Ba đột phá chiến lược có ý nghĩa, giá trị lâu dài

Từ Đại hội lần thứ VI của Đảng, nhất là từ Đại hội XI đến nay, Đảng ta luôn nhận thức sâu sắc vai trò của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng là những cơ sở, tiền đề rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng hội nhập quốc tế.

Xác định đúng các đột phá chiến lược - bài học từ tiến trình đổi mới

Ðại hội toàn quốc lần thứ XI của Ðảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu tổng quát là "Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị-xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau".

 Một góc thủ đô Hà Nội.

Một góc thủ đô Hà Nội.

Chiến lược đề ra 5 quan điểm, 12 định hướng phát triển, hình thành một hệ thống đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... như một chỉnh thể thống nhất, bảo đảm phát triển bền vững. Ðể tạo tiền đề thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ này, Chiến lược xác định phải đột phá vào ba khâu yếu (thể chế, nhân lực, hạ tầng), là những điểm nghẽn, cản trở sự phát triển và nếu giải quyết tốt các khâu này sẽ tạo xung lực mới có sức lan tỏa mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững.

Chính vì vậy, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020 xác định ba khâu đột phá, gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.

 TP Hồ Chí Minh trên đà phát triển.

TP Hồ Chí Minh trên đà phát triển.

Trên cơ sở đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016), dự báo tình hình thế giới và đất nước trong những năm tới, Đại hội XII của Đảng xác định: “Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ)” là một nội dung trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII mà Đảng, Nhà nước ta chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Nâng tầm “ba đột phá chiến lược”

Tại Đại hội XIII, Báo cáo Chính trị đã chỉ rõ những mặt còn hạn chế, yếu kém trong thực hiện 3 đột phá chiến lược, đó là: Hoàn thiện thể chế còn chậm. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập chưa được tháo gỡ. Đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội...

Nhóm 7 trường đại học kỹ thuật ký kết biên bản hợp tác.

Nhóm 7 trường đại học kỹ thuật ký kết biên bản hợp tác.

Trên cơ sở đó, Báo cáo Chính trị chỉ rõ: Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu, chúng ta cần tập trung đầu tư nguồn lực và đặc biệt chú trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, tạo sự chuyển biến về chất trong việc thực hiện ba đột phá chiến lược và được Đại hội lần này bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới. Cụ thể là:

Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng những biện pháp hữu hiệu.

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học-công nghệ; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Sinh viên trường Đại học Việt Pháp (USTH) trong giờ học thực hành.

Sinh viên trường Đại học Việt Pháp (USTH) trong giờ học thực hành.

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, về môi trường và quốc phòng, an ninh, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Tập trung giải quyết các đột phá chiến lược

Tập trung giải quyết và cụ thể hóa các đột phá chiến lược phù hợp với giai đoạn phát triển mới là một trong những nội dung được các đại biểu dự đại hội đưa ra bàn thảo nhiều trong 1,5 ngày thảo luận tại hội trường cũng như bên hành lang đại hội. Các đại biểu đều bày tỏ nhất trí cao với nhấn mạnh của Báo cáo Chính trị: "Ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII của Đảng xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị và sẽ được cụ thể hóa phù hợp với từng giai đoạn phát triển".

Bên hành lang đại hội, trao đổi với chúng tôi về suốt quá trình qua 10 năm thực hiện ba đột phá chiến lược của Đảng, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu TP Hồ Chí Minh) chia sẻ nhiều ý kiến tâm huyết với nội dung này. Đại biểu bày tỏ: Từ Đại hội XI, XII và đại hội lần này, bên cạnh 6 giải pháp quan trọng, Đảng ta thực hiện ba đột phá chiến lược. Mặc dù được thực hiện trong suốt 10 năm qua nhưng rõ ràng, chúng ta chưa đạt được mục tiêu đề ra, do đó phải tiếp tục thực hiện và phải được nâng tầm ở mức cao hơn.

 Các đại biểu trao đổi trong giờ nghỉ bên hàng lang Đại hội XIII.

Các đại biểu trao đổi trong giờ nghỉ bên hàng lang Đại hội XIII.

“Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng, Quốc hội khóa XIII, XIV đã đưa ra bàn thảo và được cụ thể hóa đột phá về thể chế trong các bộ luật, luật, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... Như vậy, chúng ta đã có hệ thống luật, nhưng vấn đề là làm sao để có thể đồng bộ các luật, tuổi thọ của luật dài hơn và giảm bớt sự chồng chéo”, đại biểu Trần Hoàng Ngân lấy ví dụ thực tế. Theo đại biểu, đại hội lần này nhấn mạnh thể chế đó phải giúp cho sự phát triển của các mô hình mới, các loại hình kinh doanh mới thích hợp với đổi mới sáng tạo, thích hợp với những ngành nghề kinh doanh mà thể chế hiện hành có thể chưa bắt kịp được.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Đoàn đại biểu tỉnh Quảng Trị cho rằng, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Trung ương tiếp tục triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn đột phá về thể chế, đặc biệt trong công tác xây dựng luật pháp. Ví dụ như hiện nay về quy trình xây dựng luật, khi ban hành luật liên quan đến lĩnh vực của bộ nào quản lý thì bộ đó xây dựng, sau đó Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến, ban hành rồi Chính phủ lại ban hành nghị định hướng dẫn thi hành, cho nên một số luật còn chồng chéo, còn chưa khách quan.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị trong thời gian tới phải cải cách mạnh mẽ hơn. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Trung ương chỉ đạo phải có cơ quan xây dựng pháp luật riêng biệt, độc lập để mang tính khách quan, tránh chồng chéo, tránh có những ý chí nghiêng về cơ quan soạn thảo của ngành mình, bộ mình. Chính phủ ban hành nghị định cũng mang tính khách quan, kịp thời. Bên cạnh đó, phải rà soát lại các luật, nghị định đang chồng chéo. Cải cách thể chế mạnh hơn, thông thoáng, dễ hiểu hơn và đi vào cuộc sống dễ thực thi hơn.

Về vấn đề đột phá vào hạ tầng, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong các kỳ đại hội trước, Đảng ta chủ yếu đề cập đến hạ tầng về kinh tế và đã có nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển hạ tầng hạ tầng kinh tế đất nước một cách đồng bộ. Tuy nhiên, những năm gần đây, những tác động, cơ hội, tiềm năng từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là rất lớn. Do đó, Đại hội XIII đã nhấn mạnh hơn đến nội dung phải kết cấu hạ tầng đồng bộ, không những về kinh tế mà về mặt xã hội, an ninh-quốc phòng và nhấn mạnh hơn đến hạ tầng số, hạ tầng về công nghệ thông tin, viễn thông.

Sinh viên được tiếp cận với doanh nghiệp và việc làm ngay trong quá trình học ở trường đại học.

Sinh viên được tiếp cận với doanh nghiệp và việc làm ngay trong quá trình học ở trường đại học.

Đồng chí Trần Văn Huyến, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hậu Giang bày tỏ: Chúng tôi đã nghiên cứu và góp ý rất sâu sắc vào các nội dung quan trọng văn kiện đại hội, trong đó tập trung vào giải pháp để quy hoạch, kết nối, liên kết các vùng kinh tế; quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là giao thông ở các vùng còn khó khăn, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long. Khi hạ tầng giao thông thông suốt, hiện đại và kết nối liên vùng đồng bộ sẽ là động lực to lớn để phát triển nông nghiệp bền vững, theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh, từ đó đời sống nhân dân được nâng cao.

Từ thực tiễn của tỉnh Quảng Trị trong việc đầu tư phát triển hạ tầng trong những năm qua, đại biểu Hà Sỹ Đồng bày tỏ quan điểm: Hiện nay, nguồn lực của đất nước ta có hạn nên việc đầu tư phát triển hạ tầng ở các vùng, địa phương phải xếp theo thứ tự ưu tiên, có nguyên tắc, tiêu chí rõ ràng, bãi bỏ xin-cho, mạnh ai nấy được như trước đây. Đặc biệt liên kết vùng; liên kết vùng giữa các địa phương; liên kết giữa vùng, miền để tiết kiệm và nâng cao hiệu quả đòi hỏi phải có định hướng, lãnh đạo, chỉ đạo và có quy hoạch khảo sát, đánh giá, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm không có liên kết bền vững lâu dài khiến hiệu quả chưa được cao.

Liên quan đến đột phá về nhân lực, nhiều đại biểu mong muốn đại hội có những quyết sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trong đó cần thiết phải có chiến lược “dài hơi” về vấn đề này mà trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo một cách thực chất. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải có cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài để từ đó xây dựng được đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đạt được nhiều thành công trong giai đoạn qua.

Ngành thủy sản xuất khẩu của Việt Nam đạt được nhiều thành công trong giai đoạn qua.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, ba đột phá chiến lược phải được đặt ở một tầm cao mới và một xu hướng mới, phù hợp với thực tiễn Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong giai đoạn bùng nổ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc phát triển nền kinh tế tri thức là xu thế tất yếu và muốn kinh tế tri thức phát triển thì đòi hỏi phải đồng bộ được từ cơ chế, chính sách đến hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.

MINH MẠNH-THU HÀ-TRỌNG HẢI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/ba-dot-pha-chien-luoc-co-y-nghia-gia-tri-lau-dai-650476