Australia đối mặt với áp lực trong tăng trưởng

Mới đây, Cơ quan Thống kê Australia (ABS) đã công bố các dữ liệu về tình hình kinh tế trong quý I/2019. Theo đó, lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ, kinh tế của Australia chỉ tăng trưởng 0,4% so với quý trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 1% của cùng kỳ năm ngoái.

Chi tiêu hộ gia đình là một trong những nguyên nhân chính góp phần gây nên điều này khi chỉ tăng 1,8% trong vòng 12 tháng, đóng góp 0,1 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong khi đó, chi tiêu của chính phủ là điểm sáng lớn nhất, với mức tăng 0,8% trong quý I và 5,1% trong vòng 1 năm qua, chủ yếu thông qua các chính sách chi phúc lợi công cộng cho các dịch vụ chăm sóc y tế, cho người khuyết tật và người già.

Tăng trưởng kinh tế của Australia vẫn nằm trong phạm vi kỳ vọng của thị trường

Tăng trưởng kinh tế của Australia vẫn nằm trong phạm vi kỳ vọng của thị trường

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, có một số nguyên nhân dẫn đến việc chững lại của kinh tế Australia trong năm 2019. Đầu tiên là những khó khăn đến từ Trung Quốc-đối tác thương mại lâu đời và quan trọng nhất của Australia. Theo số liệu mới nhất được công bố, tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc hiện đạt mức thấp nhất trong 15 năm qua và hoạt động sản xuất đang suy yếu. Tình hình này báo hiệu một viễn cảnh không mấy sáng sủa cho các đối tác của Trung Quốc, trong đó có Australia.

Bên cạnh đó, là thị trường bất động sản tại Australia phát triển khá nóng trong giai đoạn trước, hiện đang tiềm ẩn những nguy cơ đổ vỡ và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Theo thống kê của CoreLogic, giá nhà trung bình ở Australia hiện đã giảm 3,5% so với mức đỉnh, và tại một số thành phố, tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn. Giá ở Perth giảm 25% kể từ mức đỉnh điểm năm 2007, Sydney giảm 8% và Melbourne giảm 6,6% chỉ từ đầu năm 2019 đến nay.

Việc giảm giá nhà đất có thể là tin tốt lành đối với khả năng chi trả của người dân, nhưng lại gây ra những tổn thương thực sự to lớn cho nền kinh tế Australia do có thể làm gia tăng nguy cơ đổ vỡ từ các khoản nợ có giá trị thế chấp từ bất động sản.

Thị trường nhà đất phát triển nóng thời gian trước đây cũng dẫn đến một hệ lụy đó là tỷ lệ nợ tư nhân tại Australia hiện đạt 187% tổng thu nhập của người dân. Trong khi đó, việc tiền lương tăng chậm sẽ khiến nhiều hộ gia đình phải cắt giảm chi tiêu, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Theo nhà kinh tế trưởng của AMP Capital là Shane Oliver, kinh tế Australia đang phải chịu ngày càng nhiều rủi ro sau gần 3 thập kỷ không bị suy thoái. Cụ thể, mặc dù triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn vẫn khả quan, song về trung và dài hạn sẽ gặp nhiều thử thách hơn do chi tiêu vào cơ sở hạ tầng của chính phủ có khả năng chậm lại sau năm 2019; Lĩnh vực xây dựng dân dụng dường như cũng tiếp tục suy giảm, chi tiêu cho tiêu dùng dự kiến vẫn yếu và những tác động có thể gặp phải từ hậu quả của các cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới triển vọng kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, ông Jim Chalmers phụ trách tài chính của Công đảng đối lập cho rằng, Australia đang ở trong thời kỳ suy thoái do các chính sách điều hành kinh tế của chính phủ, thực tế là tiền lương của người lao động chỉ tăng bằng 1/8 so với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của chủ doanh nghiệp.

Phát biểu về các con số thống kê mới được công bố, Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg khẳng định, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Australia vẫn nằm trong phạm vi kỳ vọng của thị trường và tăng trưởng việc làm mạnh mẽ là dấu hiệu rất tốt.

Ông Frydenberg tin tưởng rằng kế hoạch cắt giảm thuế cá nhân được áp dụng sau ngày 1/7 sẽ là một trong những động lực chính tạo đà tăng trưởng cho kinh tế của Australia. Bên cạnh đó, động thái hạ lãi suất cơ bản của Ngân hàng dự trữ Australia (RBA) gần đây cũng sẽ tạo động lực khiến người dân tăng chi tiêu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các quý tới.

Các chuyên gia nhận định, Australia là quốc gia mới nhất đã gia nhập câu lạc bộ những nền kinh tế chuyển hướng sang nới lỏng chính sách tiền tệ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang. Trước đó, một loạt Ngân hàng trung ương khu vực châu Á như Philippines, Malaysia… cũng đã hạ lãi suất để kích thích phát triển kinh tế.

Thái Hồng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/australia-doi-mat-voi-ap-luc-trong-tang-truong-88814.html