Bà Trương Mỹ Lan tiếp tục bị truy tố trong giai đoạn 2 vụ Vạn Thịnh Phát
CQĐT cho biết đã kết thúc điều tra giai đoạn 2 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan; đồng thời đề nghị truy tố 34 bị can về các tội danh 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới'.
Bộ Công an vừa ra thông báo kết thúc điều tra giai đoạn 2 vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Rửa tiền và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới” xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB.
Theo đó, CQĐT đã đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng 33 bị can về các tội danh nêu trên.
Trước đó, tại một cuộc họp báo do Bộ Công an tổ chức, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng C03 cho biết, trong giai đoạn hai của điều tra, cơ quan điều tra tập trung vào việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền của bà Trương Mỹ Lan.
Quá trình điều tra xác định bà Trương Mỹ Lan có hành vi "rửa tiền" thông qua việc đầu tư vào dự án bất động sản và chuyển tiền ra nước ngoài.
Tại bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên về vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, ngoài mức án cho 86 bị cáo, HĐXX sơ thẩm cũng nêu 8 kiến nghị để cơ quan điều tra làm rõ trong quá trình điều tra vụ án ở giai đoạn 2, cũng như kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước.
Trong đó HĐXX kiến nghị Cơ quan điều tra xác minh làm rõ dòng tiền 108.878 tỷ đồng và 14.757.677 USD để có cơ sở thu hồi khắc phục hậu quả. Đồng thời, làm rõ các sai phạm có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Về số tiền nêu trên, theo hồ sơ, đây là số tiền được tài xế của bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) chở từ SCB về tầng hầm B1 tòa nhà Sherwood (127 Pasteur, quận 3 – là tòa nhà Vạn Thịnh Phát).
Ngoài ra, trong vụ án này, 3 người đã chết là Nguyễn Phương Hồng (cựu giám đốc SCB Chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Tiến Thành (thành viên HĐQT SCB) và Nguyễn Ngọc Dương (Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula). HĐXX kiến nghị Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra, truy hồi dòng tiền nhằm xác định nghĩa vụ hoàn trả tài sản của 3 cá nhân nêu trên.
Bên cạnh đó, HĐXX cũng đề nghị Cục C03- Bộ công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong quá trình điều tra vụ án giai đoạn 2 tiếp tục làm rõ vai trò, trách nhiệm của các công ty kiểm toán tại ngân hàng SCB, các kiểm toán viên có liên quan nếu đủ căn cứ thì đề nghị xem xét xử lý theo đúng quy định; Tiếp tục xác minh làm rõ đối với tài sản của 5 bị cáo truy nã có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan để có căn cứ xem xét giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.
HĐXX cũng đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra các phương án, dự án chưa được xử lý trong vụ án này mà bị cáo Trương Mỹ Lan (hoặc cá nhân, tổ chức cho Trương Mỹ Lan sử dụng) hợp tác, giao kết, giao dịch để xác định đúng bản chất các giao dịch trên nhằm xác định tài sản và hành vi sai phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) để có căn cứ xem xét, thu hồi khi giải quyết vụ án trong giai đoạn 2 theo quy định.
Ngày 30/5, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã tổ chức cuộc họp để thảo luận, cho ý kiến đối với kết quả chỉ đạo xử lý một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực từ đầu năm đến nay.