An sinh cho lao động yếu thế

Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, vào tháng 10/2024. Theo đó, sẽ có những thay đổi mạnh mẽ đối với nhóm lao động phi chính thức, lao động yếu thế như bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện đời sống, mở rộng diện đối tượng được vay vốn tạo việc làm...

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 31/6, cả nước có 33,4 triệu lao động phi chính thức, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 65%, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thị trường lao động, tác động mạnh mẽ đến phát triển và bảo đảm việc làm nói chung.

Điều đáng nói là chỉ số ít lao động phi chính thức được bao phủ bởi lưới an sinh khi có đến 98% số người lao động phi chính thức không tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Điều này dẫn đến hệ thống hỗ trợ người lao động trong những trường hợp rủi ro, gặp biến cố trong quá trình lao động bị hạn chế rất nhiều.

Trên thực tế, trên 60% số lao động phi chính thức chỉ có thỏa thuận miệng về việc làm, 14% không có hợp đồng lao động. Thế nên, lao động phi chính thức không được bảo đảm an sinh về mặt luật pháp. Bài học từ đại dịch Covid-19 cho thấy dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng, gồm cả nhóm lao động phi chính thức nhưng thực tế nhiều lao động tự do không tiếp cận được các gói hỗ trợ này.

Nguyên nhân chủ yếu khiến người lao động khu vực phi chính thức chưa mặn mà tham gia BHXH tự nguyện và mua bảo hiểm y tế (BHYT) là do thu nhập còn thấp, không ổn định. Thậm chí, một bộ phận thiếu quan tâm đến chính sách BHXH, BHYT, chưa hiểu hết được ý nghĩa, giá trị của việc tham gia các loại hình bảo hiểm tự nguyện. Trong khi, lao động yếu thế cũng không biết tổ chức, đơn vị nào hỗ trợ họ tham gia BHXH, BHYT để về già hay bệnh tật còn có chỗ bấu víu.

Mặt khác, mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện chưa tạo được cú huých để thúc đẩy người dân tham gia chế độ này vì ngoài chế độ hưu trí, tử tuất, việc bổ sung các chế độ BHXH đòi hỏi phải có sự hỗ trợ lớn từ ngân sách nhà nước. Hiện nay, mới có 22/63 tỉnh, thành phố được HĐND ra nghị quyết hỗ trợ lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện do khả năng cân đối của ngân sách.

Vì vậy, Luật Việc làm (sửa đổi) với 4 nhóm chính sách nhấn mạnh việc thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhất là cho các nhóm lao động phi chính thức, lao động yếu thế được đông đảo người lao động mong chờ thành hiện thực. Bởi, chính sách việc làm không chỉ hỗ trợ người lao động về an sinh mà còn hỗ trợ người lao động tham gia vào thị trường lao động có hiệu quả, nhất là đối tượng yếu thế, người cao tuổi, dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Bên cạnh đó, chính sách việc làm mới đưa ra một số chính sách bảo đảm việc làm xanh và bền vững.

Đặc biệt, dự thảo luật quy định đề xuất về mở rộng diện đối tượng được vay vốn tạo việc làm. Theo đó, ngoài những nhóm truyền thống như: người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, dự thảo bổ sung thêm các nhóm, như: Người chăm sóc người khuyết tật nặng, hộ mới thoát nghèo, thân nhân người có công, người thuộc xã đặc biệt khó khăn, người có đất thu hồi; thanh niên sau nghĩa vụ quân sự, công an; thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình và người thất nghiệp...

Trong bối cảnh khu vực lao động phi chính thức chịu tác động lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều ngành nghề, công việc truyền thống, thủ công bị xóa bỏ, nhiều lao động ở các quốc gia sẽ mất đi việc làm, việc mở rộng diện được ưu tiên sẽ thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững, nhất là người yếu thế, góp phần ổn định phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, chính sách này sẽ góp phần giảm tỷ lệ việc làm phi chính thức, phát triển bền vững cho mọi lao động, thích ứng với việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ việc làm.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/an-sinh-cho-lao-dong-yeu-the-post482070.html