiệu quả, phát triển bền vững.

Huyền Nhi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/an-giang-ky-vong-tao-dot-pha-trong-phat-trien-ha-tang-thuong-mai-bien-gioi-386382.html