Áo ngực giúp nâng hay làm hạ ngực?

Áo ngực có thể hạn chế tình trạng sa trễ vòng 1 của nữ giới hay chỉ là phụ kiện thời trang được quảng cáo quá đà? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ sau 12 năm tranh luận.

 Nhà nghiên cứu Jean-Denis Rouillon ở Pháp tuyên bố mặc áo ngực là hành động "lợi bất cập hại" vào năm 2012. Ảnh: Independent.

Nhà nghiên cứu Jean-Denis Rouillon ở Pháp tuyên bố mặc áo ngực là hành động "lợi bất cập hại" vào năm 2012. Ảnh: Independent.

Năm 2012, các hãng tin khắp thế giới cùng đưa tin về nghiên cứu ở Pháp cho rằng áo ngực là vô dụng. Ông Jean-Denis Rouillon, tác giả nghiên cứu, tuyên bố vật dụng này thậm chí mang lại nhiều bất lợi cho nữ giới vì “làm thoái hóa cơ chế nâng đỡ của vòng 1”.

Kết quả chính thức của nghiên cứu chưa bao giờ được công bố. Chia sẻ với Reuters, ông Rouillon cho biết đó là “phát hiện sơ bộ” và không có ý khuyên nữ giới đừng mặc áo ngực.

Tại sao công chúng lại phấn khích đến thế? Nhà báo Medeleine Aggeler của The Guardian cho rằng hiện tượng “bài trừ áo ngực” như một hành động xóa bỏ những chuẩn mực xã hội, tâm lý, văn hóa về vòng 1 của nữ giới. Bởi lẽ, đây là bộ phận cơ thể vừa có tính thiêng liêng vừa có tính đại chúng, thương mại, theo TS Marilyn Yalom, tác giả sách Lịch sử vú.

Phụ nữ có cần áo ngực?

Nữ giới có thật sự cần áo ngực? Theo nhà nghiên cứu Rouillon, những bộ ngực tự do vẫn có khả năng chống lại tình trạng chảy xệ. “Bó sát ngực cả ngày lẫn đêm là một hành động lợi bất cập hại”, ông nhận xét.

“Tôi tin rằng vòng 1 của mình đã săn chắc hơn khi không mặc áo ngực”, một người phụ nữ đã từ bỏ món đồ này trong thời Covid-19 chia sẻ với The Guardian vào năm 2021.

 Một số người tin rằng áo ngực có thể giúp hạn chế tình trạng sa trễ tuyến vú. Ảnh: Glamour.

Một số người tin rằng áo ngực có thể giúp hạn chế tình trạng sa trễ tuyến vú. Ảnh: Glamour.

Ngược lại, có những người tin rằng chiếc áo này có thể giúp tuyến vú tránh tình trạng sa trễ.

Theo các chuyên gia, có rất ít nghiên cứu thực nghiệm bổ trợ cho 2 quan điểm trên. Song, dựa trên cách hoạt động của da và các bó cơ, TS Joanna Wakefield-Scurr, cho biết áo ngực duy trì hình dáng của vòng 1. TS Wakefield-Scurr còn được mệnh danh là “giáo sư áo ngực” ở Đại học Portsmouth (Anh).

“Đa số quần áo bó sát đều có khả năng duy trì hình dạng và thay đổi cấu trúc của các bó cơ nếu được mặc trong thời gian dài”, bà cho biết.

TS về sức khỏe tuyến vú nói thêm áo corset và giày có thể thay đổi hình dạng cơ thể và bàn chân. “Vòng 1 cũng có thể được thay đổi nếu bị bó sát trong thời gian dài”, bà nói.

Bà Wakefield-Scurr nói thêm những phụ nữ chưa từng mặc áo ngực dễ gặp vấn đề vòng 1 sa trễ. “Có bằng chứng hợp lý cho thấy các mô cơ thể sẽ bị kéo căng nếu chúng không được nâng đỡ thích hợp”, bà giải thích.

Tự quyết định

Nếu mặc áo ngực thật sự tạo ra khác biệt về độ chảy xệ của tuyến vú thì đó chỉ là một khác biệt nhỏ, theo TS Scot Bradley Glasberg, cựu chủ tịch Quỹ phẫu thuật thẩm mỹ của Mỹ. Ông cho biết 2 yếu tố ảnh hưởng đến độ trễ của ngực là trọng lượng và chất lượng da.

TS Glasberg cho biết người có ngực nhỏ và da đàn hồi tốt sẽ ít bị sa trễ. Ngược lại, những người có vòng 1 phát triển đáng kể rồi teo lại - ví dụ như tăng cân hoặc mang thai - dễ bị chảy xệ. Và dù ở dạng nào, vùng cơ thể này cũng không thể tránh khỏi các quy luật tự nhiên. “Dù mặc áo hay không, tuyến vú sẽ trễ xuống ít nhiều theo thời gian”, ông nhấn mạnh.

 Bà Jené Luciani Sena, tác giả sách The Bra Book, cho rằng nữ giới nên là người quyết định họ có nên mặc áo ngực hay không và vòng 1 của họ nên có hình dạng như thế nào. Ảnh: Indu Harikumar.

Bà Jené Luciani Sena, tác giả sách The Bra Book, cho rằng nữ giới nên là người quyết định họ có nên mặc áo ngực hay không và vòng 1 của họ nên có hình dạng như thế nào. Ảnh: Indu Harikumar.

Cựu chủ tịch Quỹ phẫu thuật thẩm mỹ nhấn mạnh tình trạng chảy xệ không ảnh hưởng sức khỏe nữ giới. Song, những người bị sa trễ vòng 1 có thể phẫu thuật thẩm mỹ nếu thấy không thoải mái.

“Phẫu thuật nâng ngực là lựa chọn tốt nhất nếu nữ giới muốn vòng 1 không chảy xệ”, TS Glasberg nói. Đối với những phụ nữ bị đau lưng, cổ và vai, ông cũng khuyến khích họ thực hiện phẫu thuật thu nhỏ hoặc nâng ngực.

Song TS cảnh báo đây là một loại đại phẫu và cần tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện. “Nếu bạn muốn phẫu thuật, hãy tìm bác sĩ có giấy phép, trình độ chuyên môn đúng yêu cầu và hoạt động ở cơ sở thẩm mỹ được công nhận”, ông khuyến nghị.

Đối với những người không muốn phẫu thuật, bà Jené Luciani Sena, tác giả sách The Bra Book (Tạm dịch: Quyển sách về áo ngực), đề xuất một lựa chọn đơn giản hơn là chọn một chiếc áo ngực phù hợp.

Khi mua áo, bà Sena khuyên nữ giới ứng dụng nguyên tắc cơ bản là chọn loại giúp vòng 1 nằm giữa vai và khuỷu tay. “Và nếu bạn không tìm được hoặc không muốn tìm cũng không sao”, tác giả The Bra Book nói thêm. “Mỗi người đều có sở thích riêng và có quyền để ngực tồn tại theo hình dạng họ muốn, miễn là họ thoải mái”.

Đức An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cuoc-tranh-cai-dai-12-nam-ve-tac-dung-cua-chiec-ao-nguc-post1503343.html