Anh thêm gần 900 ca mắc COVID-19 tử vong, công đoàn y tế dọa đình công

Nhân viên y tế Anh đối mặt với nguy cơ thiếu đồ bảo hộ. Ảnh: The Guardian

* Vượt mốc 20.000 ca mắc COVID-19 tử vong, Tây Ban Nha gia hạn phong tỏa

Số người thiệt mạng vì dịch COVID-19 tại Anh đã vượt qua cột mốc 15.000, khi trong ngày 18/4 nước này tiếp tục là quốc gia có số nạn nhân tử vong cao nhất châu Âu với 888 ca.

Các con số thống kê chính thức về dịch COVID-19 tại Anh được Bộ trưởng nhà ở, Robert Jenrick công bố trong buổi họp báo thường nhật chiều 18/4 cho thấy, nước Anh có thêm 888 bệnh nhân thiệt mạng trong 24 giờ qua vì COVID-19.

Đây là ngày thứ 7 liên tiếp số nạn nhân tử vong trong các bệnh viện tại Anh cao nhất châu Âu. Tổng cộng, nước Anh đã có tới 15.464 ca tử vong vì COVID-19 và giới phân tích dự báo, nếu vẫn giữ tốc độ này thì trong vòng 1 tuần nữa, Anh sẽ vượt qua Pháp để trở thành nước có số nạn nhân COVID-19 cao thứ 3 tại châu Âu và thứ 4 thế giới. Tổng số ca nhiễm hiện là 114.217 người.

Dù các tổn thất vì COVID-19 hiện vẫn đang rất nghiêm trọng, nhưng Giám đốc Y tế của Cơ quan Y tế quốc gia Anh, Stephen Powis vẫn cho rằng, đã có một số tín hiệu lạc quan, như việc số bệnh nhân phải nhập viện để điều trị ở thủ đô London và vùng miền Trung (Midlands) đang giữ đà giảm liên tiếp trong một vài ngày qua.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn nhất với Anh hiện nay là thiếu đồ bảo hộ cho các nhân viên y tế. Trong ngày 18/4, nhiều công đoàn và hiệp hội nghề nghiệp tại Anh đã phát cảnh báo, các nhân viên y tế có quyền từ chối làm việc nếu không được đảm bảo an toàn.

Cảnh báo này được đưa ra sau ngày 17/4, khi Cơ quan y tế công cộng Anh (PHE) phát hành hướng dẫn, trong đó có yêu cầu các nhân viên y tế sử dụng lại đồ bảo hộ, hoặc có thể mặc tạp dề thay cho áo bảo hộ, trong bối cảnh Anh đối mặt với nguy cơ cạn kiệt đồ bảo hộ y tế.

Nhằm trấn an các nhân viên y tế, Bộ trưởng Nhà ở Robert Jenrick khẳng định, ngay trong ngày 19/4, nước Anh sẽ nhận 84 tấn đồ bảo hộ y tế từ Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có 400.000 bộ quần áo bảo hộ.

Liên quan đến tình hình sức khỏe của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Bộ trưởng Jenrick cho biết, ông Boris Johnson tiếp tục hồi phục tốt, bắt đầu có các tiếp xúc với một số Bộ trưởng trong một vài ngày qua, nhưng vẫn sẽ phải nghỉ ngơi cho đến khi bình phục hoàn toàn.

Trong khi đó, tối 18/4, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết, ông sẽ đề nghị Quốc hội nước này phê chuẩn việc gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc đến 9/5, trong bối cảnh số người thiệt mạng vì dịch COVID-19 tại nước này đã vượt mốc 20.000 người.

Trong buổi họp báo tối 18/4, Thủ tướng Pedro Sanchez nhận định, diễn biến dịch COVID-19 tại Tây Ban Nha hiện nay buộc toàn bộ người dân nước này phải tiếp tục cảnh giác cao độ.

Do đó, ông sẽ đề nghị với Quốc hội Tây Ban Nha gia hạn tình trạng khẩn cấp tại nước này, đồng thời áp đặt phong tỏa tiếp đến ngày 9/5, sau khi lệnh phong tỏa hiện nay kết thúc vào ngày 25/4.

“Chúng ta đang chứng kiến một bước tiến rất chậm để quay trở lại bình thường. Việc này rất chậm và chúng tôi muốn nó được tiến hành một cách từ từ, với sự thận trọng tối đa, với các chỉ số và tất cả những tiêu chí có thể đánh giá được tại tất cả các vùng, để biết chính xác đại dịch đang ở mức độ nào, nó diễn biến ra sao, đã được kiểm soát hay chưa. Dựa vào đó sẽ có các bước đi tiếp theo”, Thủ tướng Pedro Sanchez nói.

Theo ông Pedro Sanchez, dù gia hạn phong tỏa nhưng Tây Ban Nha sẽ có một số thay đổi trong thời gian tới. Cụ thể, kể từ ngày 27/4, các trẻ em dưới 12 tuổi sẽ được phép ra đường với một số điều kiện nhất định về an toàn.

Việc nới lỏng các biện pháp hạn chế sẽ không được thực hiện đồng bộ trên toàn lãnh thổ Tây Ban Nha, mà sẽ tùy theo diễn biến dịch tại mỗi vùng. Từ ngày 19/4, chính phủ Tây Ban Nha cũng sẽ ấn định giá trần của một số mặt hàng bảo hộ y tế như khẩu trang.

Các động thái này của Tây Ban Nha diễn ra trong bối cảnh trong ngày 18/4, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 565 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng từ đầu dịch lên mức 20.043 người. Tổng số ca nhiễm bệnh qua xét nghiệm cũng đã trên 192.000 người, cao thứ hai thế giới sau Mỹ.

Trong lúc đó, tại Ý, số ca tử vong vì COVID-19 trong ngày 18/4 được ghi nhận ở mức thấp nhất kể từ ngày 12/4, với 482 bệnh nhân thiệt mạng. Tổng cộng, Ý hiện có 23.227 ca tử vong và trên 175.000 ca nhiễm bệnh từ đầu dịch. Trong ngày 18/4, Ý cũng ghi nhận số bệnh nhân khỏi bệnh cao kỷ lục là 2.563 người.

Hiện tại, chính phủ Ý đang chuẩn bị nhiều kịch bản cho việc nối lại một số hoạt động kinh tế từ sau ngày 4/5, trong đó có khả năng cho mở lại các công viên, nhà hàng, quán bar nhưng hạn chế số người.

Tuy nhiên, chuyên gia của WHO và là cố vấn cho chính phủ Ý - ông Walter Ricciardi cảnh báo, làn sóng thứ hai của dịch COVID-19 chắc chắn sẽ quay lại, việc Ý sớm nới lỏng các hạn chế có thể khiến làn sóng này bùng phát sớm hơn.

L.H (tổng hợp từ VOV)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/238837/anh-them-gan-900-ca-mac-covid-19-tu-vong-cong-doan-y-te-doa-dinh-cong.html