Apple và Tlinh tạo nên MV 'đừng làm nó phức tạp' bằng iPhone 15 Pro
Apple, hãng công nghệ nổi tiếng thế giới, đã hợp tác với nữ rapper/ca sĩ Tlinh để ra mắt MV 'đừng làm nó phức tạp' vào tối 26/1/2024. Đây là MV đầu tiên của một nghệ sĩ Việt Nam được quay hoàn toàn bằng iPhone 15 Pro, chiếc điện thoại thông minh cao cấp nhất của Apple hiện nay.
Để có thể tạo ra một MV chất lượng cao như vậy, Apple và Tlinh đã phải trang bị dàn thiết bị tiền tỷ và ekip hùng hậu với tay nghề lâu năm và chuyên nghiệp. Theo Apple, iPhone 15 Pro có hệ thống camera sau bao gồm camera chính 48MP, camera ultra wide 12MP, và telephoto 3x 12MP, cho phép quay video độ phân giải cao, ổn định và sắc nét. iPhone 15 Pro cũng có nhiều tính năng camera đặc biệt, như Cinema Mode, Action Mode, ProRes LOG, Apple ProRAW,... giúp người dùng có thể quay phim chuyên nghiệp và chỉnh sửa linh hoạt hơn.
Bảo Nguyễn, nhà làm phim đảm nhận dự án MV "đừng làm nó phức tạp", chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên anh quay một dự án chuyên nghiệp trên iPhone. Anh đánh giá chất lượng của camera của iPhone 15 Pro ở mức tiệm cận nếu không muốn nói là cao hơn rất nhiều máy ảnh truyền thống mà anh đã sử dụng trước đây. Anh cũng khen ngợi sự linh hoạt, sáng tạo và ổn định của iPhone trong quá trình quay phim.
Tuy nhiên, đạo diễn Phạm Vĩnh Khương - nhà nghiên cứu smartphones film, người tiên phong trong lĩnh vực làm phim bằng điện thoại hay còn được mệnh danh “ông trùm làm phim bằng điện thoại” lại có những chia sẻ thẳng thắn về quan điểm rất thực tế, sắc bén đối với chủ đề “Đừng Làm Nó Phức Tạp” thực hiện bằng iPhone 15Pro.
“Tôi biết, nếu tôi lên tiếng trong thời điểm này, ắt hẳn sẽ bị antifan và nhiều người công kích. Tôi đã xem MV này và luôn cả phần hậu trường của họ. Theo cá nhân tôi, đây là một MV chất lượng vừa phải chứ chưa được gọi là xuất sắc ở phần quay dựng.
Nói chính xác hơn, tôi thấy việc Apple quảng bá mạnh sản phẩm của mình trong chiến dịch lần này có phần chưa tối ưu hoặc thật khó hiểu vì rõ ràng chiếc iPhone bán ra là dành cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp đều có thể tiếp cận, chứ không phải chỉ hướng tới tệp các nhà làm phim trẻ.
Tôi tin trong mắt dân làm phim gạo cội… tại thời điểm này hoặc sau này, iPhone vẫn chẳng cách gì thay thế máy quay chuyên nghiệp. Cả khi hãng đã cố gắng nỗ lực trang bị tính năng quay Cinema Mode, Action Mode, ProRes LOG, Apple ProRAW cho chiếc điện thoại quốc dân. Công nghệ mỗi ngày mỗi phát triển, điện ảnh cũng vậy, chẳng có lý do gì để iPhone trở nên “nhiệm màu cách lạ lỳ” mà các thiết bị quay chuyên nghiệp khác lại bị “dậm chân tại chỗ”cả.
Vậy câu hỏi đặt ra, nếu chiến dịch truyền thông ấy ko có tác dụng mấy với dân chính ngạch. Vậy rốt cuộc họ đang muốn dành thông điệp này cho ai? Giả sử dành cho giới làm phim nghiệp dư, khiến họ có thêm động lực. Tôi e rằng, chỉ khiến họ cảm thấy việc dùng iPhone làm MV, làm phim chuyên nghiệp thật cồng kềnh, chông gai, chua chát từ việc phân bố tài chính đến nhân lực, rồi hàng chục hàng trăm vấn đề nan giải khác kèm theo… khi chiếc hậu trường MV quyền lực của nhà Táo Khuyết tung ra “show on” các gương mặt cộm cán, có background chắc nịch trong ngành thiết kế và điện ảnh, kèm theo dàn ekip đông đảo, thiết bị cực khủng không khác gì quá trình đầu tư phim rạp hoặc TVC quy mô lớn.
Cuối cùng, giả định của tôi là họ hướng đến người tiêu dùng, vậy người tiêu dùng có quá quan tâm, chú trọng vào việc tạo ra cái gì đó “nghe xa vời” bằng điện thoại? Nếu có, họ vẫn chỉ muốn tạo sản phẩm của mình bằng điện thoại theo cách đơn giản nhất mà thôi.
Tôi thiết nghĩ, trừ việc Apple cố ý thay thế camera chuyên nghiệp bằng camera iPhone cho mục đích quảng bá thương hiệu, chiến lược marketing gây dấu ấn nhất định cho brand, sẽ chẳng nhân tố nào có thừa điều kiện để trang bị chừng đấy con người, thiết bị hiện đại, mà lại bất chấp đi lắp chiếc iPhone nhỏ bé vào các “gã khổng lồ” để thực hiện dự án lớn đâu nhỉ? Thế nên, với tư cách là người nghiên cứu lĩnh vực làm phim bằng điện thoại từ thời iPhone chưa sinh ra, cũng là người yêu thích, đam mê quay dựng hoàn toàn bằng iPhone từ trước đến giờ trung thành không lung lay, không thay đổi, tôi vẫn mong chờ Apple tạo ra chiến dịch hoặc một chuỗi chiến dịch “bình thường hóa” làm phim bằng iPhone như cái tên “Đừng làm nó phức tạp” thì sẽ thuyết phục hơn, tuyệt vời hơn, mà ko phải tắt tính năng bình luận của người xem. Suy cho cùng, người làm phim, làm video dù chuyên hay không cũng chỉ chiếm con số cực nhỏ so với cộng đồng iPhone - iFan toàn cầu.
Nếu Apple có thể dùng ekip vừa vặn tạo ra 1 MV, phim chuyên nghiệp theo đúng như họ quảng cáo “Thực hiện bằng iPhone 14Pro” tôi tin video đó sẽ viral tốc độ nhanh nhất lịch sử quảng bá của nhà Táo Khuyết. Bởi họ đang truyền cảm hứng, tạo ra nguồn cảm hứng, động lực cho tất cả những người yêu thích nghệ thuật hình ảnh. Để họ hiểu rằng, bản chất của việc làm phim bằng điện thoại là vì tính cơ động, nắm bắt kịp thời khoảnh khắc, tiếp kiệm thời gian, tiết kiệm nguồn chi phí lớn trong việc sản xuất… Còn một khi đã tiêu hao rất nhiều nguồn lực, kinh phí để thực hiện, mà lại không làm ra sản phẩm, tác phẩm hoàn toàn bằng iphone, tốt nhất chúng ta nên chọn máy quay chuyên nghiệp để hình ảnh được sắc nét, trường ảnh sâu hơn, xử lý hậu kỳ thuận tiện hơn.
Một điều nữa tôi muốn khẳng định. Đã tuyên bố làm phim bằng điện thoại hay thực hiện bằng điện thoại thì chắc chắn phải quay và dựng bằng điện thoại. Nếu chúng ta chỉ sử dụng camera smartphone ở phần tiền kỳ thì chỉ nên gọi là quay phim bằng điện thoại. Đấy là khái niệm của tôi khi tạo ra định nghĩa TRUE SMARTPHONE FILM.
Tôi hi vọng trong tương lai gần, sẽ chứng mắt thấy Apple quảng bá chiến lược bằng cách hợp tác làm phim hoặc MV thực hiện đúng nghĩa bằng iPhone, khiến người xem thán phục, mãn nhãn với điều họ trông thấy. Hệ điều hành IOS và chip xử lý trên iphone các thế hệ đời sau rất đỉnh. Các app edit, VFX, 2D-3D từ các nhà phát triển phần mềm cũng ngày một nâng cao và vô cùng chất lượng nếu nhà làm phim nghiêm túc tìm hiểu. Bỏ sót hoặc chưa khai thác triệt để công suất, hiệu năng của iPhone đối với lĩnh vực hậu kỳ là điều đáng tiếc trong việc “chạy đua” với các đối thủ cạnh tranh công nghệ.”, đạo diễn Phạm Vĩnh Khương viết trên trang cá nhân.