Bắc Giang: Gia tăng bệnh nhân nhập viện do nhiễm cúm A

Thời tiết thay đổi thất thường, những ngày gần đây, số bệnh nhân mắc cúm A tăng, nhiều người biến chứng viêm phổi. Để phòng ngừa, tránh diễn biến nặng, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên theo dõi sức khỏe, đi khám khi có biểu hiện bất thường để phát hiện đúng bệnh, điều trị kịp thời.

Ghi nhận tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), gần 1 tháng nay, số bệnh nhân nhập viện điều trị cúm A tăng, thường xuyên có 6-10 bệnh nhân điều trị cúm A trong khi những tháng trước đó không có bệnh nhân nhập viện do nhiễm cúm A. Chiều 5/1, Trung tâm có 6 bệnh nhân đang điều trị cúm A, trong đó có 4 trường hợp biến chứng sang phổi.

Bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm cúm A.

Bác sĩ Trung tâm Bệnh nhiệt đới kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân nhiễm cúm A.

Ông Phùng Văn Vinh (SN 1972), xã Yên Sơn (Lục Nam) bắt đầu có biểu hiện sốt, đau đầu và rát cổ họng từ ngày 1/1. Nghĩ chỉ bị cúm thông thường, ông mua thuốc về uống. Đến trưa 2/1, ông bị chóng mặt, đi không vững nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu, được xác định bị nhiễm cúm A.

Tương tự, chị Đặng Thị Thư Mơ (SN 1997), xã Tiền Phong (Yên Dũng) cũng được xác định nhiễm cúm A khi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu do bị ngã trong quá trình làm việc.

Không chỉ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ở hầu hết các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị cúm A cũng tăng so với trước. Thông tin từ Trung tâm Y tế huyện Sơn Động, 2 tuần gần đây, Trung tâm khám, điều trị cho hơn 30 bệnh nhân nhiễm cúm A (chủ yếu người già, trẻ nhỏ), tăng gấp đôi so với thời gian trước đó. Từ ngày 2/1 đến nay, Khoa xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa Sông Thương cũng phát hiện 13 trường hợp nhiễm cúm, trong đó có 7 người dương tính với cúm A.

Lấy mẫu xét nghiệm cúm A tại Bệnh viện Đa khoa Sông Thương.

Lấy mẫu xét nghiệm cúm A tại Bệnh viện Đa khoa Sông Thương.

Theo các bác sĩ, người mắc cúm A có biểu hiện là sốt cao, ho nhiều, uống thuốc không hạ sốt, chảy dịch mũi nhiều, mệt mỏi, ăn uống kém. Cúm A thường lây lan với tốc độ nhanh, đặc biệt là với người già, trẻ nhỏ. Với người lớn có trường hợp bị choáng, ngã; trẻ nhỏ xuất hiện cơn co giật khi sốt cao.

Qua theo dõi các ca nhiễm cúm A đang điều trị, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy, Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết, dịp này, tỷ lệ bệnh nhân nặng tăng so với những năm trước, nhiều trường hợp biến chứng sang phổi, phải thở bằng máy.

“Nếu như người bị nhiễm cúm thông thường chỉ cần nghỉ ngơi vài ngày, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ sẽ khỏi bệnh thì với cúm A khó kiểm soát hơn, dễ gây thành dịch và biến chứng với người có sức đề kháng kém. Do đó, người dân cần chủ động đi khám khi có biểu hiện bị nhiễm cúm A, đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người để tránh lây bệnh sang những người xung quanh. Ngoài ra, cách tốt nhất để phòng ngừa cúm A là tiêm vắc-xin cúm hàng năm, nhất là người cao tuổi và trẻ em”, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy nói.

Trước tình trạng bệnh nhân mắc cúm A tăng cao, các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, tránh đám đông, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Khi thấy có dấu hiệu như: Khó thở, sốt cao khó giảm, ho nhiều, người bệnh cần đi khám để điều trị, không nên tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc thuốc theo đơn cũ, dễ gây kháng thuốc, không hiệu quả trong điều trị.

Tin, ảnh: Sỹ Quyết

Khi thấy con có dấu hiệu như khó thở, sốt cao khó giảm, ho nhiều hơn, cần đi khám để điều trị. Không nên tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc thuốc theo đơn cũ, dễ gây kháng thuốc, không hiệu quả trong điều trị.

Khi thấy con có dấu hiệu như khó thở, sốt cao khó giảm, ho nhiều hơn, cần đi khám để điều trị. Không nên tự ý mua thuốc kháng sinh hoặc thuốc theo đơn cũ, dễ gây kháng thuốc, không hiệu quả trong điều trị.

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/417531/bac-giang-gia-tang-benh-nhan-nhap-vien-do-nhiem-cum-a.html