Ba đòn tiến công liên tục, kiên quyết, sáng tạo

Chiến dịch Tây Nguyên, tiến công thị xã Buôn Ma Thuột và giải phóng Huế - Đà Nẵng là ba đòn tiến công chiến lược trước khi ta dồn sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

>> Chỉ đạo tác chiến chiến lược táo bạo, đúng đắn, chính xác

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30.4.1975, ghi dấu mốc lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào dinh Độc Lập trưa 30.4.1975, ghi dấu mốc lịch sử kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 của quân dân Việt Nam diễn ra từ ngày 4.3.1975 và kết thúc vào ngày 30.4.1975 với ba đòn tiến công chiến lược liên tục về thời gian, liên kết về không gian đi đến đánh sập quân đội, chính quyền Sài Gòn. Mỗi đòn tiến công lại có cách thức tổ chức thực hiện giành thắng lợi khác nhau, cho thấy rõ sự phát triển đỉnh cao về nghệ thuật quân sự trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975).

Chiến dịch Tây Nguyên (4.3 - 3.4.1975) là đòn giáng mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Hình thái chung toàn bộ chiến trường lúc này, địch ở tình thế phòng ngự ổn định, lực lượng còn nguyên vẹn, sức phản kích quyết liệt. Để đạt mục đích, yêu cầu đặt ra là tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, tạo “bước đột phá mới” cho chiến tranh, bảo đảm chắc thắng, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã tổ chức và thực hiện thành công hai yếu tố rất quan trọng:

Một là, nghi binh tạo thế. Bộ Chỉ huy chỉ đạo tăng cường các trận tập kích, pháo kích vào căn cứ địch, huy động dân công mở các “đường giả” hướng về Pleiku, Kon Tum, điều động Sư đoàn 968 từ Nam Lào về Bắc Tây Nguyên... Các hoạt động nhằm củng cố nhận định sai lầm của địch (cho rằng Quân Giải phóng sẽ đánh chủ yếu hướng Bắc Tây Nguyên). Đồng thời lệnh cho hai sư đoàn chủ lực (Sư đoàn 10, Sư đoàn 320) để lại toàn bộ điện đài, nhân viên báo vụ, phát “sóng giả” truyền thông tin như cũ, bí mật cơ động từ Bắc Tây Nguyên về Nam Tây Nguyên, tạo ưu thế áp đảo về lực lượng.

Hai là, tổ chức tiến công thị xã Buôn Ma Thuột (mục tiêu chủ yếu) bằng lối đánh mới thọc sâu rất táo bạo (còn gọi lối đánh “nở hoa trong lòng địch”). Khi tiếng súng mặt trận bắt đầu, đại bộ phận các đơn vị bộ binh cơ giới, xe tăng thọc sâu tại các vị trí chờ đợi từ xa trên các hướng, các trục đường khác nhau nhanh chóng cơ động vượt qua các tuyến địch vòng ngoài, ào ạt đánh chiếm những mục tiêu chủ yếu trong thị xã, sau đó phát triển ra bên ngoài thị xã.

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi giòn giã với ba trận then chốt quyết định: đánh chiếm Buôn Ma Thuột (từ ngày 10-11.3.1975), đánh bại địch phản kích (từ ngày 14-18.3.1975), truy kích tiêu diệt địch rút chạy (từ ngày 17-24.3.1975). Kết quả ta tiêu diệt và làm tan rã Quân đoàn2 - Quân khu 2 chính quyền Sài Gòn, mở ra cục diện, thời cơ mới hết sức thuận lợi cho cách mạng.

Tiếp theo là đòn tiến công giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ ngày 21-29.3.1975). Phối hợp với Chiến dịch Tây Nguyên, quân dân ta đẩy mạnh tiến công ở Trị - Thiên, các tỉnh đồng bằng ven biển khu 5, giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn, gây áp lực buộc địch phải co cụm tập trung quân về giữ TP Huế và Đà Nẵng với hy vọng chờ đợi viện binh từ phía Nam ra để tổ chức phản công. Trước tình hình đó, Bộ Tổng tư lệnh đã chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu Trị - Thiên, Quân khu 5 phối hợp với các sư đoàn chủ lực Quân đoàn 2 gấp rút tổ chức các mũi thọc sâu chia cắt địch, chặn đường rút chạy của chúng, hình thành thế bao vây trong thành phố.

Sau khi mất Tây Nguyên, không có viện binh tăng cường, tinh thần quân địch càng trở nên hoang mang, tổ chức rối loạn. Chớp thời cơ này, ta nhanh chóng mở cuộc “tiến công trong hành tiến” giải phóng Huế (ngày 26.3), sau đó phát triển thành chiến dịch tiến công quy mô lớn bằng thế hợp vây giải phóng Đà Nẵng (ngày 29.3.1975). Lần đầu tiên trong lịch sử, hình thức “tiến công trong hành tiến” đã được Bộ Chỉ huy vận dụng triệt để, mang lại hiệu quả chiến đấu cao, tiêu biểu là tiêu diệt và làm tan rã gần 10 vạn địch tại Đà Nẵng chỉ trong 4 ngày (từ ngày 26 - 29.3.1975), đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch - chiến lược.

Đến những ngày cuối tháng 4.1975, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt Nam dồn sức cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng: Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Lúc này, lực lượng địch phòng thủ Sài Gòn lên đến 245.000 tên, có hơn 400 khẩu pháo, 600 xe tăng, 800 máy bay cùng nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến tranh khác. Chúng bố trí phòng thủ thành ba tuyến (vòng ngoài, vành đai, nội thành). Tuyến vòng ngoài, có các sư đoàn chủ lực mạnh muốn ngăn chặn quân ta từ xa 30 - 50 km, đề phòng khi bị tiến công, chúng sẽ từng bước lùi dần và co cụm về Sài Gòn “tử thủ”. Khu vành đai, cách trung tâm 14 - 20 km do các liên đoàn biệt động cùng lực lượng bảo an, quân địa phương chốt giữ bảo vệ các mục tiêu trọng yếu. Khu nội thành, địch tổ chức phòng thủ thành 5 liên khu do toàn bộ lực lượng cảnh sát, phòng vệ dân sự phụ trách.

Về phía ta, Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định 5 mục tiêu quan trọng nhất cần đánh chiếm bằng được: Bộ Tổng tham mưu, dinh Độc Lập, Biệt khu thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất. Về mặt lực lượng, quân ta vẫn chiếm ưu thế áp đảo, bao gồm 4 quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) cùng khối lượng vật chất bảo đảm đến mức tối đa. Bộ Tư lệnh chiến dịch lựa chọn cách đánh hết sức linh hoạt, sáng tạo: dùng một bộ phận lực lượng thích hợp trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, tiêu diệt, làm tan rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực của địch ở “vòng ngoài”; đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ven đô, đập tan lực lượng địch tại “khu vành đai”, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới hóa mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội thành.

Với cách đánh như vậy, quân ta hoàn toàn tập trung được sức mạnh để đánh vào các mục tiêu chủ yếu đã lựa chọn, kết hợp với tiêu diệt địch ở vòng ngoài không cho địch trong, ngoài ứng cứu làm giảm bước tiến quân của ta. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thắng lợi vẻ vang chỉ trong vòng 5 ngày (từ ngày 26- 30.4.1975) đã khẳng định cách đánh này là hoàn toàn đúng đắn. Đặc biệt ta đã giữ được TP Sài Gòn hầu như nguyên vẹn. Đó là một thành công to lớn mà cả thế giới kinh ngạc.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ HỒ KHANG
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/ba-don-tien-cong-lien-tuc-kien-quyet-sang-tao-135042