Ba giải pháp giảm tỉ lệ cử nhân thất nghiệp

Việc làm cho lao động trình độ cử nhân trở lên chưa bao giờ hết nóng, bởi theo bản tin cập nhật lao động quý IV/2016 cho thấy, có 218.900 cử nhân thất nghiệp. Số liệu này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về vấn đề cung-cầu của thị trường lao động và sự phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc giải quyết bài toán trên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trò chuyện với ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).

Ông có ý kiến như thế nào khi bản tin cập nhật lao động quý IV/2016 thống kê có 218.900 cử nhân ra trường thất nghiệp, nhưng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây là số liệu của những lao động có trình độ đại học trở lên trong độ tuổi lao động không có việc làm?

Ông Đào Quang Vinh: Trong bản tin cập nhật thị trường lao động, chúng tôi đã thông báo con số 2189.000, đây là số lao động có trình độ từ đại học trở lên, chứ không phải số cử nhân vừa ra trường. Số liệu này được tổng hợp trên cơ sở kết quả việc làm hằng quý của Tổng cục Thống kê.

Chúng tôi vừa công bố bản tin thị trường lao động quý I/2017. Năm 2017 số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng và đại học trở lên giảm đi rất nhiều so với quý IV/2016, đến quý I/2017 giảm xuống còn 142.600 người.

Ở đây đã có dấu hiệu tích cực cho thấy số lao động có trình độ cao thất nghiệp ít hơn, tức là có việc làm nhiều hơn. Như vậy có thể khẳng định, việc sử dụng nguồn nhân lực có trình độc đã có hiệu quả hơn.

Một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng cử nhân thất nghiệp là ngành lao động chưa hỗ trợ ngành giáo dục điều tra khảo sát nhu cầu việc làm. Tới đây, hai ngành cần làm gì để có sự phối hợp tốt trong việc đưa ra kế hoạch đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường lao động?

Ông Đào Quang Vinh: Hằng năm, hằng quý hoặc hằng tháng, chúng ta đều tổ chức điều tra về lao động việc làm, điều tra này do Tổng cục Thống kê chủ trì, tổ chức thực hiện. Việc khảo sát nắm bắt cung cầu lao động và nhu cầu việc làm, không chỉ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội mà phải có sự phối hợp của rất nhiều bộ, ngành khác nhau.

Ví dụ như ở các nước trên thế giới, các trường đại học hằng năm bao giờ cũng tổ chức khảo sát sinh viên tốt nghiệp đại học, điều tra dấu vết sinh viên để xem sinh viên của mình khi tốt nghiệp vào thị trường lao động như thế nào, tham gia tìm việc làm như thế nào, được các doanh nghiệp tiếp nhận ra sao.

Rất nhiều kết quả điều tra nghiên cứu chỉ ra rằng, hiện nay sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục đào tạo với các doanh nghiệp Việt Nam rất lỏng lẻo. Có tình trạng, các cơ sở đào tạo cứ đào tạo theo khả năng của mình, chưa quan tâm đến việc sinh viên tốt nghiệp ra có được thị trường chấp nhận hay không. Các doanh nghiệp chưa được tham gia sâu vào xây dựng chương trình đào tạo, xây dựng giáo trình, xây dựng tiêu chuẩn.

Nguyên nhân ngoài sự chưa phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, chưa quan tâm chất lượng đầu ra như thế nào để cải tiến, còn có cả chuyện quan niệm của xã hội, gia đình, bằng mọi cách cho con em mình phải vào đại học để có tấm bằng.

Để có thể hỗ trợ ngành giáo dục, rất cần nhiều cơ quan ban ngành hợp sức thay đổi và phân luồng để cải cách giáo dục, chứ riêng một ngành lao động cũng khó thay đổi toàn bộ tình hình hiện nay.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có nhắc đến các nhóm giải pháp giải quyết vấn đề cử nhân ra trường thất nghiệp. Vậy đó là những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Đào Quang Vinh: Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động. Ví dụ như sắp tới những ngành nghề, lĩnh vực nào nhu cầu tuyển dụng nhiều, những ngành nghề lĩnh vực nào họ tuyển dụng ít để các doanh nghiệp học sinh, sinh viên có hướng đi.

Thứ hai, trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi rất nhanh, kinh tế trong nước, thế giới có chuyển biến nhanh, nhiều ngành phát triển nhanh hơn. Bên cạnh đó, nhiều ngành chậm lại, thậm chí nhiều lĩnh vực mất đi. Lúc đó cần phải có thông tin truyền tải nhanh đến xã hội, lường trước trong việc định hướng người học học cái gì.

Thứ ba, ngành lao động được Chính phủ giao quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp, trong đó có gần 2.000 trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, cần phải chuyển đổi nhiều hơn nữa, tiếp cận theo hướng nhu cầu hơn nữa để bảo đảm tăng chất lượng và phục vụ kịp thời doanh nghiệp.

Ba việc này Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội có thể làm và sắp tới phải có kế hoạch làm nhiều hơn nữa để giúp kết nối cung cầu lao động được tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

Minh Thắm (thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/ba-giai-phap-giam-ti-le-cu-nhan-that-nghiep/308425.vgp