Anh công bố chương trình mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng sẽ công bố trước Quốc hội chi tiết chương trình mới của chính phủ về các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng sẽ công bố chi tiết chương trình mới của chính phủ về các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: AFP/TTXVN

Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng sẽ công bố chi tiết chương trình mới của chính phủ về các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: AFP/TTXVN

Tân Bộ trưởng Tài chính Anh Kwasi Kwarteng ngày 22/9 sẽ công bố trước Quốc hội chi tiết chương trình mới của chính phủ về các biện pháp cắt giảm thuế, trợ cấp năng lượng và các cải cách trị giá gần 200 tỷ bảng (225 tỷ USD) trong nỗ lực của Thủ tướng Liz Truss nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Các thị trường tài chính cũng sẽ nhận được con số ban đầu số tiền cần chi cho việc thực hiện các đề xuất, khi Văn phòng Quản lý Nợ Vương quốc Anh công bố các kế hoạch vay mượn mới sau bài phát biểu của ông Kwarteng.

Tình hình thị trường có thể là bất lợi hơn cho ông Kwarteng. Đồng bảng giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD kể từ năm 1985 trong phiên 22/9, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Anh giảm mạnh nhất trong ngày kể từ khi đại dịch bùng phát.

Sự sụt giảm trên chủ yếu là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, trong khi một số nhà đầu tư lo ngại về việc bà Truss sẵn sàng tăng cường đi vay để tài trợ cho chương trình thúc đẩy tăng trưởng.

Ngày 22/9, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cho rằng việc áp trần giá nhiên liệu sẽ kiềm chế lạm phát trong ngắn hạn, trong khi các biện pháp kích thích của chính phủ có thể làm tăng sức ép lạm phát hơn nữa trong thời điểm lạm phát ở gần mức cao kỷ lục 40 năm.

Ông Paul Johnson, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài khóa (IFS), cho rằng các mức cắt giảm thuế theo đề xuất của Thủ tướng Truss và Bộ trưởng Kwarteng có thể là mạnh nhất kể từ năm 1988 và có nguy cơ khiến nợ công của Anh không bền vững.

IFS cùng với ngân hàng Citi của Mỹ ước tính trợ cấp năng lượng cho các gia đình sẽ tiêu tốn khoảng 120 tỷ bảng trong hai năm, trong khi trợ cấp năng lượng cho các doanh nghiệp tiêu tốn 40 tỷ bảng trong 6 tháng.

Điều khiến IFS lo ngại là khoảng 30 tỷ bảng cắt giảm thuế, bắt đầu với 14 tỷ bảng thuế thu nhập như đã được xác nhận vào ngày 22/9 và 15 tỷ bảng cắt giảm thuế doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Kwarteng cho rằng việc cắt giảm thuế và nới lỏng các quy định là cách để chấm dứt chu kỳ đình trệ đã dẫn tới việc thuế sẽ tiến tới các mức cao kỷ lục kể từ những năm 1940.

Theo ông Kwarteng, cần có cách tiếp cận mới cho một kỷ nguyên mới tập trung vào tăng trưởng.

Cuối ngày 22/9, ông Kwarteng thông báo sẽ hủy bỏ kế hoạch của người tiền nhiệm của bà Truss là ông Boris Johnson trong việc tăng thuế thu nhập. Theo ông, đánh thuế thu nhập không mang lại kết quả mà cắt giảm thuế mới là cách để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ông cũng sẽ đưa ra khoản tài trợ cần cho quyết định áp trần giá năng lượng.

Thông tin trên được đưa ra sau khi BoE cảnh báo nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái, khi giá nhiên liệu và lương thực tăng mạnh./.

Lê Minh (Theo Reuters, AFP)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/anh-cong-bo-chuong-trinh-moi-thuc-day-tang-truong-kinh-te/259416.html