Ấn tượng khi rơm rạ thành nghệ thuật

Từ những cọng rơm rạ, nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát sáng tạo nên các con vật như trâu, ngựa... đầy ấn tượng.

Nghệ nhân sơn mài Nguyễn Tấn Phát chia sẻ với PV VietNamNet mùa gặt lúa không chỉ mang lại niềm vui cho nông dân mà còn gợi ý cho anh việc sử dụng rơm rạ bỏ đi.

Tại quê nhà - làng Đường Lâm (Hà Nội), anh sáng tạo bện rơm thành các con thú như trâu, ngựa.... Sáng kiến này vừa bảo tồn văn hóa, vừa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và biến nó thành trò chơi dân gian cho trẻ em quanh làng và thu hút du khách quốc tế.

Những con vật gần gũi với làng quê Việt Nam như trâu, ngựa... được làm từ rơm rạ.

Những con vật gần gũi với làng quê Việt Nam như trâu, ngựa... được làm từ rơm rạ.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ: "Sau khi thu mua rơm rạ bỏ đi, tôi phơi khô, làm sạch và chọn những cọng đẹp nhất để sáng tạo. Những sản phẩm này không chỉ mang lại niềm vui cho trẻ em trong làng mà còn nâng cao giá trị du lịch địa phương. Các đoàn du lịch rất thích trải nghiệm làm sản phẩm mới lạ này. Điều này khẳng định rơm rạ có thể trở thành tài nguyên quý giá, chứ không phải phế phẩm".

Sáng tạo của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát thu hút sự quan tâm của nhiều em nhỏ và khách du lịch tới Đường Lâm.

Sáng tạo của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát thu hút sự quan tâm của nhiều em nhỏ và khách du lịch tới Đường Lâm.

"Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng ra mắt sản phẩm sáng tạo mới từ rơm, giúp người nông dân có thêm thu nhập từ nguyên liệu bỏ đi và phát huy được giá trị dân gian đặc trưng từ làng quê Việt Nam", nghệ nhân Tấn Phát nói thêm.

Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sinh năm 1983, có 22 năm gắn bó với nghệ thuật sơn mài.

Trong tương lai, anh ấp ủ dự định kết nối di sản sơn mài thành những hoạt động văn hóa nghệ thuật xuyên suốt, bắt đầu từ chùa Mía - nơi ghi dấu của di sản tượng sơn mài, nhằm kết nối với câu chuyện hôm nay một cách bài bản, lôi cuốn và có sức lan tỏa sâu rộng.

Ảnh: NVCC

Tình Lê

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghe-nhan-son-mai-nguyen-tan-phat-bien-rom-ra-thanh-san-pham-van-hoa-an-tuong-2327510.html