Ẩn ý lời chúc của bà Thái Anh Văn cho ông Biden: Đài Loan ngóng Mỹ lặp lại cuộc gọi lịch sử?
Bốn năm trước, Tổng thống Donald Trump đã làm nên lịch sử khi nhận cuộc điện đàm từ người lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.
Cuộc gọi lịch sử của Tổng thống Trump năm 2016
Cuộc điện đàm của Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn chỉ sau cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 khoảng 1 tháng là cuộc điện đàm trực tiếp đầu tiên của một Tổng thống đắc cử của Mỹ với lãnh đạo của hòn đảo kể từ năm 1979, khi Washington chấm dứt quan hệ chính thức với Đài Loan để bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc Đại lục.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) đánh giá rằng, cuộc gọi này là một hành động thắng lợi đối với bà Thái và tạo tiền đề cho 4 năm quan hệ Mỹ-Trung Quốc căng thẳng và quan hệ Mỹ-Đài Loan thân mật.
SCMP dẫn ý kiến các nhà quan sát cho rằng động thái đó sẽ khó được cựu Phó Tổng thống Joe Biden thực hiện nếu đắc cử.
Chuyên gia Sung Wen-ti tại Đại học Quốc gia Úc cho biết xác suất có cuộc gọi giữa ông Biden và bà Thái là "rất nhỏ".
"Ông [Biden] phải đối mặt với những vấn đề khác sau cuộc bầu cử như các vấn đề pháp lý do ông Trump đưa ra sau kết quả thăm dò bỏ phiếu. Vì vậy, trước khi mọi thứ được rõ ràng, khả năng có cuộc gọi này là rất nhỏ," chuyên gia Sung nói.
Những dấu hiệu từ Đài Bắc cho thấy bà Thái Anh Văn cũng sẽ không chủ động trong cuộc gọi lần này.
Hôm 09/11, quan chức cấp cao Đài Loan Su Tseng-chang cho biết bà Thái Anh Văn đã gọi điện cho ông Biden để chúc mừng tuy nhiên ngay sau đó phát ngôn viên đã nhanh chóng đưa ra tuyên bố đính chính rằng bà Thái đã "chúc mừng ông Biden qua mạng xã hội," ví dụ như lời chúc mừng của bà qua Twitter vào hôm 08/11.
"Đến lượt tôi gửi lời chúc mừng tới @Joe Biden và @KamalaHarris. Tình hữu nghị của chúng ta được xây dựng dựa trên những giá trị không thể mạnh mẽ hơn. Tôi mong chờ cơ hội được làm việc cùng nhau để củng cố tình hữu nghị và đóng góp cho xã hội quốc tế," bà Thái chia sẻ trên Twitter.
Ẩn ý từ lời chúc của bà Thái Anh Văn
Chuyên gia Lev Nachman tại Đại học Đài Loan cho biết, việc giới chức Đài Loan vội vàng làm rõ lại tuyên bố của mình là dấu hiệu cho thấy bà Thái nhận thức được sự chưa chắc chắn trong cuộc điện đàm với Mỹ lần này.
"Ở đây [Đài Loan] cần một cuộc điện đàm như vậy và tôi nghĩ rằng bà Thái không muốn hứa trước một cuộc điện thoại mà bà chưa chắc thực hiện được. Tôi nghĩ bà ấy [bà Thái] đã rất thông minh khi đăng lại lời chúc mừng của ông Biden dành cho bà ấy một năm trước, như một cách để thể hiện rằng ‘ông Biden thực sự ủng hộ tôi và công nhận Đài Loan’."
Ông Nachman cho biết, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và bà Thái tháng 12/2016 là một "điều ngoài dự liệu đáng mừng" nhất khi ông Trump hoặc đội ngũ của ông chưa nhận thức được những nhạy cảm ngoại giao xung quanh vấn đề liên lạc chính thức của Mỹ với Đài Bắc.
Chuyên gia Nachman bổ sung, sau 4 năm căng thẳng của Mỹ và Trung Quốc được đẩy lên cao dưới sự lãnh đạo của ông Trump ở Nhà Trắng, ông Biden chắc chắn nhận được những kì vọng lớn hơn.
"Một cuộc điện đàm giữa ông Biden và bà Thái là rất lý tưởng trong thời điểm này, nó đánh dấu những giá trị chung nhau giữa Washington và Đài Bắc, nó báo hiệu sự ủng hộ sâu sắc của Mỹ đối với đảo Đài Loan. Đặc biệt, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung Quốc leo thang."
Ông Biden sẽ có các tiếp cận khác với khu vực nếu đắc cử
Các nhà quan sát khác ở Đài Loan cho rằng cựu Phó Tổng thống Joe Biden sẽ có cách tiếp cận cân bằng hơn đối với quan hệ Mỹ - Trung.
Theo nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh ở Đài Bắc Su Tzu-yun, ông Biden dự kiến sẽ theo đuổi chính sách cạnh tranh và hợp tác với Bắc Kinh.
"Về các vấn đề quân sự, có ý kiến cho rằng ông Biden sẽ coi Bắc Kinh là đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ, nhưng về các vấn đề như khí hậu, dân số và cắt giảm vũ khí hạt nhân, ông ấy dự kiến sẽ áp dụng các chính sách hợp tác với Trung Quốc."
Tuy nhiên cựu giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Soochow Lo Chih-cheng cho rằng chính quyền mới sẽ là cơ hội cho Đài Loan vì ông Biden có thể thành lập một liên minh với mục tiêu đối phó Bắc Kinh.
"Trước sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, tầm quan trọng về địa chính trị của Đài Loan sẽ tăng lên theo thời gian," ông Lo nói.
Chuyên gia Nachman nói rằng trong khi nhiều người ở Đài Loan "lo lắng" ông Biden sẽ có lập trường "mềm" hơn với Trung Quốc thì những tuyên bố trước đây của ông tiết lộ rằng ông không có ý định sẽ xoa dịu Bắc Kinh.
Tuy nhiên, những chi tiết về một cuộc điện thoại với bà Thái sẽ được quyết định bởi nhóm chính sách đối ngoại của ông.
"Nhiều chính sách ủng hộ Đài Loan mà chính quyền ông Trump thông qua là do những người trong nhóm chính sách đối ngoại chứ không phải do mình ông Trump," ông Nachman cho hay.
"Tôi nghĩ, điều chúng ta cần lưu ý không phải là ông Biden sẽ làm gì mà là ông Biden sẽ bổ nhiệm ai là Ngoại trưởng, ai là Cố vấn về các vấn đề với Trung Quốc và những người này có kinh nghiệm gì về Đài Loan hay không. Những người đó mới là đối tượng giải quyết những thắc mắc [như việc có hay không một cuộc điện đàm chính thức tới Đài Bắc]."