An trú trong yêu thương

Năm 2021 sẽ được nhắc đến với rất nhiều nỗ lực về phòng, chống dịch COVID-19 cũng như những khó khăn mà nó gây ra. Nhưng cũng từ đó, hơn lúc nào hết, tình người lan tỏa với biết bao yêu thương. Trong đại dịch, người ta cần lắm những tấm lòng, cần lắm một sự an trú trong trái tim nồng ấm Việt Nam.

Bàn tay đỡ nâng và chia sẻ

Từng ngày sống qua đi, hẳn có lúc chúng ta đã rất hoang mang. Song nhờ rất nhiều hình ảnh đẹp trong đời sống, nhờ triệu triệu trái tim Việt Nam đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh, chúng ta thấy ấm lòng. Điều dễ thấy là đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng chức năng ở tuyến đầu chống dịch, những người xông pha để trực tiếp điều trị bệnh nhân, bảo vệ sức khỏe người dân. Bên cạnh họ là những tấm lòng nhân ái và không chịu ngồi yên khi đồng bào gặp khó. Biết bao đoàn thiện nguyện đã chia sẻ với người vùng khó, bao tấm gương xung phong vào tâm dịch để chia sẻ khó khăn với người dân khu cách ly, gánh vác bớt công việc cho đội ngũ y, bác sĩ ở nhiều nơi làm việc quá tải. Chúng ta càng xúc động khi hình ảnh những ATM gạo xuất hiện, những nhóm thiện nguyện mang thực phẩm đóng góp cho vùng khó hay những ca sĩ hát phục vụ người dân trong khu cách ly. Nhờ thế, nhiều người sống trong khu cách ly mà không bị cách lòng. Khi đói lòng, họ vẫn được sưởi ấm trong tình người và sự thấu hiểu. Họ không bị bỏ lại phía sau.

Khi người nghèo gặp khó khăn được hỗ trợ.

Tôi đã được gặp bà Nguyễn Thị Nở, thôn Lạt Dương, xã Hồng Thái (Phú Xuyên - Hà Nội) là người có hai con trai đi làm ăn, còn mắc kẹt ở TP Hồ Chí Minh. Bà từng ngày lo lắng, dõi theo tình hình hai con ở phương xa. Khi thấy các cháu ở thôn lập nhóm thiện nguyện Tâm Thiện, quyên góp rau để tặng bà con các khu phong tỏa, người ở tuyến đầu chống dịch tại trung tâm Thủ đô, bà đã giấu nỗi lo cá nhân và tích cực hái những bó rau muống ngon nhất trong vườn ủng hộ. Bà tâm sự: “Vợ chồng tôi còn khó khăn, nhưng lúc này nhiều người khó khăn hơn mình. Của ít lòng nhiều, bà con nông dân ở xã Hồng Thái và các xã chung quanh cũng nhiệt tình gom tặng nông sản”. Làm thế bởi bà tin, hai con bà ở TP Hồ Chí Minh cũng đang được giúp đỡ như thế. Cùng hưởng ứng lời kêu gọi của trái tim, hàng nghìn thôn, làng cũng đã chia sẻ nông sản với tâm lòng rộng mở, và với một tâm thế “cho đi là được nhận lại”.

Ong Chăm là nhóm thiện nguyện đã làm nhiều việc nghĩa. Ban đầu mục tiêu là phát triển cộng đồng, song theo bà Phan Vũ Diễm Hằng, trưởng nhóm, từ 200 đô la do một người bạn gửi tặng khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại, bà đã viết lời cảm ơn, chia sẻ trên Facebook cá nhân. Từ đó có nhiều tấm lòng mong muốn bà đứng lên giúp đỡ các hoàn cảnh gặp khó khăn trên địa bàn Thủ đô. Bà Hằng chia sẻ: “Khi có tổ chức, phát động ủng hộ giúp đỡ người nghèo, chúng tôi đã nhận được nhiều sự ủng hộ. Trong thời điểm này, chúng tôi hiểu rằng bà con cần gạo nhất. Vậy là chúng tôi đã liên hệ lựa chọn gạo ngon thì mới mua làm từ thiện”.

Chị Phương Lệ Hạnh, ở phường Nam Đồng (quận Đống Đa) là thành viên tích cực của nhóm Ong Chăm, suốt nhiều ngày qua đã làm việc 200% sức lực, tả xung hữu đột, đi đến nhiều địa bàn rà soát danh sách, trao quà cho các hoàn cảnh đang gặp khó khăn. Theo chị Hạnh, bình thường nhiều người sống trong các con hẻm nhỏ, xóm trọ nghèo đã khổ, nay ảnh hưởng bởi dịch nên khó khăn tăng gấp nhiều lần. Càng làm, càng thấy thương, xúc động, bởi chị thấy ở ngoài đời sống có rất nhiều phận người éo le.

Tình người đọng lại

Đi chợ hộ là hình thức nhằm chia sẻ với những người trong vùng phong tỏa, khu cách ly, vùng dịch diễn biến phức tạp. Mục tiêu là giúp người dân an tâm ở nhà để bảo đảm không bị lây bệnh. Đi chợ hộ là việc làm thiết thực, ý nghĩa, có tính hiệu quả và lan tỏa. Cho thấy tinh thần tương thân tương ái của người dân ta lúc nào cũng được nêu cao. Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương nhìn nhận, việc đi chợ hộ là một phương thức cung ứng thực phẩm mới theo yêu cầu phòng chống dịch, phải huy động nhiều nguồn lực khác nhau để đáp ứng nhưng do không có thời gian chuẩn bị nên có những khó khăn, lúng túng bước đầu. Song, qua đúc rút kinh nghiệm, việc đi chợ hộ đã đạt nhiều kết quả tốt, góp phần lớn vào công tác phòng, chống dịch bệnh.

Việc đi chợ giúp dân đã lan tỏa tại nhiều tỉnh, thành phố.

Nhiều nhà quản lý, chuyên gia xã hội cho rằng, việc đi chợ hộ là chưa có trong lịch sử, đây là giải pháp rất mới để giúp người dân trong việc phòng, chống dịch COVID-19. Bình thường, người dân tự đi chợ, mua đồ cho gia đình cũng đã gặp không ít khó khăn. Việc đi mua thuốc tây đôi khi cũng không đúng chủng loại. Nhưng trong dịch bệnh, toàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 2,2 triệu hộ dân. Có thời điểm cao nhất, 1,7 triệu hộ dân đăng ký có người đi chợ thay mình. Điều đó cho thấy sự ứng biến nhanh nhạy của người dân cũng như chính quyền các cấp trong việc giúp đỡ cộng đồng bớt khó khăn.

Anh Võ Chí Nhất (thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi) chia sẻ: “Theo tôi thì đi chợ hộ là một ý rất hay trong khi dịch hoành hành. Bởi lẽ nó hạn chế được người dân ra đường, những người được ra đường thì đã có lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ, khi thấy có dấu hiệu sẽ có biện pháp xử lý thích hợp. Nhờ đó, vào những ngày đỉnh dịch, nhiều hộ dân đã an tâm ở nhà, chống dịch”.

Nhìn nhận ở góc độ nhân văn, nhà văn Tống Phước Bảo (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Với việc các lực lượng tình nguyện viên, đoàn thanh niên và bộ đội triển khai việc đi chợ hộ cho người dân ngay thời điểm đỉnh dịch của TP Hồ Chí Minh cho thấy sự ứng biến kịp lúc và tinh thần tương thân tương ái giữa nguy khó. Nhiều hẻm, xóm bị giăng dây phong tỏa, chợ truyền thống đóng cửa, các siêu thị thì phải xếp hàng và sử dụng phiếu đi chợ rất khó khăn và mất thời gian. Thậm chí, nhiều khu phố với hàng loạt ca nhiễm, cách ly hoàn toàn thì việc cung cấp nhu yếu phẩm, thực phẩm bằng biện pháp đi chợ hộ là một biện pháp hay kịp thời và đáng quý”.

Thực tế, có những bạn trẻ chưa bao giờ phải đi chợ nhưng khi nhận nhiệm vụ thì luôn cố gắng hoàn thành phiếu đi chợ một cách đầy đủ nhất. Ban đầu có thể chưa quen nhưng sau một vài ngày, lực lượng đi chợ hộ đã gần như giải tỏa cơn khát thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con vùng giăng dây rất thành thục. Có những việc phát sinh như đi chợ thừa hoặc thiếu nhưng hầu như đều được giải quyết ổn thỏa, bởi ngay tâm dịch, người Sài Gòn vẫn luôn giữ cho mình bản tính tử tế và thích ứng rất tốt. Việc đi chợ hộ cũng là một trong những phong trào ghi đậm dấu ấn tình nguyện, nêu cao nghĩa đồng bào.

Lòng trắc ẩn, sự nhân ái đã hằn in trong trái tim người Việt hàng nghìn năm qua, trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta. Lòng nhân ái đó luôn luôn được thực hiện ở bất kỳ đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Và điều đó được thể hiện rõ nét mỗi khi đồng bào ta gặp một sự cố nào đó như thiên tai, mất mùa, tai nạn, dịch bệnh, đói khát… Nhờ đó, người gặp hoạn nạn, người nghèo khó có thể được ấm lòng, được an trú trong sự yêu thương của đồng loại. Nhờ đó, cuộc sống trở nên tươi đẹp, an bình và tiến bộ hơn. Mỗi chúng ta, cũng ấm lòng khi có lúc cho đi, lúc được nhận lại và bình an trong tâm hồn mình. Điều đó cho chúng ta thêm khẳng định rằng, dù mọi thứ có qua đi, thì tình người vẫn đọng lại.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/an-tru-trong-yeu-thuong-i642580/