Áp lực từ thiếu hụt lao động

Mùa mua sắm cuối năm đang cận kề nhưng ở nhiều quốc gia, thiếu hụt nguồn lao động đang trở thành thách thức lớn cho dịp lễ hội và sự phục hồi kinh tế. Các chính sách hạn chế đi lại trong thời gian đại dịch và lo lắng về an toàn sức khỏe cá nhân được xem là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu nhân công.

Thông báo tuyển dụng được đặt bên ngoài nhiều cửa hiệu. Ảnh REUTERS

Thông báo tuyển dụng được đặt bên ngoài nhiều cửa hiệu. Ảnh REUTERS

Một cuộc khủng hoảng nhân sự ngày càng rõ nét ở nhiều quốc gia khi các nhà hàng, trung tâm thương mại buộc phải giảm thời gian phục vụ, các thông báo tuyển dụng ngày một dày đặc và nhiều nơi buộc phải đưa ra mức tiền thưởng cho việc ký kết hợp đồng.

Trong những tuần qua, Omar Al Tellawi (Ô-ma An Tê-la-uy) đã không nhận được một đơn ứng tuyển nào cho hai vị trí toàn thời gian đang cần ở nhà hàng của mình-The Baker, nằm ở phía tây nam thủ đô Ottawa (Ốt-ta-oa), Canada. Al Tellawi chia sẻ: "Chúng tôi không nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra". Giống như nhiều nhà hàng khác ở Canada, đối với Al Tellawi, việc không có đủ nhân sự đồng nghĩa với việc phải tự làm thêm giờ để duy trì hoạt động kinh doanh. Al Tellawi cũng cho biết, anh đã cố gắng thu hút nhân viên bằng cách đưa ra mức lương theo giờ cao hơn mức lương tối thiểu, nhưng vẫn không đạt được hiệu quả.

Nghiên cứu của chính phủ và các nghiệp đoàn tại Canada chỉ ra, hiện có tới 70% số doanh nghiệp của nước này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công, dẫn đến sự thâm hụt thương mại và kiềm chế đà phục hồi của quốc gia Bắc Mỹ này. Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là chăm sóc sức khỏe, dịch vụ ăn uống, sản xuất và xây dựng. Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Canada, trong tháng 9 vừa qua, đã có tổng cộng hơn một triệu vị trí việc làm bị bỏ trống, cao gấp hai lần con số thống kê của cách đây hai năm.

Ðầu tháng 11/2021, Hiệp hội Các nhà chế biến thịt của Anh (BMPA) từng cho biết, các thành viên hiệp hội buộc phải xuất khẩu bò sơ chế nguyên con sang các nước Liên minh châu Âu (EU) để cắt xẻ thịt rồi nhập trở lại để phân phối tại thị trường trong nước, do tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng công nhân ngành giết mổ gia súc.

Ở Mỹ, các nhà bán lẻ cũng đang phải đối mặt tình trạng thiếu nhân sự tuyến đầu, các tập đoàn cạnh tranh để thuê đủ nhân công thời vụ và mức lương theo đó bị đẩy lên cao hơn. Tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon có kế hoạch tuyển dụng 150 nghìn nhân viên thời vụ cho dịp lễ hội cuối năm, trong bối cảnh "ông lớn" này đặt mục tiêu hạn chế tác động từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và một thị trường tuyển dụng ngày càng khắc nghiệt. Ðể đạt được mục tiêu nêu trên, Amazon đã chủ động nâng mức "tiền thưởng chào mừng" lên đến 3.000 USD nhằm thu hút người lao động.

Giáo sư Nada Elnahla (N.En-na-la) của Trường Kinh doanh Carleton’s Sprott nhận định, các cửa hàng lớn hơn đã sử dụng tiền thưởng tuyển dụng để thu hút nhân viên, điều này khiến các doanh nghiệp nhỏ khó cạnh tranh hơn, vì nó có nghĩa là họ sẽ phải tốn nhiều chi phí hơn để có thể hoạt động. Trong bối cảnh đó, ở Canada, Thủ hiến bang Quebec (Kê-bếch) mới đây vừa công bố kế hoạch chi 3,9 tỷ đô-la Canada (CAD) trong 5 năm tới để thu hút thêm 170 nghìn lao động trong một số lĩnh vực ưu tiên nhất định để bù đắp tình trạng thiếu hụt lao động, bao gồm khoản trợ cấp 475 CAD mỗi tuần cho những người thất nghiệp nếu họ theo học trong những ngành đang thiếu nhân công.

Giới chuyên gia kinh tế quan ngại một cuộc khủng hoảng nhân sự ở nhiều khu vực sẽ "đổ thêm dầu" vào ngọn lửa trong chuỗi cung ứng đang quá tải, ảnh hưởng tiến độ phục hồi kinh tế chung toàn cầu sau những tác động từ đại dịch Covid-19. Sự thiếu hụt nguồn lao động không chỉ tạo áp lực đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tập đoàn, mà còn với cả các chính phủ.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thegioi/ap-luc-tu-thieu-hut-lao-dong-676768/