Ba lý do khiến giá dầu không 'cháy' theo 'thùng thuốc súng' Trung Đông

Giá dầu thô bật tăng 3 phiên sau sau khi Iran phóng khoảng 200 quả tên lửa vào Israel. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, giá dầu thô khó có thể bật tăng mạnh dù xung đột Trung Đông lan rộng.

Ảnh Shutterstock

Ảnh Shutterstock

Giá dầu tăng khoảng 2,5% sau khi Iran phóng khoảng 200 quả tên lửa vào Israel hôm 1/10 và tiếp tục duy trì đà tăng 2 ngày sau đó. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố sẽ đáp trả và Iran cũng cảnh cáo sẽ không để yên, điều này có nghĩa là xung đột có thể leo thang, chiến sự sẽ lan rộng trong khu vực.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu trong các phiên vừa qua là khá khiêm tốn, cho thấy nhà đầu tư tin rằng, dầu vẫn sẽ chảy từ Trung Đông dù xung đột lan rộng.

Rick Newman, nhà báo kỳ cựu của Yahoo Finance đã đưa ra 3 lý do để củng cố cho niềm tin này.

Thứ nhất, Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Israel, đang phản đối kế hoạch tấn công các cơ sở dầu khí và hạt nhân của Iran. Không phải lúc nào Israel cũng “nghe lời” Mỹ, nhưng nếu đối đầu trực diện với Iran, nguồn lực của Mỹ là tối quan trọng. Để đổi lấy sự hậu thuẫn đắc lực, điều tối thiểu Israel có thể làm là tránh xa các cơ sở này.

Năm 2023, Iran cung cấp khoảng 4% tổng lượng dầu sản xuất trên thế giới, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA). Nếu nguồn cung này bị chặn hoàn toàn, chắc chắn giá dầu sẽ tăng mạnh.

Ngoài mất đi nguồn cung lớn, nếu Tehran mất đi khả năng xuất khẩu dầu, họ sẽ có thêm động cơ để phong tỏa Eo biển Hormuz. Gần 21% lượng dầu thế giới chảy qua eo biển này, và bất kỳ điều gì đe dọa nguồn cung đó sẽ khiến giá dầu tăng cao hơn 100 USD/thùng, thậm chí có thể lên tới trên 150 USD/thùng. Khi đó, giá xăng ở Mỹ có thể chạm ngưỡng 5 USD/gallon (xấp xỉ 32.677 đồng/lít) hoặc hơn. Do đó, chính quyền Tổng thống Biden sẽ làm tất cả để ngăn một cú sốc ảnh hưởng tiêu cực tới chặng cuối trong chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ.

Thứ hai, Trung Quốc có sự hiện diện không hề nhỏ ở Trung Đông. Nước này không chỉ là khách hàng lớn nhất của Iran, mà còn có quan hệ đối tác với nhiều nhà sản xuất dầu trong khu vực. Trung Quốc là nước nhập khẩu ròng dầu mỏ, họ muốn giá cả thấp và đã phớt lờ lệnh trừng phạt của phương Tây để mua dầu Iran dưới giá thị trường.

Sự hiện diện của Trung Quốc ở Trung Đông có thể chưa lớn như Mỹ, nhưng họ có ảnh hưởng tới Iran với tư cách là nguồn doanh thu dầu thiết yếu cho đất nước đang bị Mỹ và phương Tây cấm vận. Trung Quốc không thể bảo Israel làm gì, nhưng họ có thể gây sức ép ngăn Iran đe dọa nguồn cung dầu thế giới.

Thứ ba, các nhà sản xuất dầu khác trong khu vực như Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đều không mong một cú sốc lên giá dầu. Dù giá dầu tăng có thể giúp họ tăng nguồn thu, nhưng tình hình bất ổn mang nhiều rủi ro và ảnh hưởng tới các ưu tiên khác. Chẳng hạn, Ả Rập Xê Út vẫn muốn bình thường hóa quan hệ kinh tế và thương mại với Israel, đây cũng là một ưu tiên của chính quyền Tổng thống Biden.

Chỉ 5 năm trước, Iran đã tấn công các cơ sở dầu khí của Ả Rập Xê Út, tạo ra một trong những đợt gián đoạn nguồn cung ngắn hạn nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Hai nước đã hàn gắn lại quan hệ năm ngoái, với trung gian hòa giải là Trung Quốc. Có thể thấy, không bên nào coi cuộc chiến năng lượng là có hiệu quả.

Theo Rick Newman, dù khó có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo ở vùng đất nóng Trung Đông, nhưng trong lịch sử, giá dầu đã bình yên vượt qua nhiều cuộc chiến tranh và xung đột của khu vực này và điều đó có thể sẽ tiếp tục xảy ra trong lần này.

Nhật Linh / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/ba-ly-do-khien-gia-dau-khong-chay-theo-thung-thuoc-sung-trung-dong-post355198.html