Truyền thông Nga mới đây đăng tải thông tin cho biết, nỗ lực của Hải quân Hoàng gia Anh nhằm thu hồi mảnh vỡ của tiêm kích F-35B bị rơi tại biển Địa Trung Hải đang gặp rắc rối.
Cụ thể khi phương tiện không người lái dưới nước lặn xuống và tiếp cận vị trí chiếc F-35B bị rơi ở độ sâu lớn, các kỹ thuật viên nhận ra một số mảnh vỡ đã bị biến mất.
Trước đó có thông tin cho rằng một tàu ngầm tấn công diesel-điện của Hải quân Nga thuộc Dự án 636.3 lớp Varshavyanka có thể đã di chuyển vào khu vực này.
Bản thân chiếc tàu ngầm trên không thể lặn xuống độ sâu 1.500 mét- nơi xác chiếc F-35B đang nằm ở dưới đáy biển Địa Trung Hải, tuy nhiên nó hoàn toàn có thể thả một robot lặn thăm dò.
Hải quân Nga có trong tay robot Galtel sử dụng hệ thống định vị thủy âm giúp thiết lập lưới tọa độ, cố định điểm tham chiếu dưới mặt nước.
Do tín hiệu định vị vệ tinh GPS hoặc GLONASS không thể thâm nhập xuống độ sâu lớn cho nên phải tạo ra những mốc đánh dấu như vậy ở dưới nước, cho phép robot di chuyển theo một quỹ đạo nhất định.
Quan trọng hơn, robot Galtel có thể chụp ảnh bất kỳ vật thể nào trôi nổi hoặc nằm dưới đáy biển có kích thước chỉ bằng hộp diêm. Chính vì vậy việc xác định xác chiếc F-35B dưới đáy biển không phải là nhiệm vụ khó với cỗ máy nói trên của Nga.
Tổ hợp robot Galtel hoàn chỉnh bao gồm một phương tiện không người lái dưới nước được điều khiển từ xa và 2 tàu ngầm tự hành cỡ nhỏ với khả năng tự động điều hướng trong 24 giờ và tầm hoạt động lên đến 100 km.
Trong vòng 12 giờ, tàu lặn không người lái dưới nước có thể khảo sát khu vực đáy biển rộng hàng chục km2. Tàu ngầm sẽ di chuyển theo những quỹ đạo khác nhau và đủ sức vượt qua chướng ngại vật dưới nước.
Rõ ràng robot Galtel với tính năng ưu việt nói trên đủ khả năng phát hiện xác chiếc tiêm kích F-35B nằm dưới biển và khảo sát, hoặc thậm chí bí mật "nẫng tay trên" nếu Mỹ và Anh không nhanh tay.
Theo thông báo, Hải quân Anh đã rà soát đáy biển Địa Trung Hải thông qua sự giúp đỡ của Mỹ trong bán kính 1 hải lý, tuy nhiên họ không thể tìm thấy toàn bộ xác chiếc tiêm kích F-35B bị rơi.
Một số mảnh vỡ của thân máy bay, bao gồm cả hệ thống định vị, thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay và thậm chí cả vũ khí bị cho là đã biến mất một cách khó hiểu.
Hiện tại vẫn chưa rõ quốc gia nào lấy được mảnh vỡ của chiếc F-35B nói trên, nhưng giới phân tích cho rằng Mỹ và Anh sẽ gặp rắc rối lớn nếu bí mật chiến đấu cơ tối tân của họ rơi vào tay Nga.
Theo báo chí phương Tây, nếu người Nga tìm kiếm được ít nhất một mảnh vỡ của chiếc máy bay, sau đó tiếp cận được vị trí chiếc tiêm kích F-35B của Anh dưới đáy biển thì sẽ rất "to chuyện".
NATO lo ngại ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ có thể tái tạo một số công nghệ được sử dụng trên F-35 và sau đó áp dụng chúng cho các tiêm kích Su-57 và Su-75 mới nhất của họ.
Trước hết là công nghệ tàng hình, đây vẫn là một trong những điểm yếu lớn của tiêm kích thế hệ năm do Nga chế tạo, bên cạnh hạn chế về động cơ.
Việt Dũng