An ninh quốc phòng TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là một vấn đề mới, phức tạp. Bên cạnh tự chủ về công nghệ, nâng cao năng lực của các lực lượng chuyên trách, phát huy vai trò của toàn dân thực hiện đồng bộ những giải pháp mới có thể bảo đảm an ninh quốc gia trên không gian mạng để phát triển đất nước trong thời gian tới.

Không gian mạng là lãnh thổ mở rộng của quốc gia

Khoản 3, Điều 2, Luật An ninh mạng (năm 2018) giải thích không gian mạng là mạng lưới kết nối toàn cầu của các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm internet, các mạng viễn thông, hệ thống máy tính, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, là môi trường đặc biệt mà con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

Từ định nghĩa này, có thể thấy không gian mạng vừa có bản chất vật lý, vừa có tính chất xã hội. Nếu bản chất vật lý có thể thấy rõ là hạ tầng truyền dẫn, ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu thì tính chất xã hội phức tạp hơn nhiều. Không gian mạng được xem là môi trường xã hội đặc biệt của con người hội tụ 6 thành tố: Chính sách, pháp luật; năng lực công nghệ; nội dung thông tin; nguồn nhân lực; cơ cấu tổ chức bộ máy; ý thức của con người trên không gian mạng. Với ý nghĩa đó, không gian mạng được xem là “lãnh thổ đặc biệt”, “lãnh thổ mở rộng”, “lãnh thổ song song” của quốc gia, chứa đựng lợi ích quốc gia, dân tộc. Do đó, chủ quyền trên không gian mạng là một bộ phận quan trọng của chủ quyền quốc gia và bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc.

Thượng tướng, PGS, TS Nguyễn Văn Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng: “Cũng giống như chủ quyền lãnh thổ, các quốc gia có quyền tối cao, tuyệt đối, hoàn toàn và riêng biệt đối với phạm vi không gian mạng thuộc quyền kiểm soát của mình, tức là có chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Việc xác định chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cần căn cứ vào phạm vi không gian mạng mà một quốc gia được quyền kiểm soát, chi phối trên cơ sở chủ quyền, lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế.

Thực chất, việc quốc gia xác lập chủ quyền không gian mạng là xác lập quyền quản lý, kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng không gian mạng và thông tin được tạo ra, lưu trữ, xử lý và truyền tải trên đó, được thực hiện thông qua xác lập chủ quyền, quyền tài phán theo luật pháp quốc tế đối với cơ sở hạ tầng mạng thuộc sở hữu cả ở trong và ngoài lãnh thổ quốc gia; đồng thời mã hóa thông tin số truyền tải trên không gian mạng toàn cầu”.

Phòng đọc điện tử của Trường Sĩ quan Chính trị, tháng 2-2018. Ảnh: NGUYỄN TUẤN HUY.

Phòng đọc điện tử của Trường Sĩ quan Chính trị, tháng 2-2018. Ảnh: NGUYỄN TUẤN HUY.

Tội phạm an ninh mạng gia tăng, diễn biến phức tạp

Hiện nay, khái niệm an ninh quốc gia đã được hiểu một cách toàn diện hơn, bao quát cả những vấn đề an ninh phi truyền thống, như: An ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh tài chính-tiền tệ, an ninh năng lượng...

Theo báo cáo của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), tội phạm sử dụng công nghệ cao đứng thứ hai trong các loại tội phạm nguy hiểm nhất, sau tội phạm khủng bố và 90% tội phạm truyền thống đã chuyển sang môi trường mạng hoặc có sử dụng các thiết bị công nghệ cao. Do đó, vấn đề phát triển và làm chủ không gian mạng đã trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách được nhiều quốc gia đặc biệt quan tâm.

Tại Việt Nam, theo số liệu từ Kaspersky Security Network (Nga), liên tiếp trong 3 năm (2018-2020), nước ta nằm trong nhóm 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất và là quốc gia có tỷ lệ gặp phải mã độc tống tiền cao nhất châu Á-Thái Bình Dương năm 2019. Ngoài ra, các thế lực thù địch lợi dụng internet và mạng xã hội để thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.

Thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho thấy, trong gần 10 năm qua, các thế lực thù địch, phần tử xấu đã, đang sử dụng 8.784 web, blog có tên miền nước ngoài; 381 web, blog có tên miền trong nước thường xuyên đăng tải thông tin xấu, độc.

Cơ quan công an các cấp đã phát hiện 279 vụ sử dụng internet xâm phạm an ninh quốc gia, đấu tranh với hơn 200 đối tượng; xử lý 140 đối tượng. Đáng chú ý, trong đó có 219 vụ kích động biểu tình trên không gian mạng; 138 hội, nhóm trá hình hoạt động trên không gian mạng; 45.498 lượt cổng thông tin, trang tin điện tử có tên miền ".vn" bị tấn công, trong đó có 2.113 lượt tấn công các cổng thông tin, trang tin điện tử của cơ quan Đảng, Nhà nước, gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Chưa bao giờ tội phạm an ninh mạng gia tăng, diễn biến ở nước ta phức tạp như hiện nay. Với đa số dân chúng, có thể không biết nhiều đến những vụ việc tin tặc tấn công mục tiêu là các hệ thống thông tin quan trọng như: Giao thông, ngân hàng..., nhưng không quá xa lạ khi nhiều người từng bị tội phạm chiếm quyền trang mạng xã hội cá nhân, bị đánh cắp thông tin cá nhân, mất tiền oan bởi những vụ lừa đảo bằng mã độc, bị lôi kéo, dụ dỗ bằng các lời lẽ kích động chống phá, tin giả...

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trên không gian mạng

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng” do Bộ Công an và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức mới đây đã xác định 4 nhóm giải pháp để nâng cao năng lực bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng, đó là: Hoàn thiện, nâng cao năng lực bảo đảm an toàn, an ninh mạng và thông tin mạng quốc gia; xây dựng lực lượng chuyên trách đủ năng lực, chủ động đối phó; xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế.

Hai giải pháp trước mắt cần thực thi ngay đó là phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi có nhân lực chất lượng cao làm chủ hệ thống hạ tầng hiện đại, các lực lượng chuyên trách sẽ có đủ năng lực, sẵn sàng, chủ động đối phó với mọi nguy cơ gây bất ổn an ninh quốc gia xảy ra trên không gian mạng.

Theo thống kê của tổ chức We Are Social (Anh), tính đến đầu năm 2021, tỷ lệ người dùng internet ở Việt Nam chiếm tới 70% dân số, với thời gian sử dụng trung bình lên tới hơn 6 giờ/ngày. Với số lượng “cư dân mạng” và thời gian sử dụng internet không ngừng gia tăng, theo các chuyên gia, nhà khoa học, người sử dụng mạng phải có kiến thức cơ bản về bảo mật trong môi trường mạng; thường xuyên cập nhật về tình hình, mức độ rủi ro mất an toàn thông tin để có thể tự phòng ngừa hiệu quả. Chỉ cần mỗi người tăng cường bảo mật thư điện tử, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng... theo đúng hướng dẫn của các nhà cung cấp dịch vụ, cũng đã góp phần tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia trên không gian mạng.

Khi tham gia không gian mạng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, các quy tắc đã được ban hành sẽ góp phần xây dựng môi trường không gian mạng lành mạnh. Trong đó, vai trò của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên là rất quan trọng.

Theo PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong việc chấp hành pháp luật, có ý thức bảo vệ, làm chủ không gian mạng. Tuyệt đối không chủ quan, đơn giản về các hành vi của mình trên mạng xã hội. Đồng thời, tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch”.

Bất cứ ai cũng có thể thực hiện bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng, có thể bắt đầu từ hành động đơn giản như khi thấy một thông tin xuyên tạc, xấu, độc, tin giả có thể gửi báo cáo (report), phản hồi về những hành vi xấu để các nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ. Khi toàn dân nâng cao ý thức, trách nhiệm đồng hành cùng lực lượng chức năng, chủ quyền an ninh quốc gia trên không gian mạng sẽ được bảo vệ vững chắc.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/ninh-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng/t%E1%BB%B1-ch%E1%BB%A7-c%C3%B4ng-ngh%E1%BB%87-v%C3%A0-ph%C3%A1t-huy-tr%C3%A1ch-nhi%E1%BB%87m-c%E1%BB%A7a-nh%C3%A2n-d%C3%A2n