Ánh Nguyệt - cô gái nhỏ tuổi nhất của đoàn Việt Nam dự Olympic
Cung thủ 20 tuổi giành vé tham dự Olympic Tokyo từ cuối năm 2019, và sẽ là vận động viên đầu tiên của Đoàn Việt Nam thi đấu ở Thế vận hội.
Đỗ Thị Ánh Nguyệt sẽ "mở hàng" cho Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo, khi tham dự vòng loại nội dung cung một dây cá nhân nữ vào sáng 23/7, ngày khai mạc Thế vận hội. Cô sẽ cạnh tranh với 63 đối thủ, để xác định thứ hạng, trước khi phân nhánh cho vòng đấu loại trực tiếp.
Trước giờ lên đường sang Tokyo, nữ cung thủ cho biết bản thân không đặt nặng vấn đề thành tích, nhưng sẽ thi đấu với quyết tâm cao nhất trong lần đầu tham dự Thế vận hội.
Ánh Nguyệt giành vé dự Tokyo khi mới bước sang tuổi 18. Ở vòng loại Olympic liên khu vực được tổ chức tại Thái Lan hồi tháng 11/2019, Ánh Nguyệt nằm trong top 3 cung thủ hàng đầu nội dung cung một dây cá nhân nữ. Để góp mặt trong top 3, Ánh Nguyệt đã vượt qua người đàn chị đầy kinh nghiệm Lộc Thị Đào ở tứ kết, khi thắng với tỷ số 6-4.
"Tài không đợi tuổi" dường như thể hiện rõ ở Ánh Nguyệt. Cô gái quê Hưng Yên là trường hợp hiếm trong làng thể thao Việt Nam về thời gian tập luyện để chinh phục tấm vé dự Olympic. Ánh Nguyệt mới chỉ gắn bó với bộ môn bắn cung được gần hai năm nhưng đã có vé đi Thế vận hội.
Con đường đưa Ánh Nguyệt đến với môn bắn cung khá thú vị, khi cô bắt đầu sự nghiệp thể thao đỉnh cao là một vận động viên bóng rổ. Sau 7 tháng tập luyện ở đội bóng rổ trẻ nữ Hà Nội, các huấn luyện viên ở đội lại nhìn thấy Ánh Nguyệt có những điểm phù hợp với môn bắn cung và sẽ đạt được nhiều thành công hơn. Tới đầu năm 2017, Ánh Nguyệt chuyển sang làm quen với bộ môn mới, gần như trái ngược hoàn toàn.
"Đang tập luyện một môn thể thao rất sôi động, năng nổ như bóng rổ, khi chuyển sang môn thể thao tĩnh như bắn cung đã mang đến cho tôi trải nghiệm thực sự thú vị", Nguyệt chia sẻ. Càng tập luyện, Nguyệt càng đam mê. Các bài bắn tập luôn mang lại cho cô những cảm xúc phấn khích, và đó là động lực để cô đặt quyết tâm chinh phục đỉnh cao.
Quyết định rẽ ngang sang môn bắn cung chưa được bao lâu, Ánh Nguyệt được góp mặt ở tuyển quốc gia. Chỉ sau hơn một năm, sự nghiệp của cô gái quê Hưng Yên có bước tiến ngoạn mục ở các sân chơi quốc tế. Sau khi giành vé dự Olympic Tokyo, Ánh Nguyệt tiếp tục gặt hái thành công với tấm HCV đồng đội tại SEA Games 30 ngay ở lần đầu tiên tham dự.
"Bản thân tôi cũng không ngờ lại sớm có được thành công như vậy. Bắn cung đã rèn cho tôi được tính kiên trì, trạng thái tĩnh để biết cách đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Tôi phải giữ được sự bình tĩnh trong từng hơi thở để kiên trì tới mũi tên cuối cùng. Tôi còn cả một chặng đường dài phía trước để có thể thực hiện những mục tiêu khác. Tôi cũng cần hoàn thiện rất nhiều về chuyên môn, bản lĩnh thi đấu", Ánh Nguyệt chia sẻ.
Bắn cung chưa thật sự phổ biến tại Việt Nam, trong khi đây là môn thể thao nằm trong nhóm một của Olympic. Bộ môn đã có kế hoạch đưa Nguyệt đi tập huấn nhằm chuẩn bị cho Olympic Tokyo, nhưng mọi thứ đổ bể do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nữ cung thủ và hầu hết vận động viên Việt Nam đều không thi đấu quốc tế, chỉ tự tập luyện trong nước hơn một năm qua. Song những khó khăn đó càng khiến họ có thêm quyết tâm chinh phục.