Ba Lan mở đường quân sự Mỹ: Belarus có thể đáp trả bằng lực lượng Nga?
Belarus không có kế hoạch cho phép Nga xây dựng căn cứ quân đội trên lãnh thổ nước này tại thời điểm hiện tại.
Belarus không có kế hoạch cho phép Nga xây dựng căn cứ quân đội trên lãnh thổ nước này, Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei ngày 31/5 cho biết. Tuy nhiên, nếu Ba Lan mở cửa cho sự hiện diện quân sự vĩnh viễn của Mỹ ở đây thì Belarus sẽ xem xét lựa chọn trên.
Ông Vladimir Makei, đang có mặt tại Brussels để thúc đẩy sự mở rộng hợp tác với Liên minh châu Âu EU, nói với các phóng viên rằng, Belarus muốn giảm căng thẳng trong khu vực và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với phương Tây và cả Moscow. Đồng thời, nước này cũng nhận thấy một căn cứ của Mỹ ở Ba Lan sẽ làm gia tăng "sự ngờ vực" trong khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Vladimir Makei. (Nguồn: Reuters)
Khi được hỏi liệu đề xuất của Ba Lan về việc duy trì một căn cứ của Mỹ thường trực tại nước này có làm Belarus thay đổi quyết định từ chối các căn cứ của Nga tại thời điểm hiện tại hay không, ông Makei nói: "Tôi nghĩ sẽ có một số phản ứng đối với ý định triển khai một căn cứ không quân mới trong khu vực".
"Không có gì là không thể ... Tính đến hôm nay ... chúng tôi sẽ không triển khai các căn cứ quân sự nước ngoài mới trên lãnh thổ Belarus bởi vì chúng tôi muốn đóng góp cho an ninh trong khu vực của chúng tôi và chúng tôi không muốn trở thành một kẻ gây rắc rối".
"Vì vậy, chúng tôi sẽ không triển khai căn cứ quân sự mới vào thời điểm hiện tại. Nhưng nhìn về tương lai, chúng tôi cần tính đến các bước đi sắp tới sẽ được thực hiện bởi các nước láng giềng của chúng tôi."
Makei nhấn mạnh rằng Belarus, dưới thời Tổng thống Alexander Lukashenko, muốn tiếp tục "đối thoại quân sự" trong khu vực, bao gồm cả việc duy trì " đường dây liên lạc" để kiểm soát căng thẳng.
Belarus vẫn sẵn sàng cung cấp lực lượng gìn giữ hòa bình để giúp giải quyết cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, ông nói, một đề nghị ông Lukashenko lần đầu tiên đưa ra cách đây bốn năm. Một lực lượng khoảng 100 binh sĩ đã sẵn sàng và Belarus có thể gửi đi nhiều hơn, ông Makei cho hay.
Belarus đồng thời vẫn mong muốn tăng cường thương mại và các mối quan hệ khác với Nga, và cũng muốn đa dạng hóa thị trường, bao gồm cả mở rộng hoạt động thương mại với Trung Quốc, cũng như với EU và các nước khác ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
"Trung Quốc là một đối tác rất quan trọng đối với chúng tôi", Makei nói, lưu ý về một khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào khu công nghiệp Great Stone gần Minsk, một phần của dự án "Con đường tơ lụa mới" của Bắc Kinh kết nối các tuyến đường thương mại của mình đến châu Âu.
Hiện tại, 51% giá trị thương mại của Belarus là với Nga và 27% với EU, ông Makei đề ra mục tiêu cân bằng 1/3 thương mại với Nga, 1/3 với EU và 1/3 với phần còn lại của thế giới.