Anh căng thẳng với Trung Quốc vì Hồng Kông
Cảnh sát Hồng Kông hôm 4-7 thông báo bắt giữ ít nhất 12 đối tượng trong đợt truy quét đầu tiên liên quan đến các cuộc biểu tình bạo lực vài ngày trước đó.
Nhà chức trách cho biết nhóm người này đối mặt nhiều cáo buộc, trong đó có "tàng trữ vũ khí, tụ tập bất hợp pháp, tấn công và cản trở cảnh sát".
Cùng ngày, bà Claudia Mo - một thành viên Hội đồng Lập pháp - bày tỏ lo ngại đối với các vụ bắt giữ nói trên khi khẳng định: "Việc truy bắt nhiều người biểu tình có thể gây ra tâm lý rất tiêu cực đối với những người trẻ tuổi. Mọi chuyện có thể trở nên tồi tệ hơn". Theo báo The Straits Times (Singapore), những người biểu tình Hồng Kông đã lên kế hoạch phát động 2 đợt biểu tình mới lần lượt vào các ngày 5 và 7-7.
Tình hình Hồng Kông cũng khiến quan hệ London - Bắc Kinh trở nên căng thẳng theo sau phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt và Đại sứ Trung Quốc tại London - ông Liu Xiaoming. Bộ Ngoại giao Anh hôm 3-7 đã triệu ông Liu vì điều mà họ mô tả là "những phát ngôn sai trái và không thể chấp nhận được" sau khi ông Liu cáo buộc ông Hunt "còn mang tư tưởng thuộc địa" với Hồng Kông cũng như ủng hộ những kẻ không tôn trọng phát luật.
Ông Liu đưa ra cáo buộc trên sau khi Bộ trưởng Hunt khẳng định Anh ủng hộ các cuộc biểu tình trong ôn hòa của người dân Hồng Kông, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh không dùng các cuộc biểu tình này làm "cái cớ để đàn áp" - theo báo The Guardian (Anh). Đến ngày 4-7, ông Hunt nhấn mạnh với đài BBC (Anh) rằng ông không ủng hộ biểu tình bạo lực ở Hồng Kông.
Những người biểu tình Hồng Kông trong thời gian qua gia tăng sức ép yêu cầu chính quyền hủy bỏ dự luật cho phép nghi phạm bị dẫn độ sang Trung Quốc đại lục. Hôm 1-7 qua, trong dịp kỷ niệm 22 năm ngày Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc, hàng trăm người biểu tình Hồng Kông đã phá cửa kính, tràn vào trụ sở Hội đồng Lập pháp.