Áp lực nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng

TPBank, PVcomBank, MSB… là những ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn, nợ có khả năng mất vốn chiếm tỷ trọng khá lớn. Các chuyên gia nhận định, áp lực nợ xấu tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt là sau siêu bão Yagi, sự phục hồi của nhiều doanh nghiệp còn chậm.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã gia hạn áp dụng Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, nhưng thực trạng nợ xấu của hệ thống tiếp tục tăng so với đầu năm là cảnh báo về rủi ro của hệ thống ngân hàng.

Nợ xấu tăng mạnh

Thống kê từ số liệu báo cáo tài chính quý III/2024 của 29 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/9/2024 có tới 11 ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay ở mức trên 3% gồm: SHB, PGBank, ABBank, VietBank, PVcomBank, VIB, OCB, BaoVietBank, BVBank, VPBank, NCB.

Điển hình là PVcomBank, trong 9 tháng đầu năm 2024, nhà băng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 89 tỷ đồng, giảm 74,3% so với cùng kỳ. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, PVcomBank đang có tổng cộng 3.775 tỷ đồng nợ xấu vào cuối quý III/2024, trong đó nợ có khả năng mất vốn ở mức 2.851 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75,5% nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay hiện ở mức 3,69%.

Nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng cao trong 9 tháng đầu năm.

Nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng cao trong 9 tháng đầu năm.

PVcomBank còn có 7.750 tỷ đồng nợ xấu dưới dạng trái phiếu đặc biệt tại Công ty Quản lý tài sản VAMC, và đã trích lập 865 tỷ đồng cho khoản này.

Một số nhà băng khác có tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3%, song trong 9 tháng năm 2024 ghi nhận nợ dưới tiêu chuẩn, nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh.

Tại MSB, tỷ lệ nợ xấu hiện ở mức gần 2,88% tổng dư nợ, tăng nhẹ so với mức 2,86% hồi cuối năm 2023. Nhưng đáng lưu ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng tới 66% so với cuối năm 2023, lên hơn 3.008 tỷ đồng, trong khi ghi nhận giảm nhẹ ở nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 4 (nợ nghi ngờ).

Chất lượng tín dụng tại TPBank có dấu hiệu đi xuống rõ rệt khi tổng nợ xấu tăng 28% so với đầu năm, lên mức 5.369 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn giảm nhẹ 10% còn hơn 1.000 tỷ đồng. Ngược lại, nợ dưới tiêu chuẩn lại tăng tới 63% lên hơn 2.709 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng 16% lên hơn 1.659 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu tại TPBank tăng từ 2,05% hồi đầu năm lên 2,29%.

Nam A Bank là một trong những ngân hàng có quy mô nợ xấu tăng nhanh nhất, tới hơn 56% trong 9 tháng đầu năm, lên 4.671 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu chủ yếu gia tăng ở nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (51,3%) và nợ có khả năng mất vốn (136%). Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay theo đó đã tăng lên 2,85% từ mức 2,11% hồi đầu năm.

Bac A Bank cũng ghi nhận tổng nợ xấu nội bảng tăng hơn 50% so với đầu năm, đạt 1.375 tỷ đồng do nợ có khả năng mất vốn tăng gần 57% và nợ nghi ngờ tăng hơn 73%. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý III đạt 1,33%, trong khi đầu năm chỉ ở mức 0,92%.

Tương tự, nợ xấu tại BIDV tăng khá mạnh trong kỳ qua, với mức tăng hơn 49%, lên 33.386 tỷ đồng và hiện đang là ngân hàng có quy mô nợ xấu lớn nhất hệ thống xét theo con số tuyệt đối. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV theo đó bị kéo lên mức 1,71%.

Một loạt ngân hàng khác cũng ghi nhận quy mô nợ xấu tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm nay, như VietBank (46,4%), Saigonbank (43,5%), ACB (40,6%)…

Ngân hàng trích dự phòng rủi ro ra sao?

Theo ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank, ngành ngân hàng không thể nào không có nợ xấu. Quan điểm của Saigonbank là đánh giá đúng tính chất khoản nợ từng nhóm.

Trước đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho hay, 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống xử lý được 167.300 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 45,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, gần một nửa trong số đó là do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng trích lập dự phòng rủi ro. Điều này cho thấy việc thu giữ tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu đang gặp nhiều khó khăn.

Trong quý III, nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro. Điển hình, Techcombank trong 9 tháng đầu năm ghi nhận chi phí dự phòng 3.964 tỷ đồng, tăng 73,4% so với cùng kỳ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Techcombank tăng trưởng tích cực lên 103,4% tại thời điểm cuối tháng 9, từ mức 101% cuối tháng 6/2024.

Nợ xấu ở mức cao là 3,69%, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu của PVcomBank đã được cải thiện từ mức 50% hồi đầu năm lên 54,1% khi kết thúc quý III, dù vẫn ở mức khá mỏng.

Ngược lại, một số ngân hàng cắt giảm chi phí dự phòng dù nợ xấu tăng mạnh. Như tại TPBank, nợ xấu tăng mạnh lên mức hơn 5.000 tỷ đồng, song trong trong quý III/2024 lại cắt giảm 35% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, xuống còn 838 tỷ đồng.

Theo nhận định của các chuyên gia, nợ xấu sẽ chưa dừng lại ở mức hiện nay, bởi vùng nhận diện nợ xấu thực tế sẽ mở rộng hơn nhiều khi nhìn vào các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo cơ chế hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 06/2024 và Thông tư 02/2023.

Tại báo cáo gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, NHNN cho biết, lũy kế đến 31/8/2024 đã có 72 tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 290.370 lượt khách hàng với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là 249.705 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/8/2024 có 226.764 khách hàng đang còn dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với số dư nợ được cơ cấu lại là 126.403 tỷ đồng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, khả năng cuối năm 2024, nợ xấu còn tăng, trong đó có các khách hàng bị ảnh hưởng bão lũ ở khu vực miền Bắc mất khả năng trả nợ. Nếu nợ xấu tăng, các ngân hàng khó giảm mạnh lãi cho vay, thậm chí phải đẩy lãi suất cho vay để bù đắp dự phòng rủi ro ngày càng phải trích nhiều hơn và những thất thoát khi khách hàng mất khả năng trả nợ.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/ap-luc-no-xau-ngan-hang-tiep-tuc-tang-1103495.html