Bắc Giang: Có đất công nghiệp đến đâu, đăng ký đầu tư đến đó

Với hàng loạt giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bắc Giang có sức hút lớn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Có đất công nghiệp đến đâu, doanh nghiệp (DN) đăng ký đầu tư đến đó, hiện quỹ đất chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Nhiều nhà đầu tư quan tâm

Bắc Giang được nhiều DN, tập đoàn lớn lựa chọn thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh. Đến nay, cơ bản các khu công nghiệp (KCN) được thành lập, mở rộng đã được lấp đầy với tiến độ nhanh, hiện có hơn 400 DN đang sản xuất, kinh doanh. Nhiều tháng nay, Bắc Giang luôn trong tình trạng thiếu quỹ đất công nghiệp. Nhiều DN lớn có nhu cầu đầu tư vào KCN song chưa có hạ tầng, nơi có hạ tầng lại chưa đủ các hạng mục thiết yếu phục vụ sản xuất.

KCN Việt Hàn đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng.

KCN Việt Hàn đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng.

Tại KCN Việt Hàn (quy mô 50 ha giai đoạn 1), đến nay chủ đầu tư đã giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 48,6/50 ha; hoàn thành các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy của dự án và đang triển khai xây dựng hạ tầng KCN; tiếp tục hoàn thiện các hạng mục hạ tầng kỹ thuật.

Tại đây, Tập đoàn JA Solar Việt Nam đang xây dựng nhà xưởng đầu tư dự án JANE quy mô 99 triệu USD sản xuất tấm tế bào quang điện. Dự kiến dự án hoàn thành, đưa vào vận hành thử trong tháng 6 năm nay. Được biết, JA Solar Việt Nam đã có 2 dự án hoạt động tại KCN Quang Châu với khoảng 3 nghìn công nhân. Các sản phẩm chính gồm: Tấm silic và lắp ráp tấm pin năng lượng mặt trời, tấm tế bào quang điện.

Doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng tại Khu công nghiệp Quang Châu.

Doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng tại Khu công nghiệp Quang Châu.

Tại KCN Yên Lư dù chưa có hạ tầng song đã có một số nhà đầu tư ghi nhớ biên bản thỏa thuận đầu tư như: Yonz Technology Singapore PTE.Ltd đến từ Singapore đăng ký đầu tư để sản xuất pin năng lượng mặt trời. Hiện nay, một số DN đang tìm hiểu để đầu tư vào KCN Tân Hưng (Lạng Giang), nổi bật là Tập đoàn Yadea (Trung Quốc) đăng ký thực hiện dự án xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện. Với dự án này, Tập đoàn Yadea sản xuất, lắp ráp khoảng 2 triệu xe/năm. Tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 100 triệu USD. Được thành lập vào năm 2001, thương hiệu Yadea được biết đến là tập đoàn sản xuất, phân phối sản phẩm xe máy điện hai bánh hàng đầu thế giới.

Tập trung GPMB, tạo quỹ đất công nghiệp

Mặc dù có nhiều nhà đầu tư quan tâm nhưng Bắc Giang lại thiếu quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư. Nguyên nhân mấu chốt vẫn là khó khăn trong công tác GPMB. Hầu hết tiến độ GPMB dự án đầu tư kết cấu hạ tầng KCN đều chậm. Đặt ra kế hoạch hoàn thành GPMB KCN Yên Lư giai đoạn I (150 ha) vào cuối năm 2022 song đến nay UBND huyện Yên Dũng mới chi trả bồi thường được khoảng 100 ha, chuyển mục đích sử dụng đất và cho thuê đất đợt 1 với diện tích 54 ha.

Hiện chủ đầu tư hạ tầng đang san lấp, chiếm lĩnh mặt bằng phần diện tích đất đã bồi thường GPMB; đang xây dựng nghĩa trang và di dời 592/601 ngôi mộ ra nghĩa trang mới; khởi công xây dựng trạm xử lý nước thải. Tại KCN Tân Hưng, chủ đầu tư hạ tầng đã hoàn thành các thủ tục hành chính về đầu tư, xây dựng, môi trường, phòng cháy, chữa cháy đủ điều kiện khởi công xây dựng hạ tầng KCN theo quy định song việc thi công khá chậm.

 Dây chuyền sản xuất của nhà máy JA Solar Việt Nam. Hiện DN đang đầu tư thêm dự án tại KCN Việt Hàn.

Dây chuyền sản xuất của nhà máy JA Solar Việt Nam. Hiện DN đang đầu tư thêm dự án tại KCN Việt Hàn.

Tương tự, ở KCN Việt Hàn, dù DN vào đầu tư đã xây dựng nhà xưởng, dự kiến khoảng 2 tháng nữa đi vào hoạt động nhưng hạ tầng điện chưa bảo đảm, thi công dang dở. Ông Triệu Hồi Cương, Phó Tổng giám đốc JA Solar Việt Nam-DN đầu tư dự án mới tại KCN Việt Hàn nói: “Thực tế, quá trình vận hành các dây chuyền của chúng tôi tại KCN Quang Châu, nguồn điện đôi khi không ổn định, có hiện tượng nháy điện gây thiệt hại sản xuất. DN sản xuất tế bào quang điện, lượng điện cần sử dụng lớn nên mong chính quyền tỉnh Bắc Giang quan tâm, bảo đảm nguồn điện cho DN hoạt động”.

2 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh thu hút được hơn 830,6 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, đứng đầu cả nước. Dự báo, thời gian tới số vốn này tiếp tục tăng nếu Bắc Giang có hạ tầng KCN đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư. Để tháo gỡ khó khăn trong đầu tư kết cấu hạ tầng KCN, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác định kỳ kiểm điểm tiến độ, đề xuất các giải pháp giải quyết vướng mắc. Đối với các KCN đã thành lập, Bắc Giang tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hoàn thành đúng mốc thời gian đề ra. Với các KCN đang trình hồ sơ chủ trương đầu tư, tiếp tục phối hợp cùng nhà đầu tư trong quá trình lập, thẩm định chủ trương dự án hạ tầng.

2 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh thu hút được hơn 830,6 triệu USD vốn đầu tư quy đổi, đứng đầu cả nước. Dự báo, thời gian tới số vốn này tiếp tục tăng cao nếu Bắc Giang có hạ tầng KCN đáp ứng nhu cầu nhà đầu tư.

Về lâu dài, tỉnh tiếp tục triển khai hồ sơ quy hoạch xây dựng đối với 15 KCN trong danh mục ưu tiên thực hiện giai đoạn 2022-2025; rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng vùng huyện, bảo đảm phù hợp quy hoạch tỉnh và làm cơ sở lập quy hoạch các KCN.

Kết luận tại phiên họp thường kỳ tháng 2, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Chúng ta không thể “ăn đong” mà cần có tầm nhìn dài hạn tạo quỹ đất công nghiệp. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư đang xếp hàng, trông chờ từng ngày được giao đất, trong khi chưa có đất thì phải ký biên bản ghi nhớ với DN mong muốn vào đầu tư. Thực tế này cản trở thu hút đầu tư vào tỉnh. Nếu có quỹ đất công nghiệp thì dự án đầu tư vào địa bàn lớn hơn nhiều so với số vốn đã đạt được trong 2 tháng đầu năm. Do đó, các cấp, ngành khẩn trương rà soát những phần việc, nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng, hỗ trợ các DN, sớm tạo quỹ đất để thu hút đầu tư .

Bài, ảnh: Trịnh Lan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/399953/ba-c-giang-co-dat-cong-nghiep-den-dau-dang-ky-dau-tu-den-do.html