APF hợp tác ứng phó chống biến đổi khí hậu và dịch bệnh
Hội nghị lần 10 Vùng châu Á-TBD trong APF do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức, diễn ra ngày 28-29/11, ở Đà Nẵng nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế về chống biến đổi khí hậu, kiểm soát khủng hoảng y tế...
Hội nghị lần thứ 10 Vùng châu Á-Thái Bình Dương trong Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức đã diễn ra trong các ngày 28 và 29/11, tại thành phố Đà Nẵng.
Hội nghị thảo luận nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực chống biến đổi khí hậu và kiểm soát khủng hoảng y tế, tái thiết và phát triển kinh tế-xã hội.
Thảo luận về tính cấp thiết của sự hợp tác quốc tế có trách nhiệm và bền vững trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, các đại biểu cho rằng biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ XXI, đặc biệt ở những quốc gia đang phát triển.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, nước ta đã tích cực tham gia các hội nghị quốc tế đàm phán về vấn đề biến đổi khí hậu, tham gia đầy đủ hội nghị các bên của Công ước khí hậu (COP), là một trong những nước sớm tham gia ký và phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu; cam kết xây dựng và triển khai các biện pháp giảm khí thải nhà kính và chuyển giao công nghệ; giảm khí metal 30% vào năm 2030….
Thời gian tới, Nghị viện các nước trong cộng đồng Pháp ngữ cần sớm nội luật hóa các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu; lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu khi quyết định những vấn đề kinh tế-xã hội; tăng cường giám sát việc ứng phó với biến đổi khí hậu; bố trí ngân sách thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Đồng thời, các quốc gia cộng đồng Pháp ngữ cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quốc gia tham gia Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các công ước quốc tế khác…
Thảo luận về vai trò của nghị viện trong kiểm soát khủng hoảng y tế, tái thiết và phát triển kinh tế-xã hội, đại diện các phân ban trong Hội thảo cho biết, các nước đã áp dụng nhiều giải pháp phòng, chống COVID-19, sử dụng trang thiết bị hiện đại, phương pháp hỗ trợ y tế mới, kịp thời kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Các phân ban đề xuất Nghị viện các quốc gia vùng châu Á-Thái Bình Dương, Cộng đồng Pháp ngữ cần tăng cường phối hợp, giám sát Chính phủ trong phòng, chống COVID-19, các dịch bệnh mới trong tương lai; tiếp tục hoàn thiện và cải tiến các phương pháp phòng tránh dịch
Phân ban Việt Nam kiến nghị các nghị viện trong Cộng đồng Pháp ngữ cần chung tay, hỗ trợ lẫn nhau để đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thiện thể chế, pháp luật, nâng cao tính bền vững và khả năng chống chịu của hệ thống y tế; đồng thời thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nghị viện trong phòng, chống dịch.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của nhiều tổ chức liên nghị viện khu vực và thế giới như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF), Hội đồng Liên nghị viện các nước Đông Nam Á (AIPA)...
Quốc hội Việt Nam đánh giá cao vai trò của APF với các mục tiêu thúc đẩy và bảo vệ dân chủ, Nhà nước pháp quyền, tôn trọng quyền con người, duy trì và phát triển sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa. APF đã tham gia ngày càng tích cực vào các hoạt động quốc tế, khởi xướng và triển khai các hoạt động thúc đẩy hợp tác liên nghị viện, tăng cường mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết giữa các thể chế nghị viện, đặc biệt là trong Cộng đồng Pháp ngữ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, những chủ đề được thảo luận tại hội nghị lần này là những vấn đề thời sự vô cùng cần thiết đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh các nước vẫn đang chịu tác động nặng nề của COVID-19 cùng tình hình biến đổi khí hậu hết sức phức tạp.
Hội nghị thông qua báo cáo tổng kết hội nghị và quy chế hoạt động của vùng châu Á-Thái Bình Dương trong APF./.