ASEAN đoàn kết, nỗ lực tăng cường quản lý thiên tai

Quản lý thiên tai đang ngày càng trở thành chủ đề đặc biệt được coi trọng trong các chương trình nghị sự quốc tế nói chung và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng các nước đối tác nói riêng.

Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan mới đây. Ảnh: TTXVN

Các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan mới đây. Ảnh: TTXVN

Đoàn kết quốc tế ứng phó với thiên tai

Mới đây, tại Thủ đô Bangkok của Thái Lan đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai (AMMDM) lần thứ 10 và Hội nghị các bên tham gia Hiệp định ASEAN về quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp (AADMER) lần thứ 11. Đáng chú ý, hội nghị đã ghi nhận những kết quả đạt được trong năm 2022 trên tất cả các chương trình ưu tiên của Chương trình công tác AADMER giai đoạn 2021-2025, trong đó có việc thông qua Khung ASEAN về hành động dự phòng trong quản lý thiên tai. Cùng với đó là khởi động nghiên cứu nâng cao năng lực thích ứng với hạn hán cho Indonesia, Lào và Thái Lan...

Đặc biệt, hội nghị hoan nghênh việc thiết lập Nền tảng ứng phó thiên tai ASEAN (ADRP) trong năm nay trên tinh thần của cách tiếp cận toàn khối về quản lý thiên tai. Nền tảng ADRP có sự tham gia của 12 cơ quan ngành ASEAN trên cả 3 trụ cột cộng đồng. Đồng thời, hội nghị ghi nhận kế hoạch của ADRP tổ chức Diễn đàn ứng phó thiên tai ASEAN lần thứ nhất cùng với Đối thoại Chính sách chiến lược ASEAN về quản lý thiên tai (SPDDM) cũng như kỷ niệm 20 năm thành lập ACDM vào năm tới tại Singapore.

Tại hội nghị, các đại biểu cùng ghi nhận kế hoạch của Indonesia về việc tổ chức Diễn tập mô phỏng ứng phó khẩn cấp thảm họa thiên tai khu vực ASEAN (ARDEX) tại thành phố Yogyakarta vào năm 2023.

Trong các mối quan hệ với các quốc gia đối tác ASEAN, hội nghị hoan nghênh việc tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN - Hàn Quốc về quản lý thiên tai (AMMDM+ROK) lần thứ nhất. Đồng thời đánh giá cao cam kết mới của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong lĩnh vực quản lý thiên tai, cũng như việc khởi động đàm phán Biên bản ghi nhớ (MoU) thành lập Trung tâm Hợp tác quản lý các tình huống khẩn cấp ASEAN - Trung Quốc (ACCEMC).

Hội nghị cũng hoan nghênh việc ASEAN và Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ký kết MoU về tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng ở Đông Nam Á vào tháng 5/2022; tái khẳng định vai trò của Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai (AHA) trong việc thực thi “Tuyên bố một ASEAN, một phản ứng”.

Theo kế hoạch, AMMDM lần thứ 11 và AADMER lần thứ 12 sẽ được tổ chức vào năm 2023 dưới sự chủ trì của Việt Nam.

Việt Nam nỗ lực cảnh báo sớm, hành động sớm

Mới đây, tại thành phố Hà Nội, Cơ quan hợp tác phát triển Na Uy, Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp cùng Trung tâm Phòng chống thiên tai châu Á (ADPC) đã tổ chức Diễn đàn “Xây dựng khả năng chống chịu của đô thị thông qua cảnh báo sớm và hành động sớm”.

Diễn đàn được tổ chức trong khuôn khổ chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm 2022, đồng thời hướng tới việc nâng cao nhận thức và huy động hành động cấp thiết để thực hiện mục tiêu G của Khung hành động Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai: “Tăng cường tính sẵn có và khả năng tiếp cận các hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ, thông tin và đánh giá rủi ro thiên tai cho người dân vào năm 2030”.

Chính quyền và người dân xã Tà Cạ, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, Việt Nam khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra vào đầu tháng 10/2022. Ảnh: TTXVN

Chính quyền và người dân xã Tà Cạ, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, Việt Nam khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra vào đầu tháng 10/2022. Ảnh: TTXVN

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Thiên tai thường xuyên diễn ra trên khắp các vùng miền cả nước với xu thế ngày càng gia tăng và khốc liệt. Hiện nay, Việt Nam ghi nhận 21/22 loại hình thiên tai đã xảy ra, đặc biệt là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt ngày càng khốc liệt, nhiều số liệu về lượng mưa và thiệt hại đã vượt các mốc lịch sử đã được ghi nhận.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tiến khẳng định, Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 379 ngày 17/3/2021, trong đó quy định một số nội dung liên quan đến đảm bảo an toàn thiên tai khu vực đô thị như: nhiệm vụ; giải pháp chung đối với khu vực đô thị có yêu cầu hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; định mức kinh tế - kỹ thuật; các quy định về bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai, nhất là tiêu chuẩn tiêu thoát nước ở các đô thị; phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đối với cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, cũng như nhà ở của người dân.

Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt trong những năm gần đây. Ngay trong ứng phó với cơn bão số 4 cuối tháng 9/2022 (bão Noru) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường 24/24 giờ, các địa phương chủ động tuyên truyền, sơ tán dân khỏi những khu vực nguy cơ cao và thực hiện các giải pháp hành động quyết liệt phòng ngừa, thậm chí đã thử nghiệm cứu trợ sớm dựa trên dự báo cho nhân dân ở một số địa điểm dự kiến chịu ảnh hưởng của bão (tại Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Do vậy, cho dù bão số 4 được dự báo là bão lớn, nhưng thiệt hại đã được giảm thiểu ở mức tối đa (đặc biệt là không có người chết khi bão đổ bộ vào đất liền).

Một trong những nội dung đáng chú ý tại diễn đàn là khả năng chống chịu thiên tai của đô thị. Giới chuyên gia đã cung cấp, chia sẻ những hiểu biết hữu ích của hệ thống cảnh báo sớm đa nguy cơ trong bối cảnh đô thị và việc sử dụng các giải pháp truyền thông về rủi ro thiên tai để tăng cường khả năng chống chịu của đô thị. Các học giả, chuyên gia cũng chia sẻ, cung cấp những kiến thức quốc tế liên quan đến tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng đối với khả năng chống chịu của đô thị; hoạt động quản lý rủi ro thiên tai khẩn cấp trong lĩnh vực y tế (HEDRM); nước sạch và vệ sinh môi trường tại khu vực đô thị…

Tại diễn đàn, ADPC kỳ vọng cùng với Chính phủ Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu cho khu vực đô thị trước các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan thông qua việc hiểu rõ các rủi ro trong hiện tại và có khả năng xảy ra. Cùng với đó là xây dựng năng lực phòng ngừa, ứng phó và phục hồi, cũng như đóng góp vào các cơ chế quản trị rủi ro thiên tai, hướng tới phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong tương lai.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/asean-doan-ket-no-luc-tang-cuong-quan-ly-thien-tai-post455863.html