Bà Harris và chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ ngắn nhất lịch sử

Được trao cơ hội tranh cử chỉ vài tháng trước ngày Bầu cử Tổng thống Mỹ 5/11, bà Kamala Harris đã tận dụng mọi cơ hội, tranh thủ triệt để thời gian và tạo ra cuộc tranh đua vô cùng sít sao với đối thủ Donald Trump.

Từ lựa chọn tình thế

Ngày 21/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden bất ngờ tuyên bố dừng tranh cử và đề cử bà Harris thay thế mình cạnh tranh với ông Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Đây được coi là "canh bạc" đầy rủi ro đối với đảng Dân chủ và bản thân bà Harris khi họ buộc phải tái khởi động một chiến dịch tranh cử mới trong bối cảnh chỉ còn 117 ngày nữa là cuộc bầu cử chính thức diễn ra và ông Trump đang ở trong giai đoạn thuận lợi nhất trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Bà Harris nhận đề cử trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa từ ông Biden (Ảnh: AP)/

Bà Harris nhận đề cử trở thành ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa từ ông Biden (Ảnh: AP)/

Khó khăn lớn nhất đối với bà Harris vào thời điểm đó chính là bà chưa nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer, người có tiếng nói quan trọng nhất của đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ. Sự nghi ngại của ông Chuck Schumer đối với bà Harris xuất phát từ việc bà là nhân vật chưa có nhiều dấu ấn về chính trị trong đảng.

Hơn nữa, tiếng tăm của bà Harris cũng phần nào thua sút so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Thống đốc California Gavin Newsom, Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer, Thống đốc bang Pennsylvania Josh Shapiro hay Cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Michelle Obama.

Thách thức thứ 2 đến với bà Harris chính là khoảng thời gian hơn 100 ngày là quá ngắn ngủi để bà quyên góp đủ số tiền tài trợ cho chiến dịch tranh cử Tổng thống bởi số tiền mà ông Biden quyên góp được không được chuyển tiếp cho bà Harris theo quy định của luật bầu cử liên bang.

Tiền tài trợ được cho là có ý nghĩa quyết định đến thành bại của cả một chiến dịch tranh cử Tổng thống.

Việc nhận được số lượng lớn tiền tài trợ sẽ giúp ứng viên thoải mái hơn trong chi tiêu cho những hạng mục quảng cáo chính trị, vận động bầu cử qua đó tăng độ nhận diện bản thân trước cử tri.

Bên cạnh đó, bà Harris từng bị ông Trump chỉ trích là “Biden phiên bản 2.0” bởi nhiều chính sách mà bà đưa ra có sự đồng nhất đáng kể với ông Biden. Điều này đồng nghĩa bà sẽ phải tìm cách tạo ra sự khác biệt trong chính sách vận động tranh cử để chứng minh định kiến này là hoàn toàn sai lầm.

Đến hành trình đập tan mọi định kiến

Song, chỉ trong vỏn vẹn 100 ngày ngắn ngủi đó, bà Harris đã làm nên một chiến dịch tranh cử thần tốc với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.

Chỉ một tuần sau khi chấp nhận đề cử của ông Biden, chiến dịch tranh cử của bà Harris đã nhận được số tiền gây quỹ lên đến 200 triệu USD, trong đó hơn 66% đến từ các nhà tài trợ lần đầu tham gia.

Dù thời gian vận động vô cùng ngắn ngủi và gấp gáp, bà Harris vận nhận được số tiền ủng hộ kỷ lục (Ảnh: New York Times).

Dù thời gian vận động vô cùng ngắn ngủi và gấp gáp, bà Harris vận nhận được số tiền ủng hộ kỷ lục (Ảnh: New York Times).

Con số này liên tục gia tăng nhanh chóng trong những tháng sau đó và đạt mức 346 triệu USD thời điểm đầu tháng 10, giai đoạn then chốt trước thềm Ngày Bầu cử Tổng thống Mỹ và bỏ xa số tiền tài trợ 285 triệu USD mà ông Trump nhận được ở cùng thời điểm.

Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều thành viên chủ chốt của đảng Dân chủ công khai lên tiếng ủng hộ bà Harris chạy đua vào Nhà Trắng trong bối cảnh bà liên tục bám đuổi, bắt kịp và thậm chí dẫn trước ông Trump trong khảo sát tại các bang mà cựu Tổng thống Mỹ từng bỏ xa ông Biden.

Tỷ lệ 99% số phiếu của đại biểu tham dự Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ đêm 5/8 để lựa chọn bà Harris chính thức trở thành ứng viên Tổng thống đã cho thấy sự tin tưởng gần như tuyệt đối của đảng Dân chủ dành cho bà.

Bà Harris vui mừng khi chính thức chấp nhận để cử của đảng Dân chủ (Ảnh: AP).

Bà Harris vui mừng khi chính thức chấp nhận để cử của đảng Dân chủ (Ảnh: AP).

Hơn thế nữa, bà Harris còn chứng tỏ bà không phải là “Biden 2.0” như ông Trump từng chỉ trích. Điều này được thể hiện rõ nhất trong màn tranh luận đầy kịch tính giữa bà và ông Trump trên đài ABC News của Mỹ ngày 9/10.

Trái với màn thể hiện đáng thất vọng của ông Biden trước ông Trump trong cuộc tranh luận tối 27/6 trên đài CNN, trong cuộc tranh luận trên ABC News, bà Harris đã thể hiện được sự bình tĩnh hiếm thấy đồng thời có những phát ngôn “vừa đúng vừa trúng” khiến ông Trump đôi khi bị mất kiểm soát và có phần thất thế.

Kết quả không như mong đợi dường như khiến ông Trump từ chối tham gia tranh luận những lần sau đó với bà Harris đồng thời tính toán những chiến lược khác để có thể đánh bại bà dù ông từng được đánh giá là người cực giỏi tranh luận và không mấy xa lạ trước ống kính truyền hình.

Bên cạnh đó, bà Harris còn thể hiện sự độc lập với ông Biden trong chính sách đối ngoại quan trọng như cuộc chiến ở Gaza, tình hình Ukraine hay những vấn đề trong nước như nhập cư, nạo phá thai, an sinh xã hội…

Bà Harris lạc quan trong phát biểu cuối cùng trước người ủng hộ ở Philadelphia chỉ vài giờ trước thời điểm bỏ phiếu chính thức (Ảnh: Reuters).

Bà Harris lạc quan trong phát biểu cuối cùng trước người ủng hộ ở Philadelphia chỉ vài giờ trước thời điểm bỏ phiếu chính thức (Ảnh: Reuters).

Khép lại hơn 100 ngày tranh cử ngắn ngủi chỉ vài giờ trước thời điểm bỏ phiếu chính thức bắt đầu, bà Harris kêu gọi các cử tri hãy tích cực đi bỏ phiếu bởi cuộc đua vẫn chưa kết thúc.

“Tròn 107 ngày trước, chúng ta bắt đầu chiến dịch này. Ngay từ ban đầu, chiến dịch của chúng ta không phải là đấu tranh chống lại điều gì mà để giành lấy một tương lai tự do, tươi sáng cho toàn thể nhân dân Mỹ.

Đêm nay, chúng ta kết thúc chiến dịch này để khởi đầu một điều mới mẻ với sự lạc quan, hứng khởi khi biết rằng chúng ta, những người dân Mỹ, có quyền quyết định tương lai và có thể đối mặt với bất kỳ thách thức nào khi chúng ta đoàn kết với nhau”, bà Harris tuyên bố.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ba-harris-va-chien-dich-tranh-cu-tong-thong-my-ngan-nhat-lich-su-192241105140318501.htm