Ăn Rằm tháng 7 - nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tày

Rằm tháng 7 là dịp lễ truyền thống lâu đời của người Việt nói chung, người Tày nói riêng. Ngày đó là lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo, nhưng từ lâu đã trở thành ngày lễ mang đậm nét nhân văn, trong việc đền ơn đáp nghĩa đối với bậc sinh thành của nhiều dân tộc. Người Tày coi Rằm tháng 7 như là Tết thứ 2 trong năm sau Tết Nguyên đán. Vì người Tày vốn sống bằng nghề nông nghiệp, thời điểm Rằm tháng 7 là thời điểm việc trồng cây hay cấy lúa cũng đã kết thúc mùa vụ, chỉ còn chăm sóc chờ thu hoạch.

Hạt mác Kịnh làm nhân bánh Rằm.

Hạt mác Kịnh làm nhân bánh Rằm.

Ngày Rằm vào đúng lúc nông nhàn, nên có thời gian sắm Tết khá chu đáo với quan niệm “Tết cả năm không bằng Rằm tháng 7”. Ngay từ đầu tháng, người ta đã đặt cọc để đụng lợn bản, đi chợ phiên chọn mua gạo nếp ngon, lấy lá chuối rừng để gói bánh; chọn gạo tẻ ngon để làm bún, chuẩn bị vịt thịt và gà thắp hương; gần đến ngày Rằm chuẩn bị thêm nải chuối đẹp, hoa quả hương vàng… Từ ngày 13, 14, 15 âm lịch, mọi người dừng hết mọi việc để ăn Rằm. Ngày 13 thường đi đụng lợn, ngày 14 làm bánh và làm bún, ngày 15 là đi chơi. Người Tày làm bánh bằng bột gạo nếp, xay bột nước bằng cối đá thì bột mới mịn, bánh mới mềm và ngon, cho bột nước đã xay vào túi vải treo cho ráo nước rồi mới làm bánh. Bánh được làm nhiều loại như: Bánh chuối, chuối khô phải làm từ chuối tây hay chuối lá chín, sấy trên gác bếp cho đến khi lên đường, mang rửa sạch, đun chín sền sệt, trộn với bột nếp đem giã nhuyễn rồi mới nặn làm bánh không có nhân; làm bánh trắng thì sau khi nặn bánh phải cho nhân vào trong bao kín lại, nhân có thể bằng bột đậu xanh nấu chín trộn với thịt lợn băm nhuyễn, hoặc nhân bằng bột lạc, bột hạt mác Kịnh; có nhà còn làm thêm bánh lá gai… khi nặn bánh xong thì gói bằng lá chuối rừng đã phơi qua nắng nhẹ làm cho lá dai có mùi thơm đặc trưng. Lá chuối rừng để gói bánh đôi phải dài khoảng 50 - 60 cm, đặt bánh đôi cách nhau 4 - 5 cm ép nhẹ cho dẹt rồi cuốn bao từ 2 - 3 lượt lá, sau đó gấp đuôi lá vào trong và gấp đôi bánh lại; gói xong bánh được xếp nghiêng vào chõ để đồ cho chín kỹ. Sau khi bánh chín được đổ ra nong, rồi bóc bớt lớp lá bao ngoài chỉ để 1 lớp trong cùng, dùng khăn ướt lau hết nhớt bên ngoài lá, vắt lên dây cho nguội để ăn dần. Thông thường bánh Chuối và bánh Gai mềm và để được lâu hơn các loại bánh khác.

Khi bánh chín cũng là lúc đã luộc gà xong, người ta mới bày thắp hương bàn thờ. Tùy từng nhà có thể sắp thành mâm cỗ đủ các món để thắp hương, trong đó có cả thịt vịt. Nhưng đa số thường thắp hương cả con gà luộc nằm sấp và nhất thiết không thể thiếu bánh Rằm, hoa quả cùng với 5 chén rót rượu, 5 cái bát ăn cơm và 5 đôi đũa với ước mong duy trì được 5 thế hệ cùng chung sống “Ngũ đại đồng đường”, lấy giấy mầu cắt cho mỗi người quá cố 1 bộ quần áo để đốt cùng vàng mã. Trong ngày 14, làm bún, bánh và sau khi thắp hương cho tổ tiên ở nhà xong thì vợ chồng con cái có thể đi thăm nhà ngoại (Pây Tết ta tai – Đi rằm bố, mẹ vợ) để tạ ơn sinh thành, cũng có thể ngày 15 mới đi. Nhưng không thể thiếu vài cặp bánh rằm và 1 hoặc 2 con vịt, 1 chai rượu ngon.

Bánh thì đưa lên bàn thờ thắp hương cho tổ tiên, vịt thì mổ ăn liên hoan cùng gia đình. Người Tày quan niệm rằng, con gái sau khi đi lấy chồng thì quanh năm phải cùng chồng lo toan mọi việc và thờ phụng ông, bà, tổ tiên nhà chồng. Ngày Rằm tháng 7 mới có dịp cùng chồng con về nhà bố mẹ đẻ, thể hiện sự báo hiếu cho cha mẹ đã vất vả sinh thành và chăm sóc mình mới được như ngày nay. Ngày 15 là ngày đi chơi thăm hỏi anh em trong nội tộc và hàng xóm láng giềng, cách thức tổ chức đi chơi rất đa dạng và phong phú như đi chơi Tết Nguyên đán.

Có thể nói, phong tục mỗi nơi, mỗi dân tộc có sự khác nhau. Nhưng cái chung nhất là tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, tổ tiên trong ngày Rằm tháng 7 thì dân tộc nào cũng có. Đây là một trong những dịp để thắt chặt tình cảm giữa những người trong gia đình, trong dòng tộc, trong quan hệ hàng xóm láng giềng… là nét văn hóa đặc sắc, đậm tính nhân văn cần được gìn giữ, bảo tồn và phát triển.

Bài, ảnh: Đinh Minh Tung (Xã Phú Linh - Vị Xuyên)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202308/an-ram-thang-7-net-dep-van-hoa-truyen-thong-cua-nguoi-tay-6bf14c8/