APEC 2020: Bối cảnh toàn cầu đòi hỏi sự tái điều chỉnh và chuyển hướng mô hình kinh tế

Ngày 20/11, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã tham gia lễ khai mạc và phát biểu tại Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát ngôn viên chính phủ Anucha Burapachaisri đã dẫn những điểm chính trong bài phát biểu của Tướng Prayut Chan-o-cha, trong đó đề xuất ba vấn đề APEC cần quan tâm trong tương lai.
Theo ông Prayut, trong bối cảnh toàn cầu khách biệt rất lớn so với 26 năm trước, liên quan đến những khoảng cách về thương mại, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và các thách thức đối với chủ nghĩa đa phương, APEC cần có sự tái điều chỉnh và chuyển hướng theo một mô hình mới. Điều này cần dựa trên thương mại và đầu tư, đóng vai trò hạt nhân của APEC và trở thành chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế khu vực.
Theo đó, APEC cần dẫn dắt việc thúc đẩy thương mại tự do, rộng mở, đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực đi vào chiều sâu và tăng cường hệ thống thương mại đa phương. Nhân dịp này, Thủ tướng Thái Lan đã đề nghị APEC đặt trọng tâm ưu tiên vào ba vấn đề sau:
Thứ nhất, APEC cần ưu tiên kết nối thông suốt trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là kết nối kỹ thuật số nhằm thích ứng với những thay đổi trong hoạt động kinh doanh. APEC nên đặt trọng tâm vào việc xây dựng năng lực, tăng cường khả năng tiếp cận các cơ hội thương mại và đầu tư, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cũng như phát triển hạ tầng, cải thiện nguyên tắc và luật lệ, thúc đẩy năng lực nhằm tạo ra các sáng kiến đổi mới sáng tạo trong một môi trường kỹ thuật số an ninh và an toàn.
Thứ hai, khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần đặt trọng tâm hàng đầu vào sự thành công của APEC trong thời kỳ hậu COVID-19. Mỗi lĩnh vực của xã hội, bao gồm phụ nữ, trẻ em, người già và các nhóm dễ bị tổn thương cần phải đạt được những lợi ích rõ ràng từ thương mại, đầu tư tự do, rộng mở cũng như quá trình hội nhập kinh tế khu vực công bằng, mang lại ích chung cho các bên.

Người dân khu vực APEC theo đó được hưởng sự mạnh khỏe và thịnh vượng trong một xã hội quan tâm thúc đẩy “sự bền vững trong mọi lĩnh vực” - kinh tế, xã hội và môi trường.
Thứ ba, APEC cần tập trung thúc đẩy một một hệ thống kinh tế - xã hội tự cường trước các nhân tố mang tính phá vỡ. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha nhận định thế giới đang đứng trước các cơ hội rất lớn trong đại dịch COVID-19. Cuộc khủng hoảng là một hồi chuông thức tỉnh, làm xuất hiện yêu cầu tự cường và linh hoạt trước các nhân tố mang tính phá vỡ.

Thái Lan đã sẵn sàng để chia sẻ kinh nghiệm phản ứng trước COVID-19 với cộng đồng quốc tế.
Kết thúc bài bài phát biểu của mình, Tướng Prayut đã bày tỏ sự cảm ơn đối với Malaysia trong vai trò dẫn dắt APEC tiến lên phía trước bất chấp những rào cản và thử thách lớn trong năm nay, tái khẳng định sự sẵn sàng của mình trong việc hợp tác với New Zealand cũng như tất cả các nền kinh tế khác vào năm tới để chuẩn bị cho Năm chủ tịch APEC 2020 của Thái Lan.
Ông Prayut cũng đã bày tỏ hy vọng các nền kinh tế thành viên APEC có thể đẩy mạnh cơ chế hợp tác mang tính xây dựng nhằm biến tầm nhìn thành hành động, dựa trên nền tảng tinh thần APEC đã giúp cho cơ chế này tồn tại trong ba thập kỷ qua vì sự thịnh vượng chung của cả khu vực./.

Hữu Kiên (P/v TTXVN tại Bangkok)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/apec-2020-boi-canh-toan-cau-doi-hoi-su-tai-dieu-chinh-va-chuyen-huong-mo-hinh-kinh-te/178505.html