Bà Rá - 'Từ leo tới chạy'

Xuất phát từ một giải chạy phong trào của địa phương và của Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé từ những năm 1990, đến nay giải việt dã leo núi Bà Rá đã là một giải chạy cấp quốc gia được nhiều người biết đến, với tên gọi chính thức là 'Giải Vô địch quốc gia Việt dã leo núi, chinh phục đỉnh cao Bà Rá'. Giải chạy này được tổ chức đúng vào ngày 6-1 hàng năm, nhân kỷ niệm ngày 'Phước Long chiến thắng'.

Là người có nhiều năm gắn bó với giải chạy việt dã này, ngay từ những lần tổ chức đầu tiên thời Sông Bé cho đến nay, nhà báo Lê Thảo đã ghi nhận rõ nét về giải chạy qua 29 lần tổ chức. Qua dòng bút ký của anh, chúng ta sẽ được nghe anh “kể” nhiều câu chuyện thú vị liên quan đến giải chạy việt dã truyền thống 6-1 này. BPO xin được giới thiệu dòng bút ký nhiều kỳ của nhà báo Lê Thảo với tựa đề: Bà Rá - “Từ leo tới chạy”.

Kỳ 1: LEO NÚI

Núi Bà Rá cao 723m tại thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước - Ngọn núi cao thứ 3 của khu vực miền Đông Nam Bộ - Ảnh: Phú Quý

... “Đèo cao, thì mặc đèo cao!

Nhưng mà cao quá, thì ta không trèo!... Núi cao, thì mặc núi cao! Nhưng mà cao quá...”

- Chú giữ hơi đi, cái dốc phía trước cao lắm đó!...

Câu nói của anh Hai Lớn (anh Phùng Văn Lớn, nguyên cán bộ kỹ thuật Đài Bà Rá) đã cắt ngang tiếng hò khoan đầy hứng thú của tôi trong ngày đầu nhận nhiệm vụ tại núi Bà Rá...

Những năm 1989 - 1991, núi rừng Bà Rá còn nhiều hoang sơ vắng vẻ khiến cho ngôi nhà cấp 4 vừa mới xây xong như lạc lõng, hiu quạnh giữa cánh đồi Bằng Lăng... Đây là thời gian mà tôi và các anh em kỹ thuật Đài Sông Bé lúc bấy giờ tiếp tục “mở đường” và kéo điện từ đồi lên đỉnh. Công trình xây dựng Đài Tiếp vận phát sóng phát thanh - truyền hình Bà Rá lúc này đã vào giai đoạn “nước rút”...

Theo đoạn đường đang mở từ phía sau ngôi nhà ở đồi Bằng Lăng, tôi và anh Hai Lớn đã thấy chiếc máy ủi như chú cua ngóc càng trước cái vách đá sừng sững trước mặt...

 “Chiếc máy ủi mở đường từ Đồi Bằng Lăng lên đỉnh núi Bà Rá - 1989” - Ảnh tư liệu

“Chiếc máy ủi mở đường từ Đồi Bằng Lăng lên đỉnh núi Bà Rá - 1989” - Ảnh tư liệu

... Len chân trên từng thớ thịt đỏ mù của con đường mới, chúng tôi tiếp tục bám vào từng vách đá, cây rừng để leo lên phía trên con dốc đứng này...

... Tìm một phiến đá to dưới gốc cây rừng để “thở” và nghỉ chân. Tôi và anh Hai Lớn cẩn thận đặt chiếc ba lô đựng cơm, thức ăn và can nước xuống mà nghe nhẹ cả đôi vai. Hôm nay, tôi và anh Hai Lớn được giao nhiệm vụ nấu cơm và vận chuyển cơm nước cho các anh em kỹ thuật đang thi công kéo đường điện lên đỉnh núi ở cánh rừng phía trên...

***

Là một trong 3 ngọn núi cao nhất miền Đông Nam Bộ, núi Bà Rá có độ cao 723m (so mặt nước biển), của thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.

“Núi Bà Rá những năm 1990 - Nhìn từ Trung tâm huyện Phước Long cũ” - Ảnh: Lê Thảo

Trước đây, Phước Long là một trong 5 huyện phía Bắc của tỉnh Sông Bé. Các huyện lỵ này do có khoảng cách khá xa Thủ Dầu Một và có nhiều đồi núi chập chùng nên tín hiệu sóng phát thanh và truyền hình không thể phủ đến các địa phương này. Đó cũng là lý do cần có một đài phát sóng đặt trên đỉnh cao ngọn núi này...

Khảo sát mở đường lên đỉnh núi những năm 1989-1990. Ảnh tư liệu

Khảo sát mở đường lên đỉnh núi những năm 1989-1990. Ảnh tư liệu

Những năm 1989 - 1991, sau nhiều lần leo núi, xuyên rừng dò đường khảo sát và được sự ủng hộ tiền của của người dân, các công ty cao su, công ty xây dựng công trình thủy điện Thác Mơ và sự giúp công, giúp sức của lãnh đạo và bà con người dân Phước Long đã dần mở ra những cung đường dẫn lên đỉnh núi Bà Rá, để thực hiện quyết tâm của Đảng bộ chính quyền cùng tập thể ban lãnh đạo, CBCNV Đài Phát thanh - Truyền hình Sông Bé lúc bấy giờ là xóa vùng lỏm thông tin, đưa ánh sáng văn hóa về với người dân 5 huyện phía Bắc này.

Ban Giám đốc Đài Sông Bé lúc đó đã giao cho Phòng kỹ thuật chịu trách nhiệm tổ chức thi công các hạng mục lắp đặt tháp ăng ten cao 23,5m, kéo đường điện nâng và hạ áp từ khu nhà điều hành đặt tại khu vực đồi Bằng Lăng (có độ cao 452m so với mặt nước biển) lên phòng máy phát trên đỉnh núi.

Tháp ăng ten phát sóng trên đỉnh Bà Rá những năm 1993-1995 - Ảnh tư liệu

Tháp ăng ten phát sóng trên đỉnh Bà Rá những năm 1993-1995 - Ảnh tư liệu

Anh Trương Văn Sang, Trưởng phòng Kỹ thuật lúc bấy giờ cùng kỹ sư Nguyễn Tấn Đức là những người thường trực chỉ huy thi công. Đó cũng là quãng thời gian gần 2 năm ròng rã mà tôi cùng các anh em nơi đây không quản nắng sớm, mưa chiều, thay nhau “cơm mang, nước dỡ” để leo núi mỗi ngày...

... Đã 30 năm trôi qua, kể từ những ngày đầu xây dựng gian khó ấy, nhưng trong tôi vẫn còn nguyên những cảm xúc ngày đầu leo núi.

Cảm xúc khi leo núi giống như những cung bậc cảm xúc trong cuộc sống. Từng bước đi lên đỉnh núi giống như những khó khăn trong cuộc đời mà mỗi con người cần phải vượt qua. Có những lúc mệt mỏi, tôi muốn bỏ cuộc nhưng nếu chỉ dừng lại tại chỗ thì ta không bao giờ biết được sự bao la, hùng vĩ nơi đỉnh cao ngọn núi!...

***

Tôi là người “có duyên” chinh phục được sự hoang sơ của 2 trong 3 ngọn núi ở miền Đông Nam Bộ. Ngoài đỉnh núi Bà Rá, nơi mà tôi tham gia khai phá để xây dựng và công tác nhiều năm, thì trước đó vào những năm 1984-1985, tôi đã cùng những người bạn học từ Sài Gòn hội về Tây Ninh để làm chuyến khám phá leo núi Bà Đen - nơi mà truyền thuyết của tộc người S'tiêng ở Bình Phước cho là “Bà chị” của Bà Rá.

Những năm 1984-1985, núi Bà Đen lúc đó cũng chưa có đường lên đỉnh mà các bậc thang dẫn lên núi chỉ dừng lại tại chùa Hang. Để lên được đỉnh núi, cả nhóm anh em tôi lúc đó phải men theo lối mòn của những cánh rừng và bám vào từng sợi dây leo, vách đá để leo lên.

Đỉnh núi Bà Đen lúc xưa chỉ trơ đá và cây rừng cùng những tàn tích do chiến tranh để lại... chứ không như ngày nay núi Bà Đen thật lung linh xinh đẹp và đã là một địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng.

Núi Bà Đen, Tây Ninh cao 996m so với mặt nước biển, cao nhất miền Đông Nam Bộ” - nguồn internet

Núi Bà Đen, Tây Ninh cao 996m so với mặt nước biển, cao nhất miền Đông Nam Bộ” - nguồn internet

Song, với tôi mỗi khi có dịp về lại Tây Ninh, đi cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen, trong ký ức của tôi không bao giờ quên “hành trình leo núi” năm xưa...

***

Mùa mưa những năm 1990

... So với núi Bà Đen, thì núi Bà Rá cây rừng rậm rạp và ẩm thấp hơn với nhiều cây bụi và lồ ô.

Vào mùa mưa, việc thi công kéo điện xuyên qua những cánh rừng lên đỉnh núi càng khó khăn vất vả hơn...

Vào mùa này, chúng tôi phải leo núi thật sớm để tránh mưa chiều...

Khổ nỗi, những đàn vắt đói luôn ngoe nguẩy như những cây ăng ten TV, nghiêng qua nghiêng lại chờ chực từng bước chân chúng tôi bước đến... Những lúc như vậy, chúng tôi phải vác đồ nhảy lên từng tảng đá hoặc bỏ chạy cho nhanh qua chỗ khô ráo hơn...

Hôm nào đang làm mà nhìn thấy trời kéo mây, giông gió là lo chạy xuống để tránh sét... ngẫm nghĩ chúng tôi như những vận động viên thi tài bộ môn phối hợp: Hết leo rồi tới chạy! Nhưng chạy đường trường còn dễ, đằng này chạy đường núi đâu dễ! Ngoài sức lực, tinh thần mạnh mẽ, còn phải có kỹ năng và kinh nghiệm ở từng cung đường...

***

Mỗi cung đường từ chân núi lên đến đỉnh Bà Rá đã là một hành trình leo núi đầy ký ức vả hoài niệm về quảng đời nhiều gian khó mà cũng thật ý nghĩa ở tuổi thanh xuân của tôi cùng nhiều đồng nghiệp.

Đó không chỉ là hành trình đầy tự hào mà chúng tôi đã cùng nhau chắp cho cánh sóng phát thanh, truyền hình bay cao, bay xa đến khắp mọi miền mà còn là hành trình tìm kiếm chính mình và vượt qua giới hạn bản thân của mỗi chúng tôi - những người “chiến sĩ thông tin”.

Là người tiên phong trong những ngày đầu khó khăn xây dựng Đài phát sóng Bà Rá và cũng là người có nhiều năm gắn bó với những cung đường lên đỉnh Bà Rá. Tuy nhiên, với tôi thì hành trình leo núi đó như chưa bao giờ “xuất phát”! Đích đến trên đỉnh cao ngọn núi Bà Rá hùng vĩ ấy vẫn luôn thách thức và chờ đợi...

Trong tâm hồn của mỗi người đều có một ngọn núi. Đỉnh cao không phải là mục tiêu cuối cùng, nó chỉ là một phần của hành trình” - Harold V. Melchert

(Hết kỳ 1)
Tháng 5-2024

Lê Thảo

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/158460/ba-ra-tu-leo-toi-chay