Anh thông qua luật chống nhập cư bất hợp pháp nhằm hạn chế việc xin tị nạn

Quốc hội Anh hôm 18/7 đã thông qua một đạo luật chống nhập cư bất hợp pháp, trong đó hạn chế mạnh mẽ quyền xin tị nạn. Phản ứng trước quyết định này, Liên Hợp Quốc cho rằng đạo luật mới của nước Anh mâu thuẫn với luật pháp quốc tế về người tị nạn.

Chiến thắng của Thủ tướng Anh Rishi Sunak diễn ra trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh cuộc chiến chống người nhập cư bất hợp pháp. Nhất là khi dòng người di cư qua eo biển Manche (Pháp) trên những chiếc thuyền không đảm bảo an toàn tăng mạnh trong những năm gần đây.

Cụ thể, luật mới sẽ bác bỏ quyền xin tị nạn của những người nhập cư bất hợp pháp và cho phép chính phủ Anh trục xuất họ về quốc gia xuất phát hoặc chuyển tới một quốc gia như Rwanda.

Người di cư được giải cứu trên biển nước Anh năm 2022. Ảnh: The Guardian

Người di cư được giải cứu trên biển nước Anh năm 2022. Ảnh: The Guardian

Chia sẻ về quyết định này, Bộ trưởng bộ Nội vụ Anh, bà Suella Braverman khẳng định đây là điều cần thiết: “Chúng tôi hiện đang chi 6 triệu bảng mỗi ngày cho chỗ ở, 3 tỷ bảng mỗi năm dành cho người tị nạn. Điều này không thể tiếp tục mãi được. Tôi và Thủ tướng đã nói rõ rằng chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn các tàu thuyền tị nạn và khắc phục vấn đề này”.

Trước đó, dự thảo luật về người tị nạn đã vấp phải nhiều yêu cầu sửa đổi từ Hạ viện Anh, đặc biệt là các vấn đề về giam giữ trẻ em và các biện pháp bảo vệ nhằm chống lại chế độ nô lệ hiện đại. Văn bản cuối cùng đã được thông qua trong đêm thứ Hai 16/7. Hiện văn bản đang hoàn tất thủ tục cuối cùng, đó là trình lên và đợi sự đồng thuận từ Vua Charles III trước khi được ban hành chính thức.

Ngay sau khi được thông qua, dự luật này đã vấp phải những chỉ trích gay gắt từ Liên Hợp Quốc. Trong một tuyên bố, Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền, Volker Turk khẳng định đạo luật này mâu thuẫn với các nghĩa vụ của Vương quốc Anh theo luật tị nạn và nhân quyền quốc tế. Ông cũng bày tỏ sự lo ngại khi người di cư sẽ “không được bảo vệ ở quốc gia nơi họ sẽ bị trục xuất”.

Ngoài ra, ông Volker Turk còn quan ngại rằng điều này sẽ tạo nên một tiền lệ xấu trên thế giới và các quốc gia khác có thể sẽ noi theo, đặc biệt là các quốc gia châu Âu.

Theo số liệu chính phủ Anh công bố, số lượng người di cư đến bờ biển phía Nam nước này tăng vọt lên hơn 45.000 người trong năm 2022 và khoảng 90% trong số họ xin tị nạn. Con số này là hơn 13.000 người trong quý I năm 2023 và đa số họ đi theo tuyến đường vượt eo biển Manche.

Năm 2022, chính phủ Anh đã đạt được thỏa thuận gửi hàng chục nghìn người di cư đến Rwanda ở châu Phi. Tuy nhiên, chuyến bay trục xuất đầu tiên theo kế hoạch bị chặn vào tháng 6/2022 do lệnh cấm vào phút cuối mà Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) ban hành.

Anh Tuấn/VOV-Paris

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/anh-thong-qua-luat-chong-nhap-cu-bat-hop-phap-nham-han-che-viec-xin-ti-nan-post1033757.vov