Bắc Giang: 7/10 huyện của tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới

Đến nay, tỉnh Bắc Giang đã có 7/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (hoàn thành kế hoạch giai đoạn 2021-2025 Trung ương giao). Có 1 huyện đến nay cơ bản hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao.

Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang luôn được cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, được nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng. Từ đó, đời sống người dân, diện mạo nông thôn từ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, nâng cấp và phát triển, chuyển biến rõ nét; diện mạo nông thôn đổi mới, khang trang, sạch, đẹp hơn, đời sống vật chất tinh thần của bà con nông dân cũng được nâng cao.

Một góc thôn Xuân Minh thuộc xã nông thôn mới Hương Mai, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: Báo Xây dựng

Một góc thôn Xuân Minh thuộc xã nông thôn mới Hương Mai, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: Báo Xây dựng

Đối với cấp xã, toàn tỉnh này có 147/175 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 84,0% tổng số xã; dự kiến hết năm 2024 sẽ có 152/175 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt tỷ lệ 86,86%, hoàn thành 98% kế hoạch giai đoạn 2021-2025 Trung ương giao. Bên cạnh đó, có 51/147 xã nông thôn mới nâng cao, chiếm 34,69%; dự kiến hết năm 2024 có 63/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt tỷ lệ 41,44%, hoàn thành 103% kế hoạch giai đoạn. Có 07/147 xã nông thôn mới kiểu mẫu, chiếm 4,76%; dự kiến hết năm 2024 có 14/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đạt tỷ lệ 9,21%, hoàn thành 204% kế hoạch giai đoạn. Tính bình quân đến nay, tỉnh này đạt 17,8 tiêu chí/xã.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang cũng có 334 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao (vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân); 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 23 sản phẩm 4 sao, 308 sản phẩm 3 sao.

Đẩy mạnh tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới

Theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang Hà Minh Quý, thời gian qua tỉnh này đã đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thông qua phong trào thi đua "Bắc Giang chung sức xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2021-2025.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên toàn tỉnh đã tích cực tham gia, hưởng ứng xây dựng chương trình, kế hoạch và triển khai phong trào hiệu quả. Đồng thời, đề ra các nội dung, giải pháp thiết thực, phù hợp với thực tế địa phương; bố trí hợp lý, hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh đã tổ chức được trên 1.150 buổi tuyên truyền về các tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Các buổi tuyên truyền gắn với từng chuyên đề, nội dung tiêu chí được các cấp ngành triển khai tiêu biểu như: Tuyên truyền được 86 buổi về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, tuyên truyền 2.560 buổi vận động nhân dân thu gom và xử lý triệt để rác thải ra môi trường, tham gia chủ nhật xanh.

Các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện lồng ghép tuyên truyền bằng nhiều hình thức như hội nghị, hội thi, hội diễn... Bên cạnh đó đã chỉ đạo các cơ quan cấp huyện, cấp ủy đảng, chính quyền các xã tăng cường quán triệt Nghị quyết của Đảng về xây dựng nông thôn mới mới là nhiệm vụ chính trị thường xuyên trong sinh hoạt thường kỳ và vận động nhân dân bằng những hình thức trực quan thiết thực.

Toàn tỉnh Bắc Giang cũng đã vận động người dân hiến 25.732 m2 đất, đóng góp trên 9,3 tỷ đồng và 7.115 ngày công để làm đường giao thông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa… Các huyện điển hình trong cuộc vận động này là: Việt Yên, Tân Yên, Lục Ngạn.

Những kết quả xây dựng nông thôn mới đã giúp cho đời sống, vật chất tinh thần người dân được nâng cao, khối đại đoàn kết toàn dân được phát huy. Người dân hài lòng cao đối với kết quả xây dựng nông thôn mới, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và các cấp ủy chính quyền.

Tuyến đường xanh-sạch-đẹp từ chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Thế (Bắc Giang). Ảnh: Báo Chính phủ

Tuyến đường xanh-sạch-đẹp từ chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Thế (Bắc Giang). Ảnh: Báo Chính phủ

Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Đối với chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, đến nay, UBND tỉnh Bắc Giang đã có quyết định phê duyệt thực hiện mô hình thí điểm mô hình xã thương mại điện tử tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên. Mô hình này đang được xây dựng, phấn đấu hoàn thành theo kế hoạch trong năm 2024.

Theo ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh, nhận thức của đa số người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới đã được nâng cao, vai trò chủ thể của người dân được phát huy, chủ động tham gia đóng góp ngày công, tiền của làm công trình công cộng.

Mỗi địa phương đều có cách làm sáng tạo phù hợp với điều kiện của mình; sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là cán bộ thôn, bản đã tạo sự chuyển biến lớn cho chương trình, thống nhất nhận thức "Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, người dân là chủ thể".

Tuy nhiên, tỉnh này hiện còn 3 huyện miền núi chưa về đích nông thôn mới. Với điều kiện kinh tế, xã hội khu vực vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn, thu nhập của người dân còn thấp, nguồn thu ngân sách hạn chế, trong khi nhu cầu vốn để hoàn thiện hạ tầng, kinh tế - xã hội đòi hỏi rất lớn. Mặt khác khi về đích nông thôn mới các xã khu vực III sẽ thành các xã khu vực 1 nên một số chế độ, chính sách của người dân sẽ bị cắt là những khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Để hoàn thành các nhiệm vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, tiếp tục nhân rộng mô hình thôn nông thôn mới, kiểu mẫu; đẩy nhanh tiến độ đối với xã phấn đấu đạt chuẩn; nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn để phấn đấu nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Tỉnh này đẩy mạnh hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị; phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững; tạo chuyển biến môi trường nông thôn; nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh trật tự. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền vận động người dân tích cực hưởng ứng tham gia thực hiện.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/bac-giang-710-huyen-cua-tinh-da-dat-chuan-nong-thon-moi-94422.html