App review ảo làm chao đảo thị trường TMĐT Trung Quốc

Để duy trì hoạt động này là sự tham gia hàng trăm nghìn người làm việc tự do, nhận hoa hồng để đăng hàng tỷ đánh giá giả mạo.

 Mô hình này đã ảnh hưởng đến các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Mô hình này đã ảnh hưởng đến các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc. Ảnh: New York Times.

Gần đây, Zhao Li (68 tuổi) đã nghỉ hưu và sống tại Thượng Hải, nhận được một cuộc gọi bất ngờ. Người gọi tự xưng là nhà bán hàng trên một ứng dụng mua sắm nổi tiếng và đưa ra một đề nghị kỳ lạ.

Bà Zhao chỉ cần đặt mua một đôi giày giá 199 nhân dân tệ (khoảng 28 USD), sau đó đăng tải một bài đánh giá sản phẩm được viết sẵn do người bán cung cấp lên ứng dụng. Khi hoàn thành, bà sẽ nhận lại toàn bộ số tiền đã bỏ ra để mua đôi giày và được trả thêm hoa hồng 10 nhân dân tệ.

Bà Zhao không khỏi ngỡ ngàng. Kể từ khi bắt đầu sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử trong đại dịch, bà luôn tỉ mỉ kiểm tra đánh giá sản phẩm trước khi đặt mua. Nhưng lần này, bà nhận ra có thể nhiều bài đánh giá kia thực chất là giả mạo.

Cơn sốt kiếm tiền từ đánh giá giả

Nghĩ lại, tất cả những lần mua hàng bực bội gần đây của bà đều có lý. Các sản phẩm bà mua gần đây, từ chiếc khăn tắm được khen hút nước tốt nhưng thực tế lại không hút nước, cho đến chiếc áo lông vũ được đánh giá cao nhưng khi nhận về thì nhăn nhúm và gia công kém chất lượng.

“Tôi bắt đầu xem xét cẩn thận những bài đánh giá đó và nhận thấy rằng nhiều bài trong số đó sử dụng từ ngữ rất giống nhau. Điều này khiến tôi rất bối rối, không biết sau này nên đánh giá chất lượng của một món đồ như thế nào", Zhao nói với Sixth Tone.

Theo Sixth Tone, Zhao không phải là nạn nhân duy nhất của ngành công nghiệp đánh giá ảo tại Trung Quốc. Theo một bản tin gần đây từ Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), một nền kinh tế ngầm cho đánh giá giả đã nở rộ. Hàng loạt nền tảng tuyển dụng hàng triệu người làm tự do để đăng tải hàng tỷ bài đánh giá ảo trên các cửa hàng trực tuyến.

 các bài đánh giá được đăng bởi các tài khoản khác nhau, nhưng tất cả đều có ảnh chụp giống nhau. Ảnh: Weibo.

các bài đánh giá được đăng bởi các tài khoản khác nhau, nhưng tất cả đều có ảnh chụp giống nhau. Ảnh: Weibo.

Bản tin của CCTV tập trung vào ứng dụng Gold Testers. App này hoạt động như một nền tảng kinh tế chia sẻ tương tự như Taskrabbit. Bất kỳ ai cũng có thể đăng ký và trở thành một “người đánh giá sản phẩm giả” và kiếm được khoản hoa hồng nhỏ cho mỗi lần đăng bài.

Trong chương trình CCTV, một sĩ quan cảnh sát từ tỉnh Chiết Giang giải thích quy trình hoạt động của hệ thống này: người dùng chỉ cần đặt hàng và đăng tải một bài đánh giá đã chuẩn bị sẵn, bao gồm cả ảnh và văn bản, lên cửa hàng trực tuyến của khách hàng. Sau đó, họ sẽ nhận lại toàn bộ số tiền mua hàng và hoa hồng 5 nhân dân tệ.

Gold Testers đã phát triển với tốc độ chóng mặt kể từ khi ra mắt chưa đầy 3 năm trước. Ứng dụng này đã hợp tác với hơn 36.000 nhà bán hàng thương mại điện tử và hơn 600.000 người đánh giá, tạo ra hơn 200 triệu đơn hàng giả với tổng giá trị giao dịch lên tới khoảng 4,7 tỷ nhân dân tệ.

“Đội quân mạng” đổ bộ sàn thương mại điện tử Trung Quốc

Nói với CCTV, Gao Chengxuan, một nhân viên an ninh mạng cũng đến từ tỉnh Chiết Giang, cho biết nhiều cuộc trò chuyện nhóm trên mạng xã hội Trung Quốc đã lan truyền quảng cáo về Gold Testers, khuyến khích mọi người đăng ký làm người đánh giá giả.

“Không có rào cản nào nếu bạn muốn trở thành người đánh giá ảo. Chỉ cần biết sử dụng điện thoại, bạn có thể hoàn thành nhiệm vụ chỉ bằng một vài thao tác và kiếm được hoa hồng hoặc một món quà nhỏ”, Gao nói.

Sau khi điều tra vào ngày 28/10, Sixth Tone phát hiện app Gold Tester hiện không có sẵn trên App Store và các cửa hàng ứng dụng Android tại Trung Quốc.

 của ứng dụng Gold Tests hiển thị số tiền hoa hồng người dùng có thể kiếm được khi đăng các đánh giá giả mạo về các sản phẩm khác nhau. Ảnh: Weibo.

của ứng dụng Gold Tests hiển thị số tiền hoa hồng người dùng có thể kiếm được khi đăng các đánh giá giả mạo về các sản phẩm khác nhau. Ảnh: Weibo.

Trên thực tế, Gold Testers không phải là ứng dụng duy nhất trong lĩnh vực này. Vào tháng 3, một chương trình mini trên WeChat có tên là Star Team cũng gây xôn xao dư luận vì tuyển dụng một “đội quân mạng” nhằm đăng tải đánh giá giả.

Kể từ năm 2022, nhóm này được cho là đã đặt các đơn hàng và đánh giá giả mạo cho hơn 1.000 nhà cung cấp trên các nền tảng thương mại điện tử khác nhau. Tổng giá trị giao dịch lên đến hơn 100 triệu nhân dân tệ.

Theo Sixth Tone, những năm gần đây, chính quyền Trung Quốc, đặc biệt là các cơ quan quản lý mạng, đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn các “đội quân mạng” đổ bộ lên nền tảng với các nội dung giả mạo.

Tuy nhiên, các nhóm này vẫn tiếp tục trỗi dậy do lợi nhuận khổng lồ họ có thể thu về. Theo ông Luo Meng, một nhà nghiên cứu tại Trường Khoa học và Công nghệ Mạng thuộc Đại học Chiết Giang, các đội quân mạng như vậy thường có quy mô lớn, linh hoạt và khả năng che giấu cao, khiến việc kiểm soát trở nên rất khó khăn.

Luo nhấn mạnh: "Nhất là trong những năm gần đây, với sự phát triển của các công nghệ mới cùng sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuỗi công nghiệp mạng, các đội quân mạng có thể nhanh chóng thực hiện và lan truyền nội dung marketing”.

Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với các cơ quan thực thi pháp luật. Để đối phó với vấn nạn này, nhà nghiên cứu cho rằng không chỉ các cơ quan quản lý, mà chính các nền tảng cũng cần có trách nhiệm lớn hơn trong việc phát hiện và xóa bỏ những hành vi bất hợp pháp. Tuy nhiên, bà thừa nhận rằng các quy định xung quanh đội quân mạng hiện nay vẫn còn yếu và mơ hồ.

Thúy Liên

Nguồn Znews: https://znews.vn/app-review-ao-lam-chao-dao-thi-truong-thuong-mai-dien-tu-trung-quoc-post1507748.html