'Avatar' tròn 10 tuổi: từ bị cười chê cho tới tượng đài 3D vĩnh cửu
Nhân dịp 'Avatar' tròn 10 năm ra mắt, tạp chí Variety tiếp cận một thành viên cấp cao của Fox từng tham gia bom tấn đến từ đạo diễn James Cameron và đem tới nhiều thông tin thú vị.
Chris Aronson - một thành viên cấp cao của 20th Century Fox cách đây 10 năm và hiện làm việc cho Paramount - từng tuyên bố Avatar sẽ thu 500 triệu USD tại riêng Bắc Mỹ sau khi kết thúc quá trình ra rạp. Tại năm 2009, mới chỉ có đúng hai phim làm được điều đó là Titanic (1997) và The Dark Knight (2008).
10 năm qua, đã có hơn 10 tác phẩm điện ảnh lập nên kỳ tích đó, còn cột mốc doanh thu 1 tỷ USD toàn cầu cũng không còn là điều quá xa vời nữa. Nhưng cách đây một thập kỷ, đó là điều nằm mơ không thấy đối với nhiều nhả sản xuất. Và suy nghĩ của Chris Aronson bị nhiều đồng nghiệp chê cười, mỉa mai.
Thành công ngoài sức tưởng tượng của tất cả
Cựu lãnh đạo của hãng Fox hồi tưởng: “Nhiều người nghĩ chúng tôi đã mất trí”. Nhưng sự thật diễn ra ngoài sức tưởng tượng của chính ông và phần lớn công chúng.
Kết thúc trình chiếu, Avatar đạt 760 triệu USD tại riêng Bắc Mỹ. Đây là bom tấn đầu tiên thu hơn 2 tỷ USD toàn cầu. Và thành tích 2,78 tỷ USD cuối cùng biến Avatar trở thành bộ phim điện ảnh ăn khách nhất mọi thời đại suốt 10 năm sau đó, cho tới khi Avengers: Endgame xuất hiện hồi mùa hè năm nay.
Trước thời khắc thành công, bầu không khí tại Fox là rất e dè và bị phủ bóng bởi sự hoài nghi. Chris Aronson và một số lãnh đạo cấp cao khác là những người đầu tiên có cơ hội thưởng thức các trích đoạn từ bom tấn được thực hiện trực tiếp dưới định dạng 3D. Họ cảm thấy choáng ngợp trước những gì Cameron làm được cùng công nghệ kỹ xảo.
Nhưng bầu không khí lo âu thì vẫn còn đó, bởi Avatar thuộc nhóm tác phẩm điện ảnh đắt đỏ nhất mọi thời đại sau khi tiêu tốn của họ tới 200 triệu USD để thực hiện. Trong tuần ra mắt 18/12/2009, phim mang về 77 triệu USD sau ba ngày tại Bắc Mỹ. Đây thực tế là con số không hề ấn tượng.
Nhưng hiệu ứng truyền miệng đã làm nên tất cả. Patrick Corcoran - một thành viên của Hiệp hội Chiếu bóng nước Mỹ - hồi tưởng: “Nhiều rạp chiếu phim năm đó bị ảnh hưởng bởi bão tuyết, và ban đầu không ai nghĩ Avatar sẽ ăn khách tới vậy. Mọi người chỉ nhận ra sự đặc biệt của bộ phim khi doanh thu các tuần tiếp theo giảm ở mức thấp chưa từng thấy, còn khán giả xem đi xem lại tác phẩm nhiều lần”.
Sự thật là trong kỳ nghỉ cuối tuần tiếp theo, Avatar chỉ giảm doanh thu 2 triệu USD. Phim đã giữ vị trí số một phòng vé Bắc Mỹ trong 7 tuần liên tiếp, nằm trong top 10 suốt 3 tháng, và chỉ kết thúc quá trình chiếu rạp sau 8 tháng.
Trong quá trình đó, hơn 80% lượng vé của Avatar đến từ định dạng 3D. Được quảng bá là cuộc cách mạng trong công nghệ làm phim, bộ phim khiến khán giả chỉ muốn thưởng thức thành phẩm cùng kính 3D. Chính thành công vang dội mà Avatar gặt hái được khiến các đối thủ từ đây đổ xô thực hiện thêm định dạng 3D cho các bom tấn của mình.
Mãi mãi là tượng đài của định dạng 3D
Đạo diễn James Cameron thực tế đã mất rất nhiều năm để lên kế hoạch cho Avatar, và chờ đợi công nghệ đủ phát triển nhằm phục vụ cho ý đồ nghệ thuật của ông. Phim được ghi hình trực tiếp bằng máy quay 3D, nhưng nhiều tác phẩm có định dạng 3D sau đó chỉ đơn giản là được chuyển đổi (convert).
Chris Aronson nhận xét: “Sau Avatar, nhiều nhà sản xuất nghĩ rằng chỉ cần dán nhãn 3D, khán giả sẽ lập tức rút hầu bao và giúp mình kiếm thêm tiền. Tôi không nghĩ công nghệ bị lợi dụng quá mức, nhưng rõ ràng là suy nghĩ đó có tồn tại và họ cứ thế quảng bá rằng đây là tương lai của điện ảnh”.
Ngay trong năm 2010, có nhiều bộ phim được convert sang định dạng 3D, như Clash of the Titans hay The Last Airbender. Nhưng bản thân chất lượng yếu kém của những tác phẩm này khiến “quân bài” 3D cũng không thể cứu vãn.
Nhiều studio theo đuổi công nghệ 3D một cách nghiêm túc như Life of Pi hay Gravity đã chứng minh, nhưng không ít hãng phim chỉ đơn thuần tạo ra phim 3D dạng “mỳ ăn liền”. Khán giả không khó khăn nhận ra sự khác biệt và cơn sốt sớm trở nên nguội nhạt. Định dạng 3D đến giờ chẳng còn là điều đặc biệt mà khán giả tìm kiếm mỗi khi đến rạp chiếu phim nữa.
Avatar 2 phải đến cuối năm 2021 mới khởi chiếu. Từ khóa “3D” có lẽ sẽ “sống lại” nhờ phần tiếp theo về câu chuyện trên hành tinh Pandora. James Cameron hiện rất kín tiếng, nhưng ông có lần úp mở rằng muốn khán giả trong thập kỷ mới có thể theo dõi phim 3D mà không cần kính. Nhưng có lẽ điều đó chỉ xảy ra với Avatar 3, 4 hoặc 5 mà Cameron đã lên kế hoạch.
Thành công của Avatar cách đây 10 năm còn thúc đẩy định dạng kỹ thuật số phát triển, và định dạng phim nhựa 35 mm sớm lui vào dĩ vãng. Các nhà rạp buộc phải thay đổi theo thời cuộc, nhưng chi phí vận tải chắc chắn đã giảm bớt. Thay vì phải vận chuyển những bản phim 35 mm cồng kềnh, nhà phát hành nay chỉ cần giao tới rạp những chiếc ổ cứng được khóa mã.
Sau tất cả, mọi người đều phải thừa nhận rằng định dạng 3D không giúp cho một bộ phim dở trở nên hay hơn. Cốt lõi của Avatar vẫn là một câu chuyện dễ chạm đến trái tim của số đông khán giả, còn 3D chỉ giúp cho điều đó lan tỏa mạnh mẽ hơn, rộng rãi hơn.
10 năm sau Avatar, Hollywood đã có những thay đổi không ngờ. Hồi đầu năm, Fox bị Disney thâu tóm, và bốn phần hậu truyện của Avatar sẽ do “nhà chuột” phát hành. Họ chắc chắn lên chiến lược kỹ càng để quảng bá chuỗi tác phẩm, nhất là bởi thương hiệu nay đóng vai trò “cỗ máy kiếm tiền” chủ đạo khi Star Wars tạm nghỉ ngơi.
Aronson kết luận: “Nhìn vào sự nghiệp James Cameron, ông ấy chưa bao giờ thất bại. Tôi sẽ luôn đặt cược cho các bộ phim của ông ấy. Điều tiếc nuối nhất trong sự nghiệp của tôi là không thể tham gia vào quá trình sản xuất Avatar 2. Điều đó cho thấy tôi luôn trân trọng James và trải nghiệm mà ông ấy đem lại cách đây một thập kỷ có ý nghĩa lớn tới đâu”.