Áp lực và trách nhiệm

Từ hôm nay 6-11 đến ngày 8-11, Quốc hội sẽ thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn giữa nhiệm kỳ trong 4 lĩnh vực. Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với các đại biểu Quốc hội: Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật; Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, về những vấn đề liên quan.

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, việc tổ chức chất vấn theo lĩnh vực có gì khác cần lưu ý so với chất vấn theo nhóm vấn đề tại các kỳ họp khác của Quốc hội và ông kỳ vọng gì?

* Ông NGUYỄN NGỌC SƠN: Đây không phải là lần đầu tiên Quốc hội chất vấn theo hình thức này mà nhiệm kỳ trước cũng đã làm và sau đó ban hành Nghị quyết số 134/2020/QH14 (về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII - PV). Nhưng tôi cho rằng đây là việc nên làm hàng năm chứ không chỉ là 2 lần trong mỗi nhiệm kỳ.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn

Ông Nguyễn Ngọc Sơn

Tôi kỳ vọng sau phiên chất vấn, nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này sẽ đánh giá rất rõ cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được. Nghị quyết sẽ giúp nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, cụ thể là minh định rõ những gì đã làm được, những gì chưa làm được để tiếp tục lên kế hoạch giám sát, tránh dàn trải. Với cách tổ chức như vậy, cử tri sẽ dễ theo dõi hơn việc thực hiện các lời hứa của các thành viên Chính phủ tại các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề. Tôi cho rằng, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cũng tổ chức giám sát như thế này thì rất hiệu quả.

* Ông LÊ THANH VÂN: Tôi cho rằng cần một số lưu ý. Thứ nhất, rút kinh nghiệm của những lần chất vấn trước, bộ máy giúp việc cho người điều hành chất vấn cần có dữ liệu về những vấn đề từng được chất vấn và trả lời chất vấn, thậm chí là mấy nhiệm kỳ, nhằm hỗ trợ cho người điều hành và nhắc bộ trưởng để không trả lời trùng lắp.

Ơi

Ông Lê Thanh Vân

Thứ hai là không hỏi những vấn đề vụn vặt, nhất là những vụ án, vụ việc cụ thể. Quốc hội là nơi bàn các vấn đề quốc sách nên phải hỏi những vấn đề liên quan đến lợi ích chung của đất nước, của quốc gia, dân tộc.

* Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc chất vấn theo lĩnh vực kiểu “hỏi gì, đáp nấy” sẽ pha loãng vấn đề, thậm chí “cắt khúc” vấn đề, dễ dẫn đến tản mát, khó theo dõi. Đó là chưa kể sẽ tạo ra áp lực nhất định đối với các thành viên Chính phủ và trưởng ngành. Ông nghĩ sao?

* Ông NGUYỄN NGỌC SƠN: Áp lực, nếu có, là áp lực tốt. Mọi thành viên Chính phủ và trưởng ngành đều sẽ phải rà soát lại lĩnh vực mà mình theo dõi. Thời gian qua, những nội dung mà Quốc hội lựa chọn chất vấn cũng như lựa chọn giám sát chuyên đề đều là những vấn đề nóng và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành chắc chắn phải nắm được tình hình thực tế và tiến độ giải quyết các vấn đề quan trọng đó. Những gì chưa làm được phải nghiêm túc nhìn nhận để giải quyết từ nay đến cuối nhiệm kỳ, nhất là trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm.

Cách làm này tôi cho là rất hiệu quả. Không chỉ chờ đến giữa nhiệm kỳ mới tổ chức giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH mà cần được làm thường xuyên, hàng năm để có giải pháp kịp thời. Điều này tạo ra một môi trường thách thức và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sâu sát tình hình từ thành viên Chính phủ và các đại biểu; mở ra cơ hội để đánh giá toàn diện và cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động của Chính phủ, các ngành, qua đó cải thiện quá trình lập pháp và giám sát.

Ý kiến cho rằng diện chất vấn rất rộng, làm sao để “nhấn” được vào các vấn đề trọng điểm không phải không có lý. Tuy nhiên, báo cáo của UBTVQH gửi đại biểu đã tập trung vào các vấn đề chính, lớn, được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu hoàn toàn có quyền chất vấn tất cả các vấn đề nằm trong lời hứa của thành viên Chính phủ, trưởng ngành, các vấn đề đã có trong các nghị quyết của Quốc hội và UBTVQH về chất vấn và giám sát chuyên đề.

* Ông PHẠM VĂN HÒA: Đúng là việc đại biểu có thể chất vấn bất kỳ bộ trưởng, trưởng ngành nào sẽ gây áp lực lớn khi họ không biết trước được nội dung cụ thể đại biểu sẽ chất vấn. Vì không có chủ đề cố định như trước đây, các câu hỏi có thể bao gồm cả những vấn đề mà bộ trưởng chưa từng nghĩ tới hoặc không đoán trước được.

Cách chất vấn như vậy sẽ tạo ra thách thức lớn cho các thành viên Chính phủ, đòi hỏi họ phải thể hiện sự tự tin, bản lĩnh chính trị và hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực mình quản lý trong suốt thời gian qua.

Ông Phạm Văn Hòa

Ông Phạm Văn Hòa

Đối với các thành viên Chính phủ, tôi cho rằng việc chuẩn bị cho phiên chất vấn này là rất quan trọng. Họ cần cập nhật thông tin về các vấn đề và chính sách trong lĩnh vực của mình, hiểu rõ về các thành tựu và thách thức đang đối mặt.

* Ông quan tâm đến nội dung gì trong các nhóm vấn đề được đưa ra chất vấn?

* Ông PHẠM VĂN HÒA: Những vấn đề mà chúng tôi đã chất vấn và các thành viên Chính phủ đã giải quyết tốt thì không cần nêu lại, nhưng vấn đề chưa được giải quyết hoặc mới phát sinh sẽ tiếp tục được đặt câu hỏi. Tuy nhiên, tôi tin rằng có ít vấn đề mới hơn, trong khi vấn đề cũ còn rất nhiều, chưa được giải quyết.

Tôi muốn chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc nhập khẩu vàng độc quyền, sau đó họ ký hợp đồng độc quyền duy nhất với công ty SJC. Lần trước, Thống đốc trả lời rằng giá nhập cao nên phải bán cao. Tôi không thể chấp nhận điều này và đề nghị cho phép nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vàng để tạo ra sự cạnh tranh và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới.

Tôi cũng sẽ đặt vấn đề liên quan đến thị trường xăng dầu với Bộ trưởng Bộ Công thương, nhất là về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu được giao cho doanh nghiệp quản lý. Đây không chỉ là vấn đề của ngành công thương mà còn liên quan đến Bộ Tài chính…

* Ông NGUYỄN NGỌC SƠN: Những lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tất nhiên tôi phải có trách nhiệm theo đuổi tới cùng. Với chuyên môn kinh tế nên vấn đề tôi quan tâm là các trụ cột quyết định tăng trưởng của nền kinh tế - đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng - hiện đang suy giảm. Nếu được hỏi, tôi sẽ chất vấn Chính phủ về các giải pháp “gia cố” 3 trụ cột này, bảo đảm cho kinh tế của Việt Nam phát triển bền vững.

* Ông LÊ THANH VÂN: Tôi quan tâm đến việc chấp hành pháp luật và trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, bộ ngành. Tôi muốn nói tới tính tuân thủ nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Những gì liên quan đến công việc mà ngành đó, nếu xảy ra sự cố thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm ra sao…

Nếu phiên chất vấn này được tổ chức trước khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm thì sẽ có thêm căn cứ để đánh giá tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn một cách chính xác hơn?

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN: Phẩm chất, bản lĩnh người đứng đầu sẽ thể hiện rõ hơn qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nhưng cũng không đợi đến bây giờ mà nửa nhiệm kỳ công tác vừa qua là khoảng thời gian đủ dài và đại biểu cũng đã có khá đầy đủ thông tin để đánh giá khách quan, chính xác về các chức danh được lấy phiếu rồi.

Từ ngày 6-11 đến 8-11: Chất vấn thành viên Chính phủ về việc thực hiện lời hứa trong nửa nhiệm kỳ

Trong tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội dành 2,5 ngày làm việc, từ ngày 6-11 đến 8-11, để chất vấn việc thực hiện lời hứa, cam kết của các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước theo 4 lĩnh vực: kinh tế tổng hợp - vĩ mô; kinh tế ngành; văn hóa - xã hội; tư pháp - nội chính - kiểm toán nhà nước.

Thời gian dành cho mỗi nhóm lĩnh vực khoảng 160-170 phút, đều được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên VTV1 và VOV1. Trước khi khép lại chất vấn, từ 9 giờ 50 đến 11 giờ ngày 8-11, Thủ tướng báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Những ngày làm việc còn lại trong tuần, Quốc hội sẽ nghe các tờ trình, báo cáo và thảo luận về một số dự án luật. Thảo luận việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Xem xét, cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; nghiên cứu, thảo luận các báo cáo của Chính phủ về sơ kết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng và kết quả 3 năm thực hiện tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.

ANH THƯ

BẢO VÂN thực hiện

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ap-luc-va-trach-nhiem-post712897.html