Ăn nhầm nấm độc, em tử vong, anh nguy kịch

Ngày 6/4, thông tin từ xã Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ, Điện Biên) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ việc đau lòng khi 2 anh em họ đi chăn trâu ăn phải nấm độc dẫn tới một cháu tử vong, cháu còn lại đang nguy kịch.

Thông tin ban đầu được biết, sáng 4/4, Lý A Bia (SN 2005) cùng em họ là Lý A Cự (SN 2008) ở gần nhà (bản Nậm Pan) rủ nhau đi chăn trâu trên nương. Đến gần tối không thấy 2 anh em về nên mọi người tổ chức đi tìm.

Người thân phát hiện 2 anh em nằm bất tỉnh trên đồi nên vội đưa tới trạm y tế để cấp cứu. Tuy nhiên, Lý A Cự đã tử vong, còn Lý A Bia bị ngộ độc nặng nên được chuyển lên tuyến trên để cấp cứu.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, các bác sỹ xác định bệnh nhân bị ngộ độc nặng. Nấm chứa thành phần Amatoxin, gây ra những biến chứng suy đa tạng, gan, thận, gây suy gan nặng. Dù được các y bác sỹ hồi sức nội khoa tích cực, song bệnh nhân vẫn rất nguy kịch, nguy cơ tử vong cao.

Bệnh nhân Lý A Bia đang được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.

Bệnh nhân Lý A Bia đang được chăm sóc tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.

Được biết, khi đi chăn trâu, các em đã lấy nhầm nấm độc nướng ăn dẫn tới sự việc đau lòng trên. Đến khi gia đình phát hiện thì Lý A Cự đã tử vong,

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn thận khi sử dụng nấm trong tự nhiên. Thời điểm này là vào mùa nấm mọc nhiều, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc rất cao.

Theo các chuyên gia, ở Việt Nam có khoảng 50 - 100 loài nấm độc khác nhau. Mùa xuân, thời tiết ấm, ẩm rất thuận lợi cho các loài nấm phát triển và đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc nấm. So với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao.

Các dấu hiệu nhận diện nấm độc:

1. Nấm có đủ: mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc.

2. Bên trong thân cây nấm mầu hồng nhạt, mũ nấm mầu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc

3. Bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm), độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu.

Nấm độc tán trắng (Amanita verna)

Nấm độc tán trắng (Amanita verna)

Biểu hiện ngộ độc nấm

Ngộ độc nấm gồm có biểu hiện sớm và muộn. Biểu hiện sớm thường xuất hiện sau khi ăn từ 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ và biểu hiện muộn xuất hiện sau khi ăn từ 6 đến 40 giờ, trung bình 12 giờ. Mức độ ngộ độc tùy thuộc vào các loại nấm. Dấu hiệu ngộ độc thường xuất hiện sau khi ăn nấm 20 - 30 phút. Nạn nhân thấy nôn nao, khó chịu, có khi đau bụng dữ dội hoặc nôn ra máu, đi ngoài nhiều lần, phân có mùi hôi tanh; người mệt nhừ, lạnh toát, có khi nổi mẩn đỏ; nếu nặng thì co giật, hôn mê. Các triệu chứng xuất hiện càng chậm thì mức ngộ độc càng nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng

Phòng ngừa ngộ độc nấm

Để phòng ngừa ngộ độc nấm, không ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm hấp dẫn vì nấm này thường là nấm độc; không ăn các loại nấm hoang dại lúc còn non, vì lúc còn non chúng rất giống nhau (giống cúc áo), khó phân biệt; không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa; không ăn nấm quá già, nấm có nghi ngờ, không rõ địa chỉ... Cũng có những loại nấm độc giống nấm ăn (nấm trồng), rất khó phát hiện nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy gốc có bao và có vòng cổ.

Ngộ độc nấm rất nguy hiểm vì có thể gây tử vong hoặc nặng thì gây tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh, tế bào gan..., chỉ cần vài nấm độc lẫn trong món ăn cũng có thể gây ngộ độc, thậm chí làm chết người. Do đó, biện pháp phòng tránh ngộ độc nấm trở nên rất quan trọng. Mọi người khi muốn ăn nấm cần tuân theo các nguyên tắc sau đây:

Chỉ ăn nấm khi biết chắc chắn đây là loại nấm ăn được, còn không biết thì tuyệt đối không được ăn. Ở các địa phương miền núi, khi ăn nấm nên hỏi rõ những người thực sự có kinh nghiệm để nhận biết nấm độc.

Nếu có điều kiện nên cho chó, mèo hay gà ăn thử nấm nếu thấy chúng có biểu hiện lạ hoặc bị chết thì tuyệt đối không ăn nấm. Không nên hái nấm quá non, khi chưa xòe mũ nấm, vì chưa thấy hết đặc điểm cấu tạo của nấm để xác định được rõ loài độc hay không.

Các địa phương cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền để bà con có ý thức phòng ngừa ngộ độc nấm.

Nguyễn Đăng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/an-nham-nam-doc-em-tu-vong-anh-nguy-kich-n171771.html