Áp lực giải ngân vốn đầu tư công: Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Đức Kiên bày tỏ lo ngại

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, áp lực giải ngân vốn đầu tư công nửa cuối năm là rất lớn. Đầu năm thủng thẳng, cuối năm mới làm mạnh thì dẫn tới việc năng suất lao động không cao, chất lượng sẽ không đảm bảo.

Tổng kết 6 tháng đầu năm 2017, câu chuyện giải ngân vốn đầu tư công quá chậm theo kế hoạch đề ra đã khiến hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính nhận “điểm trừ”. Trước đó, vấn đề này cũng đã được các Đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm khi đặt nhiều câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV.

Ảnh minh họa (Nguồn: Đại đoàn kết)

Theo Bộ Tài chính, kết quả giải ngân trong 6 tháng đầu năm rất thấp, đạt xấp xỉ 91.400 tỷ đồng, chỉ bằng 25,6% kế hoạch Quốc hội quyết định.

Về câu chuyện này, ông Nguyễn Đức Kiên chia sẻ, thực tế là đến thời điểm này việc giải ngân vốn từ nguồn ngân sách nhà nước cho xây dựng cơ bản, đầu tư phát triển rất chậm, mới chỉ đạt khoảng 25% tổng vốn.

Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% như Chính phủ và Quốc hội đặt ra thì việc chậm trễ này sẽ đẩy áp lực cho 6 tháng cuối năm, gồm áp lực về khối lượng thi công để giải ngân và chất lượng của dự án công trình.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp chiều 4/7 nhằm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tổ trưởng tổ công tác của Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tổ chức kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tập thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/7/2017.

Sau đó, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ tiếp tục được đưa ra tại buổi đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN 6 tháng cuối năm 2017 của Bộ Tài chính sáng 6/7, khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là “điểm trừ” của Bộ này.

“Sáu tháng mới chỉ giải ngân được khoảng 1/4 vốn theo dự toán... Điều này tác động đến sản xuất, việc làm, thu nhập của người lao động, thu ngân sách, tác động trực tiếp đến nền kinh tế, hiệu quả sử dụng vốn.

Đây là điểm yếu then chốt. Trách nhiệm chính là Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng Bộ Tài chính cũng cần phải chia sẻ. Vấn đề này cần phải có sự phối hợp của cả hai bộ Tài chính và Kế hoạch và Đầu Tư”, Phó Thủ tướng nhắc nhở.

Đồng quan điểm với Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Đức Kiên khẳng định, việc có tiền mà tiêu không hết là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trong khi Bộ Tài chính là cơ quan thực thi, giám sát việc chi thông qua hoạt động của hệ thống kho bạc Nhà nước.

Ông Kiên cho rằng, có nhiều lý do dẫn tới việc chậm giải ngân, trong đó có những lý do chủ quan như: do phân vốn chậm, chưa hoàn thiện thủ tục tại các dự án đủ điều kiện theo Luật Đầu tư công...Bên cạnh đó, còn những nguyên nhân khách quan như những quy định trong Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư được áp dụng từ năm 2015 đến nay nhưng các bộ ngành, địa phương vẫn chưa quen mà cứ làm theo quy định cũ, cho nên khi thẩm tra thì bị trả lại hồ sơ.

“Cũng không ngoại trừ việc triển khai Luật Đầu tư công của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thiếu sót, cho nên sau 2 năm Luật đi vào hoạt động thì vẫn thực hiện chuệch choạc...Theo quy định, việc phân vốn chậm, hướng dẫn lập quy trình vốn kế hoạch đầu tư trung hạn không đạt yêu câu thì trách nhiệm trước hết là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, ông Nguyễn Đức Kiên chia sẻ.

Về việc này, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhận trách nhiệm trong phiên chất vấn của Đại biểu Quốc hội vừa qua. Ông thừa nhận, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có phần trách nhiệm khi việc quản lý còn hạn chế và gây lãng phí. Cùng với đó là tham mưu cơ chế chính sách chưa đầy đủ và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát phát hiện các trường hợp thất thoát chưa tốt.

Trước những lo ngại đặt ra về giải ngân vốn đầu tư công thời gian qua cũng như tiếp tục triển khai đẩy mạnh giải ngân đầu tư công 6 tháng cuối năm, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Văn phòng Chính phủ soạn thảo công văn truyền đạt tới tất cả các bộ, ngành, địa phương độc lập đánh giá việc thực hiện và đề xuất sửa đổi các pháp luật liên quan tới đầu tư công như Luật đầu tư công, Luật xây dựng, Luật đấu thầu, Luật bảo vệ môi trường… để xác định rõ các bất cập, nhanh chóng sửa đổi pháp luật liên quan.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải khẩn trương đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị định 136, nghị định 77, nghị định 15 theo hình thức rút gọn; thực hiện công bố công khai các bộ, ngành, địa phương chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm tổ chức và cá nhân trong việc thiếu trách nhiệm, trì trệ, gây cản trở đối với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công,

Đồng tình với những chỉ đạo của Phó Thủ tướng, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng bày tỏ lo ngại rằng, áp lực giải ngân vốn đầu tư công nửa cuối năm sẽ rất lớn.

Theo ông, đầu năm thủng thẳng, cuối năm mới làm mạnh thì vừa năng suất lao động không cao, vừa chất lượng không đảm bảo./.

Hà Giang

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/mang-tien-ve-cho-me-cho-vo-dang-cap-ty-phu-nguoi-than-lanh-dao-hoa-phat-tcb-novaland-vpb-dang-so-huu-luong-co-phieu-tri-gia-ca-tram-trieu-usd-420228321248354.htm