Ấn phẩm đặc biệt, khơi dậy tình yêu lịch sử đất nước
Không khí háo hức, người cầm kéo, người hồ dán, người thì chăm chú đọc hướng dẫn hoặc chuẩn bị băng dính 2 mặt chụm đầu cùng nhau cắt, ghép và dán những mảnh ghép từ ấn phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân về Cột cờ Hà Nội… Đó là không khí trong giờ trải nghiệm của các em học sinh tại các xã vùng cao và trường học trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Từ ngày 14-16/10, Văn phòng đại diện Báo Nhân Dân tại Sơn La đã trao tặng 4.500 ấn phẩm đặc biệt “Cột cờ Hà Nội” cho học sinh và lưu học sinh Lào thuộc các trường học trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Ấn phẩm đặc biệt phụ san của Báo Nhân Dân gồm 1 trang nội dung về Cột cờ Hà Nội và 1 trang cắt dán mô hình. Bạn đọc có thể cắt, dán trang báo in thành mô hình Cột cờ Hà Nội và tương tác với mô hình thông qua 3 mã QR có nội dung mở rộng và dẫn đến các dự án thú vị khác trong hệ sinh thái của Báo Nhân Dân.
Anh Phan Trung Hiếu, tổ 7, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La, chia sẻ: Qua đọc Báo Nhân Dân tôi biết nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Báo Nhân Dân sẽ ra mắt dự án “Mỗi người, một mảnh ghép”. Dự án sử dụng hình ảnh do độc giả gửi để ghép thành một bức ảnh lớn về Cột cờ Hà Nội. Tôi đã tham và hôm nay tôi đã có ấn phẩm đặc biệt này với bức ảnh của con gái nằm ở vị trí số 10.
Dự án “Mỗi người, một mảnh ghép” là điểm nhấn trong toàn bộ hệ sinh thái thông tin tuyên truyền 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô của Báo Nhân Dân.
Đây là nỗ lực của Báo Nhân Dân trong lộ trình chuyển đổi số, gắn kết báo in truyền thống với nền tảng công nghệ nhằm tạo ra trải nghiệm mới mẻ, phục vụ và thu hút công chúng tốt hơn, đặc biệt là độc giả trẻ.
Theo đó, ấn phẩm đặc biệt này đã được dành tặng miễn phí tại trụ sở 71 Hàng Trống, Hà Nội và các tỉnh, thành phố có văn phòng đại diện Báo Nhân Dân trong cả nước.
Thầy giáo Đào Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Co Mạ 2, huyện Thuận Châu, nói: Trường có 260 học dân tộc H’Mông và Thái, là vùng cao còn nhiều khó khăn. Đây là lần đầu tiên các em học sinh được trải nghiệm một mô hình cắt ghép độc đáo về lịch sử như vậy. Không chỉ được làm việc nhóm, các em còn được tìm hiểu về lịch sử, được hiểu thêm về tiến trình giải phóng và tiếp quản thủ đô Hà Nội.
Trước đó, từ ngày 9-13/10, triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội đã được Báo Nhân Dân tổ chức tại 71 Hàng Trống. Khách tham quan đã có dịp được hòa mình vào đoàn quân kéo về Hà Nội bằng công nghệ thực tế hỗn hợp (Mixed Reality). Trải nghiệm này đã tái hiện lại 10 dấu mốc quan trọng trong tiến trình giải phóng và tiếp quản Thủ đô tháng 10/1954.
Sau khi cùng các bạn lưu học sinh trong nhóm hoàn thành mô hình “Cột cờ Hà Nội” bằng việc cắt, ghép từ ấn phẩm phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân, em Phetsavong Leemone, lưu học sinh Lào, K60A, lớp cao đẳng chăn nuôi-thú y, Trường Cao đẳng Sơn La, phấn khởi chia sẻ: Em thấy cách làm của một tờ báo in như này là rất mới mẻ và hấp dẫn. Đây là lần đầu tiên chúng em được trải nghiệm như vậy, từ đó giúp chúng em hiểu thêm về lịch sử của Việt Nam.
Trước đó vào ngày 7/5, Báo Nhân Dân đã ra mắt phụ san panorama và triển lãm tương tác Chiến dịch Điện Biên Phủ. Phụ san panorama gồm 8 trang thông tin đặc biệt: 4 trang tóm tắt diễn tiến 56 ngày đêm chiến dịch và 4 trang in toàn bộ bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.
Bạn đọc có thể cắt, ghép thành bức tranh panorama dài tới 3,21m và tương tác với tranh thông qua công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) hoặc quét mã QR. Công nghệ này cho phép người dùng xem một bức tranh panorama động trong chiều không gian vật lý.
Sự kiện ra mắt phụ san panorama và triển lãm tương tác Chiến dịch Điện Biên Phủ đã gây ra một “cơn sốt” trong giới trẻ, tái khẳng định vị trí, vai trò cũng như những đổi mới của báo in trong sự đón nhận của công chúng, đặc biệt là độc giả trẻ.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sơn La, cho biết: Chúng tôi khá bất ngờ trước những đổi thay và sáng tạo của một tờ báo in như Báo Nhân Dân trong việc tiếp cận độc giả trẻ. Trước đó, các em lưu học sinh cùng các cán bộ nước bạn Lào đang học tập tại Sơn La cũng đã được tiếp cận và trải nghiệm ấn phẩm đặc biệt phụ san panorama về Chiến dịch Điện Biên Phủ.
“Từ ấn phẩm về Chiến dịch Điện Biên Phủ và nay là Cột cờ Hà Nội, tôi thấy đây là một đột phá của Báo Nhân Dân. Bởi sản phẩm này đã làm thay đổi cách nghĩ của bạn đọc về báo in. Chúng tôi rất ấn tượng với mã QR được in trong tờ phụ san. Sau khi ghép xong mô hình, có thể tìm hiểu ngay những thông tin liên quan về Cột cờ Hà Nội qua mã quét QR trên ấn phẩm”, thầy giáo Nguyễn Xuân Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sơn La, chia sẻ thêm.
Ngọc Chiến là một trong những xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Mường La, học sinh trên địa bàn 100% là đồng bào các dân tộc thiểu số. Sau khi tiếp nhận ấn phẩm đặc biệt “Cột cờ Hà Nội” của Báo Nhân Dân, nhà trường đã phát cho 11 điểm lẻ tại các bản khó khăn và đưa vào giờ học mỹ thuật để các em học sinh trải nghiệm, cắt ghép mô hình.
Thầy giáo Đặng Thành Trung, giáo viên mỹ thuật, Trường tiểu học Ngọc Chiến, thông tin: Khi được thầy, cô giáo hướng dẫn và cho xem clip trên màn trình chiếu sau khi quét mã QR ngay trên ấn phẩm “Cột cờ Hà Nội”, các em học sinh rất háo hức và tập trung cùng nhau hoàn thiện mô hình. Đây là hình thức giáo dục rất hiệu quả, giúp các em học sinh nhớ lâu, tạo cảm hứng cho các em tìm hiểu về lịch sử.
Sau khi tạo cơn sốt trong nước, ngày 8/10, tại Vienna (Áo), phụ san panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ của Báo Nhân Dân đã được vinh danh tại Giải thưởng Đổi mới và Phát triển Báo in bền vững ở hạng mục Sản phẩm xuất sắc nhất dành cho độc giả trẻ.
Ban Giám khảo đã đánh giá sự độc đáo và sáng tạo của phụ san panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ là “thí dụ về đổi mới báo in tầm cỡ thế giới”.
Trong dịp cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Báo Nhân Dân tiếp tục ra mắt thêm một ấn phẩm đặc biệt của báo in là phụ san đặc biệt “Cột cờ Hà Nội”. Ấn phẩm này tiếp tục giúp bạn đọc tương tác với mô hình thông công nghệ số bằng mã QR. Mỗi mã QR sẽ cung cấp nội dung mở rộng và dẫn đến các dự án thú vị khác trong hệ sinh thái của Báo Nhân Dân.
Một lần nữa, Báo Nhân Dân tiếp tục đưa bạn đọc trong cả nước “hòa mình” vào thời khắc lịch sử khi trải nghiệm cắt, dán mô hình Cột cờ Hà Nội từ ấn phẩm đặc biệt của Báo Nhân Dân. Khi mô hình dần được hoàn thành, ai nấy đều vui mừng. Bạn đọc ở các lứa tuổi không chỉ được trải nghiệm cắt, ghép mô hình mà còn được bồi đắp thêm tình yêu quê hương, đất nước, về khoảnh khắc quan trọng trong tiến trình giải phóng và tiếp quản Thủ đô vào tháng 10/1954.