Armenia và Azerbaijan ngừng bắn, tín hiệu khả quan?

2 tuần xung đột giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh đã kết thúc bằng một lệnh ngừng bắn giữa 2 nước với sự trung gian hòa giải của Nga, đã mang đến một tín hiệu hòa bình ở khu vực nhưng tín hiệu đó vừa lóe lên đã nhanh chóng bị dập tắt...

Đàm phán căng thẳng kéo dài gần nửa ngày

Sau cuộc họp 3 bên kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ giữa các ngoại trưởng Armenia, Azerbaijan và Nga, trong đó Nga là bên hòa giải, vào lúc 3h sáng (giờ địa phương), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã phát đi thông báo cho biết, Armenia và Azerbaijan đã nhất trí về một lệnh ngừng bắn từ 12h trưa ngày 10/10 vì lý do nhân đạo. Cụ thể, 2 bên sẽ “trao đổi tù nhân và thi thể những người thiệt mạng trong cuộc xung đột”. Trong suốt 2 tuần giao tranh, từ ngày 27/9 đến nay, xung đột đã gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên với hơn 300 người thiệt mạng, hàng chục nghìn người phải đi sơ tán. Cao ủy Liên hợp quốc về nhân quyền Michelle Bachelet đã bày tỏ sự báo động trước tổn hại của người dân và kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức.

Ngoại trưởng Nga S.Lavrov cho biết, thỏa thuận hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan dưới sự bảo trợ của nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) với Nga, Pháp và Mỹ là đồng chủ tịch và làm trung gian. Hai bên sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán “thực chất” để đạt được giải pháp hòa bình càng sớm càng tốt.

Người dân phải sống trong các hầm tránh bom, boongke tránh nạn.

Người dân phải sống trong các hầm tránh bom, boongke tránh nạn.

Theo Reuters, thỏa thuận được xác lập tại Moscow nhưng không nói rõ thời gian ngừng bắn là bao lâu. Mặc dù vậy, 2 bên đã đồng ý khởi động lại các cuộc đàm phán để tìm phương án giải quyết xung đột liên quan tới khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, đã có thông tin giao tranh ở vùng núi Nagorno-Karabakh vẫn tiếp diễn. Bộ Quốc phòng Armenia cho biết Azerbaijan đã tiến hành một cuộc tấn công chỉ 5 phút sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan cáo buộc các lực lượng Armenia vi phạm thỏa thuận ngừng bắn khi ném bom vào khu vực Nagorny-Karabakh. Các bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận, tấn công vào các khu dân cư. Tất cả các loại vũ khí hạng nặng đều được sử dụng trong cuộc xung đột như xe tăng, tên lửa, máy bay không người lái, bom chùm...

Tại sao xung đột ở khu vực này nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến vậy? Đó là bởi khu vực này có vị trí địa chiến lược quan trọng, nằm ở ranh giới giữa châu Âu và châu Á. Nếu xung đột bùng phát tại Nagorno-Karabakh sẽ tạo ra lỗ hổng an ninh gây bất ổn cho các nước trong khu vực cũng như kéo các nước khác vào một cuộc xung đột lớn hơn. Chính vì thế, không chỉ Nga, các quốc gia châu Âu như Pháp hay Mỹ đều muốn khu vực này đạt được một giải pháp hòa bình lâu dài.

Những mâu thuẫn không hồi kết

Armenia và Azerbaijan bị cuốn vào một cuộc xung đột kéo dài từ hàng thập kỷ nay với khu vực tranh chấp là Nagorno-Karabakh nằm ở phía Tây Nam của Azerbaijan với quy mô dân số khoảng 140.000 người, đa phần đều là người gốc Armenia. Dù khu vực này đã tuyên bố tách khỏi Azerbaijan vào năm 1990 nhưng chưa được Liên hợp quốc công nhận.

Chính vì mâu thuẫn đó đã gây ra các cuộc tranh chấp chủ quyền “không hồi kết” giữa Azerbaijan và Armenia mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994. Từ ngày 27/9 vừa qua, xung đột liên quan đến Nagorny-Karabakh đã tái bùng phát với việc 2 bên đấu nhau bằng hỏa lực mạnh và cáo buộc lẫn nhau gây chiến trước. Dù đã tuyên bố ngừng bắn nhưng những gì đang diễn ra trên thực địa cho thấy việc 2 bên đạt được “tiếng nói chung” với một “thỏa thuận hòa bình” là chặng đường dài với nhiều khó khăn, thử thách ở phía trước.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố, Azerbaijan sẵn sàng đàm phán nhưng sẽ không bao giờ nhượng bộ về chủ quyền và không quốc gia nào có thể làm lung lay quan điểm của nước này trong vấn đề Nagorno-Karabakh, đây là một phần lãnh thổ của họ. Lãnh đạo Azerbaijan cho rằng, thực tế đang cho thấy, có 1 giải pháp quân sự cho vấn đề này. Thủ tướng Armenia Pashinyan thì khẳng định, Armenia đã sẵn sàng cho những nhượng bộ chỉ khi phía Azerbaijan làm điều tương tự. Các chuyên gia phân tích chính trị khẳng định, để chấm dứt chiến sự tạm thời ở khu vực này đã khó, việc tìm kiếm hòa bình và một quy chế pháp lý cho Nagorno-Karabakh lại còn khó hơn...

Trần Hải

((theo Businessinsider, Aljazeera))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/armenia-va-azerbaijan-ngung-ban-tin-hieu-kha-quan-n181303.html