An Giang ứng dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp

Với diện tích đất nông nghiệp lớn và khí hậu ôn hòa, An Giang sở hữu thế mạnh để phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị, nông nghiệp tuần hoàn. Ngành nông nghiệp đã nỗ lực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi số, bước đầu đạt kết quả tích cực.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), nhờ những nỗ lực tái cơ cấu và đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số, ngành nông nghiệp An Giang đạt mức tăng trưởng ấn tượng 4,43% trong năm 2023, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của nông nghiệp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế An Giang.

Cụ thể, trên lĩnh vực trồng trọt, nhiều cá nhân, hợp tác xã (HTX) đã sử dụng máy bay không người lái (Drone) trong gieo sạ lúa và phun thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, ứng dụng các phần mềm điều khiển, theo dõi trên thiết bị di động, phần mềm hỗ trợ hình ảnh triệu chứng dịch hại, giúp nông dân xác định đúng và đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp với từng trường hợp khác nhau.

Hiện nay, Sở NN&PTNT đang triển khai nền tảng giám định sinh vật gây hại. Nhờ hệ thống camera và cảm biến nhiệt được lắp đặt tại các vùng trồng trọt, nền tảng này có khả năng tự động nhận diện, thống kê chính xác các loại côn trùng gây hại. Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), nền tảng sẽ giúp nông dân dự báo sớm các đợt dịch bệnh, chủ động phòng trừ, giảm thiểu thiệt hại trong sản xuất. Bên cạnh tiết kiệm chi phí và nhân lực, nền tảng giám định sinh vật gây hại còn góp phần xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp thông minh, bền vững.

Nông dân An Giang tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất

Nông dân An Giang tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất

Trên lĩnh vực phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ HTX nông nghiệp An Bình (huyện Thoại Sơn), HTX nông nghiệp Lộc Phát 1 (huyện Tri Tôn), HTX nông nghiệp Vĩnh Bình (huyện Châu Thành), HTX nông nghiệp Phú Thạnh (huyện Phú Tân), HTX nông nghiệp Vĩnh Thạnh (huyện Châu Phú) xây dựng mô hình tổ chức sản xuất - kinh doanh nông nghiệp, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử nhằm tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; hỗ trợ thành viên học tập trực tuyến, tiếp cận thông tin thị trường, giá cả nông sản và vật tư nông nghiệp, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử.

Đồng thời, một số các HTX nông nghiệp khác cũng mạnh dạn áp dụng thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), ứng dụng trực tuyến trong quản lý, quảng bá, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nền nông nghiệp thông minh, như: HTX nông nghiệp - dịch vụ - du lịch Khánh Hòa (huyện Châu Phú), HTX GAP Cù Lao Giêng (huyện Chợ Mới).

Về phát triển dữ liệu số, Sở NN&PTNT và VNPT An Giang tiếp tục phối hợp thực hiện Kế hoạch 141/KH-SNPTNT-VNPT về triển khai thử nghiệm Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu nông nghiệp (VNPT - AIMS), gồm 9 phân hệ: Trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thú y, thủy sản, lâm nghiệp, phát triển nông thôn, thủy lợi, quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản, khuyến nông, giống nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Trong năm 2024, Sở NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch 50/KH- SNNPTNT về chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng số, công nghệ số trong quản lý, điều hành sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị và quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng ứng dụng bản đồ số hỗ trợ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Tri Tôn; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hệ thống nước sạch nông thôn (dịch vụ phần mềm eKMap Solutions); triển khai ứng dụng phần mềm kế toán HTX tại các HTX nông nghiệp; xây dựng bản đồ chỉ dẫn địa lý vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao; xây dựng phần mềm quản lý đề tài khoa học, mô hình sản xuất phục vụ xây dựng nông thôn mới...

Với những kết quả đạt được, Sở NN&PTNT tiếp tục xây dựng Chương trình chuyển đổi số giai đoạn 2025 - 2030. Trong đó, tập trung vào các mục tiêu: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh gắn với liên kết tiêu thụ; ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản, rà soát đến từng công đoạn trong quá trình sản xuất từ nguồn nguyên liệu, chế biến và quá trình phân phối sản phẩm; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, tiến tới số hóa ngành nông nghiệp. Thay đổi tư duy nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ số phục vụ quản lý “nông hóa - thổ nhưỡng, cây trồng - vật nuôi”; ứng dụng công nghệ bản đồ số trong quản lý các lớp dữ liệu ngành nông nghiệp. Triển khai, vận hành chính thức cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp, tích hợp cơ sở dữ liệu do Bộ NN&PTNT xây dựng, giúp Sở NN&PTNT quản lý, giám sát, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình điều hành hoạt động của ngành, góp phần phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp…

Cùng với đó, tiếp tục vận hành hiệu quả nền tảng giám định sinh vật gây hại nhằm hỗ trợ cho công tác dự báo tình hình dịch hại nhanh chóng và chính xác hơn, giúp nông dân chủ động quản lý và phòng trừ sinh vật gây hại hiệu quả. Phối hợp các sở, ngành tỉnh hỗ trợ các HTX, nông dân, chủ thể sản phẩm OCOP quảng bá, tham gia các sàn thương mại điện tử. Làm cầu nối giữa doanh nghiệp chuyển đổi số, doanh nghiệp chế biến nông sản với HTX, nông hộ nhằm từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp sạch “từ trang trại đến bàn ăn”…

THANH TIẾN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/an-giang-ung-dung-chuyen-doi-so-vao-nong-nghiep-a408110.html