Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam

Tháng ba, tháng của đong đầy yêu thương, tôn vinh phái đẹp. Năm nay, tháng ba càng đặc biệt hơn khi khắp mọi miền của đất nước, chị em phụ nữ đẹp dịu dàng, đằm thắm trong chiếc áo dài thướt tha, một vẻ đẹp riêng có của người phụ nữ Việt Nam.Phụ nữ cả nước hưởng ứng 'Tuần lễ Áo dài'

Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ

Nhắc đến chiếc áo dài là nhắc đến trang phục kín đáo, đoan trang của người phụ nữ Việt. Dù trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, với sự cách tân theo từng giai đoạn để phù hợp với thẩm mỹ và địa vị của từng giai tầng, nhưng áo dài vẫn giữ nguyên giá trị tự thân như một nét văn hóa độc đáo về trang phục của phụ nữ Việt.

Áo dài luôn tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. ẢNH: Minh Thu

Mỗi thời kỳ chiếc áo dài có những kiểu cách khác nhau, nhưng vẫn giữ được những nét đẹp cơ bản riêng có. Từ chiếc áo dài đầu tiên với kiểu dáng sơ khai như áo dài Giao Lãnh đến áo dài hiện đại ngày nay, vẫn giữ nguyên các tà áo dài và xẻ dọc từ eo xuống một cách duyên dáng. Trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử, chiếc áo dài còn thể hiện được đẳng cấp, địa vị của người mặc. Nếu như chiếc áo dài Giao Lãnh đơn thuần có hai tà áo với cổ chéo gần giống áo tứ thân thì sang thế kỷ XVII, sự xuất hiện của áo dài tứ thân với hai tà sau may liền và hai tà áo trước tách rời ra thắt chéo lại để phù hợp với sinh hoạt của người phụ nữ.

Đến thời Gia Long, trên cơ sở áo dài tứ thân đã xuất hiện áo dài ngũ thân. Thời này, chiếc áo dài không còn đơn thuần là trang phục cho người phụ nữ, mà để phân biệt địa vị của người mặc. Chỉ có những người phụ nữ trong dòng tộc triều đình mới mặc áo dài ngũ thân, loại áo cách tân từ chiếc áo dài tứ thân thêm một tà nhỏ phía trước.

Chiếc áo dài còn chứa đựng sự giao thoa văn hóa của người Việt, biểu hiện rõ nhất là áo dài Lemur, áo dài này do họa sĩ Cát Tường thiết kế vào những năm 30 - 40 của thế kỷ XIX. Chiếc áo dài Lemur lấy tên tiếng Pháp của họa sĩ. Áo được thiết kế theo hơi hướng “Tây”, tức là áo chỉ có hai vạt trước sau, vạt trước dài chấm đất, áo may bó sát người, đây là sự cách tân đột phá của chiếc áo dài. Trước đây, áo dài được may rộng, không “khoe” những đường cong trên cơ thể của người phụ nữ. Với áo dài Lemur, ngoài khuy áo được mở sang một bên sườn thì nó được thiết kế bó sát người, tôn nên vẻ nữ tính và mềm mại của vóc dáng người mặc, những đường cong trên cơ thể của người phụ nữ trở nên quyến rũ hơn khi khoác lên người chiếc áo dài. Đây là một sự thay đổi về nhận thức và cảm nhận thẩm mỹ của người phụ nữ Việt khi tiếp thu văn hóa Pháp. Dù đến giữa những năm 40 của giai đoạn này, chiếc áo dài kiểu Lumur bị lãng quên nhưng nó là chiếc áo đặt “nền tảng” cho sự ra đời các kiểu áo dài sau này như áo dài Lê Phổ, Raglan, áo dài Trần Lệ Xuân và cả áo dài truyền thống Việt bây giờ.

Áo dài Việt không đơn thuần nhìn nhận dưới góc độ là một trang phục của người phụ nữ, mà còn chứa đựng cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Giá trị vật thể của áo dài ở chỗ, nó được hình thành và phát triển theo chiều dài lịch sử mà con người đã sử dụng như một vật chất phục vụ trong sinh hoạt. Nhưng quan trọng hơn cả là giá trị phi vật thể của áo dài. Khi người phụ nữ Việt khoác lên người chiếc áo dài thì tôn lên vẻ đẹp với sự duyên dáng, đoan trang, mềm mại và kín đáo, như đúng bản chất của phụ nữ Việt Nam vậy.

Nét đẹp xuyên thời gian

Phải thừa nhận rằng, áo dài của phụ nữ Việt chứa đựng nét đẹp xuyên thời gian. Người phụ nữ Việt vốn đã đẹp về phẩm chất chịu thương, chịu khó, kiên cường, bất khuất... lại càng xinh đẹp, quyến rũ hơn khi khoác lên người chiếc áo dài. Nét đẹp riêng có của người phụ nữ Việt trong chiếc áo dài thướt tha chẳng những đi vào lòng người, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho giới văn nghệ sĩ, để rồi áo dài đi vào trong thơ ca, hội họa với nhiều tuyệt tác. Áo dài của phụ nữ Việt vượt cả biên giới, ngay cả phụ nữ nước ngoài, nhiều người vẫn rất thích áo dài Việt Nam.

Phụ nữ duyên dáng, tự tin trong chiếc áo dài. Ảnh: P.Lý

“Rất đẹp”, đó là cảm nhận của tất cả mọi người khi nói đến áo dài. Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng Trần Thị Mai Đào cho biết: Mỗi trào lưu áo dài, chị đều may cho mình một bộ, nhưng chị vẫn thích nhất kiểu áo dài truyền thống. Bất kỳ người phụ nữ nào mặc áo dài cũng sẽ trở nên đẹp hơn. Đối với giáo viên, sinh viên sư phạm mặc áo dài trên giảng đường thể hiện lịch sự, kín đáo, dịu dàng và mẫu mực.

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên-Quan hệ doanh nghiệp và Khởi nghiệp (Trường Đại học Phạm Văn Đồng) Võ Duy Quân thì bảo rằng, phụ nữ Việt Nam mặc áo dài rất đẹp, tôn lên vẻ đẹp thuần khiết của tâm hồn và cả vẻ đẹp về hình thể. Ngày nay, điều kiện kinh tế khá hơn, nên phụ nữ lựa chọn cho mình nhiều bộ trang phục với kiểu dáng thiết kế đa dạng. Dẫu vậy, các chị vẫn chọn cho riêng mình bộ ào dài đẹp nhất, mặc trong những sự kiện trang trọng, dịp lễ, Tết... để lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời, đó cũng là cách để giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của phụ nữ Việt Nam qua tà áo dài.

"Tuần đầu tiên của tháng ba, hưởng ứng sự kiện “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, phụ nữ ở khắp mọi miền trong cả nước thực hiện Tuần lễ Áo dài. Riêng tại Quảng Ngãi, nữ CBCC,VC mặc áo dài đến công sở. Đây là sự kiện nhằm khẳng định và tôn vinh giá trị của áo dài; khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản Việt Nam trong mỗi phụ nữ và nhân dân Việt Nam, tiến tới đề nghị công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia", Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lê Na cho hay.

PHƯƠNG LÝ- NGUYỄN TRÀ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/202003/ao-dai-di-san-v%C4%83n-hoa-vi%E1%BB%87t-nam-2991713/