An toàn sức khỏe cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khỏe cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện, tính đến thời điểm này, huyện ghi nhận gần 100 trường hợp trẻ mắc bệnh TCM và 11 ổ dịch nhỏ, xảy ra hầu hết tại các địa phương trên địa bàn huyện. Riêng trong những tháng hè, do tác động biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh TCM phát sinh. Thêm vào đó, do công việc làm ăn, một số phụ huynh không có điều kiện trông giữ trẻ tại nhà, nên gửi trẻ theo hình thức nhóm gia đình, dẫn đến khâu vệ sinh cá nhân chưa thật tốt, làm cho số ca mắc bệnh TCM tăng đột biến, có không ít trường hợp phải chuyển lên tuyến trên điều trị nội trú dài ngày.

Các trẻ Trường Mầm non thị trấn Cái Nước xếp hàng rửa tay trước khi vào lớp.

Các trẻ Trường Mầm non thị trấn Cái Nước xếp hàng rửa tay trước khi vào lớp.

Ðể chủ động phòng, chống bệnh TCM trong trường học, bảo vệ an toàn sức khỏe cho trẻ trong năm học mới, hạn chế mầm bệnh phát sinh trong trường học, trước ngày khai giảng năm học mới, Trung tâm Y tế kết hợp với Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các trường mầm non trên địa bàn huyện về biện pháp phòng, chống bệnh TCM trong trường học. Cụ thể như tăng cường vệ sinh khuôn viên trường học, lớp học, bàn ghế, đồ dùng và đồ chơi của trẻ; duy trì thực hiện các bước rửa tay cho trẻ trước khi vào lớp, trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh.

Cô Phan Kiều Trang, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Cái Nước, cho biết, năm học 2024-2025, trường có tổng số 500 trẻ theo học, trong đó có 200 trẻ bán trú tại điểm trường chính. Công tác phòng, chống bệnh TCM luôn được ban giám hiệu nhà trường đặc biệt quan tâm (duy trì thực hiện các bước rửa tay cho trẻ khi vào lớp, trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh; phòng bệnh TCM cho trẻ khi đến trường).

Ðiều đáng quan tâm, bệnh TCM thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm, nhưng không lây lan qua đường hô hấp, chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa. Có nghĩa, khi trẻ em đến trường học tập, vui chơi giải trí, thường xuyên sử dụng đồ dùng, đồ chơi có mang mầm bệnh TCM, sau đó trẻ đưa tay vào miệng thì mầm bệnh xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, bệnh TCM dễ phát sinh, bùng phát thành dịch lớn trong trường học, nhất là đối với trường mầm non bán trú.

Cô Trần Hồng Quởn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh Phú, xã Thạnh Phú, chia sẻ, bên cạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh TCM trong trường học theo khuyến cáo của ngành y tế, nhà trường còn tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho phụ huynh mỗi khi đưa trẻ đến trường như khâu giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ tại hộ gia đình, kết hợp với theo dõi tình trạng sức khỏe; nếu phát hiện trẻ có triệu chứng bất thường hãy thông báo với nhà trường và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám, điều trị kịp thời bệnh TCM./.

Việt Huỳnh

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/an-toan-suc-khoe-cho-tre-den-truong-a34612.html