Áp lực phải thật gầy

Khi bước vào giai đoạn trưởng thành, Marina Muhui Zheng không còn được thưởng thức thoải mái những món ăn mẹ nấu. Thay vào đó, cô phải tuân theo chế độ ăn kiêng khắc nghiệt.

Marina Muhui Zheng, quản lý bộ phận account ở công ty Saboteur (London, Anh), chia sẻ với Sixth Tone về áp lực hình thể và quan điểm của cô với chứng rối loạn ăn uống.

Khi còn là sinh viên đại học tại New York (Mỹ), tôi thường sắp xếp thời gian về quê ở New Jersey để thưởng thức đồ ăn do mẹ nấu.

Bà là đầu bếp giỏi nhất mà tôi biết. Tài nấu ăn ngon của mẹ được di truyền từ bà ngoại. Những người thuộc thế hệ của mẹ tôi tin rằng không có bữa ăn nào là hoàn chỉnh nếu thiếu chất đạm, rau củ, một món súp và đủ gạo để nuôi sống cả ngôi làng.

Mỗi lần về nhà, mẹ sẽ chiêu đãi tôi cả một bàn tiệc đầy màu sắc, toàn các món ăn đặc trưng của Thượng Hải (Trung Quốc). Trong số đó, bụng lợn om, bánh rán và cua lông ăn kèm với thịt là những món tôi thích nhất. Chỉ cần thử cắn một miếng, mọi buồn phiền, âu lo đều tan biến.

 Số cân nặng là thứ gây ám ảnh với phụ nữ Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.

Số cân nặng là thứ gây ám ảnh với phụ nữ Trung Quốc. Ảnh: Sixth Tone.

Sau đó, vào mùa thu năm cuối cấp, tôi thấy mình không thể nuốt trôi thứ gì và phải chuyển những thức ăn mẹ gắp vào bát khác.

Tôi cố gắng đánh lạc hướng bố mẹ bằng những câu chuyện về trường lớp và bạn bè, có thể họ cũng nhận ra điều bất ổn ở con gái.

Khi còn bé, bố mẹ luôn dặn tôi phải ăn chậm lại. Còn bây giờ, tôi gần như không đụng vào bát cơm của mình.

Lo sợ về vóc dáng không cân đối

Năm 21 tuổi, lần đầu tiên tôi hiểu nỗi khổ khi phải vật lộn với thức ăn. Hồi nhỏ, lúc chưa bị thừa cân, tôi có thể thưởng thức bất kỳ thứ gì mà không cần lo lắng về ngoại hình.

Tôi thường nhận được những bình luận như "bạn thật may mắn khi ăn nhiều mà không bị béo".

Mãi cho đến năm cuối đại học, việc ăn uống bất cẩn và lười tập thể dục đã khiến tôi gặp nhiều rắc rối. Quần áo rộng thùng thình trước đây bỗng trở nên chật chội. Tự soi mình trước gương, tôi không nhận ra chính mình. Tôi không còn là cô gái gầy nhất trong phòng nữa, điều đó thật kinh khủng.

Lisa Lee, nhà xuất bản của tạp chí Hyphen, đã kể lại cuộc đấu tranh của cô với hình ảnh cơ thể trên National Public Radio vào năm 2011.

“Tôi luôn lớn hơn so với những thành viên trong gia đình và có lẽ là người to nhất trong số tất cả anh chị em họ. Khi mẹ bằng tuổi tôi, bà thường khoe về việc mình có hình dáng thon gọn thế nào. Tôi không quá quan tâm đến kích cỡ nhưng đó lại là điều quan trọng với những người khác", Lee chia sẻ.

Giống như Lee, tôi không thực sự để ý đến số cân nặng đã tăng, thay vào đó là bị ám ảnh bởi việc không còn giữ được thân hình lý tưởng của người châu Á. Kỳ vọng đó có thể là một khuôn mẫu, nhưng tôi biết rằng mình không thể đáp ứng được.

 Hình mẫu về phụ nữ trên phương tiện truyền thông gây nên áp lực cho phái đẹp. Ảnh: The Cut.

Hình mẫu về phụ nữ trên phương tiện truyền thông gây nên áp lực cho phái đẹp. Ảnh: The Cut.

Như India Roby, một cây bút về thời trang của Nylon, đã từng nói phụ nữ châu Á được miêu tả trên các phương tiện truyền thông đại chúng là “những người vợ mỏng manh, yếu đuối và luôn gầy”.

Những định kiến này được củng cố bởi các mô tả về đàn ông châu Á. Trong một bài báo củaVariety, hai tác giả Grace Kao và Peter Shinkoda đã viết: “Nếu người châu Á được coi là trầm lặng và dễ chịu thì phụ nữ Mỹ gốc Á lại cực kỳ nữ tính. Còn đàn ông Mỹ gốc Á thì bị tước bỏ nam tính của họ”.

Tư tưởng của nam giới càng làm méo mó hình ảnh về phái đẹp trong mắt người khác và chính họ. Khi những người trước có vóc dáng mảnh mai thì thế hệ nối tiếp cũng bị áp lực phải trở nên gầy hơn nữa để có cảm giác là phụ nữ.

Tâm lý này khi đặt trong nền văn hóa lấy thực phẩm làm trung tâm của nhiều nước châu Á có thể dẫn đến những thói quen không lành mạnh.

“Sự chăm chú đến vẻ bề ngoài đi kèm với tình yêu văn hóa và ẩm thực. Những thông điệp xã hội cạnh tranh như vậy sẽ rất khó để cân bằng trong thời gian tốt nhất. Có một điều khá ngạc nhiên là nhiều người ngày càng quan tâm đến rối loạn ăn uống’, Rachel Rosenthal, cây viết của Bloomberg Opinion, nói.

Rối loạn ăn uống

Trong khi chứng rối loạn ăn uống thường liên quan đến các nền văn hóa phương Tây - đặc biệt là phụ nữ da trắng, trẻ tuổi, tài chính ổn định và có học thức - thì nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nỗi ám ảnh về việc ăn kiêng có xu hướng đi kèm với quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.

Khi các quốc gia châu Á trở nên giàu có hơn, người dân sẽ hà khắc hơn với việc ăn uống.

Tại Nhật Bản, tỷ lệ biếng ăn tăng gấp 4 lần trong giai đoạn năm 1990-2010. Tính đến năm 2014, tỷ lệ mắc chứng rối loạn ăn uống của sinh viên đại học ở Trung Quốc gần như ngang bằng với các nước phương Tây.

Một nghiên cứu năm 2009 ở Đài Loan cho thấy việc sử dụng thuốc nhuận tràng để giảm cân đang trở nên phổ biến hơn ở nữ sinh, 43% trong số đó có nguy cơ bị bệnh tâm lý.

Tuy nhiên, những vấn đề về sức khỏe tinh thân vẫn là điều bị cấm kỵ ở nhiều cộng đồng châu Á. Việc từ chối thảo luận cởi mở về sự nguy hiểm của chứng rối loạn ăn uống đã bình thường hóa căn bệnh tâm thần giết chết hàng chục nghìn người mỗi năm.

 Các hãng thời trang liên tục tạo ra những mẫu thiết kế với kích thước siêu nhỏ khiến phụ nữ quyết định giảm cân. Ảnh: Viola Zhou.

Các hãng thời trang liên tục tạo ra những mẫu thiết kế với kích thước siêu nhỏ khiến phụ nữ quyết định giảm cân. Ảnh: Viola Zhou.

Tôi cũng mất nhiều năm để sửa chữa thói quen độc hại với thực phẩm. Ngay cả bây giờ, đôi khi tôi vẫn bị ám ảnh phải siết chặt chế độ ăn uống, mặc dù biết rằng làm như vậy có thể gây hại cho sức khỏe.

Bây giờ, khi mặc không vừa một chiếc quần jean, tôi cố gắng không hoảng sợ. Để sống cuộc sống mà tôi muốn, tôi chỉ cần tử tế với cơ thể mình và cung cấp cho nó nguồn nguyên liệu cần thiết.

Khi so sánh bản thân với người khác, tôi cảm thấy thoải mái khi nhớ rằng hình thể này là của riêng tôi. Nó không cần phải trở nên hoàn hảo hay chạy theo khuôn mẫu phù phiếm.

Thảo Ngân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ap-luc-phai-that-gay-post1313226.html