Bắc Giang: Phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2024 và chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ các cấp
Sáng 8/7, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị thường kỳ lần thứ 20. Các đồng chí: Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến sâu về một số báo cáo như: Thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2024; thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2024; kết quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024; kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024…
Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước
Tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I, quý II năm 2024 của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng tích cực từ năm 2023 đến nay, lần lượt là 13,96% và 14,31%; tính chung 6 tháng đạt 14,14% (cao nhất cả nước). Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 18,11%; dịch vụ tăng 6,42%; nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,82%; thuế sản phẩm tăng 10,59%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng đầu năm tăng khá cao so với cùng kỳ, ước tăng 26,45%, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá hiện hành) ước đạt 315.145 tỷ đồng, bằng 47,3% kế hoạch, tăng 28% so cùng kỳ. Phân theo địa bàn, sản xuất công nghiệp tại 10/10 huyện, thị xã, TP đều có tăng trưởng, trong đó một số địa phương tăng cao như: Việt Yên 27,23%, Yên Dũng 18,36%, Hiệp Hòa 17,27%, TP Bắc Giang tăng 16,3%…
Năng suất các loại cây trồng cơ bản đều tăng, hiệu quả kinh tế được nâng lên. Các loại cây ăn quả tiếp tục phát triển đúng hướng; sản lượng vải thiều giảm so với năm 2023 song tiêu thụ thuận lợi, giá bán tăng cao so với cùng kỳ; các loại cây trồng khác sinh trưởng, phát triển tốt.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 154 xã đạt chuẩn, tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 17,8 tiêu chí/xã.
Công tác thu ngân sách được tập trung ngay từ những tháng đầu năm với nhiều giải pháp quyết liệt, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; chất lượng giáo dục đạt kết quả nổi bật. Công tác an sinh xã hội được thực hiện hiệu quả. Phong trào thi đua “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” triển khai sâu rộng ghi nhận kết quả rõ nét. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải cách hành chính năm 2023 duy trì trong nhóm các tỉnh đứng đầu cả nước. Công tác quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Nhiều dự án, chương trình mục tiêu chậm tiến độ
Sản xuất công nghiệp dù tăng khá nhưng tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do chi phí một số nguyên vật liệu tăng, đơn hàng sụt giảm, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, gia công pin năng lượng mặt trời gặp nhiều khó khăn do thay đổi chính sách thuế của phía đối tác.
Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm diễn ra trong điều kiện thời tiết có nhiều khó khăn, trong đó, năng suất, sản lượng vải thiều giảm so với cùng kỳ, đặc biệt là đối với trà vải chính vụ.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều vướng mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ đầu tư dự án... Một số dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư, dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp so với yêu cầu. Tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.
Thu hút đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu chậm lại, quỹ đất để thu hút đầu tư còn hạn chế. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường giảm, trong khi số giải thể, tạm ngừng hoạt động lại tăng 12,7% so với cùng kỳ .
Vẫn còn một số chỉ số hành chính xếp thứ hạng thấp so với trung bình chung của cả nước như Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 38/63 tỉnh, TP. An ninh trật tự, an toàn xã hội, tình hình tội phạm ở một số địa bàn, tội phạm công nghệ cao, lừa đảo trên không gian mạng còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nhất trí trong 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh tập trung triển khai, thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh về các nhiệm vụ phát triển KT-XH; tập trung rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế chính sách để tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt hiện nay, nhất là trong cải cách hành chính, đầu tư hạ tầng, giải phóng mặt bằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực thi.
Một số đại biểu cũng cho rằng, trong 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chuyển đổi mục đích rừng thay thế; việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU, ngày 11/6/2020 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai (Chỉ thị 19) và Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 27/2/2020 của BTV Tỉnh ủy về việc huy động toàn dân tập trung thu gom, xử lý triệt để rác thải ra môi trường (Chỉ thị 17); sớm có những văn bản hướng dẫn liên quan đến việc triển khai Luật Đất đai mới năm 2024 để không ảnh hưởng đến các công tác khác, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.
Các đại biểu cũng đề nghị tỉnh đánh giá sâu kỹ hơn kết quả thực hiện Chỉ thị 19 và 17 của BTV Tỉnh ủy cũng như việc thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát; sớm có hướng chỉ đạo giải quyết, xử lý những khó khăn, bất cập nảy sinh từ thực tiễn...
Theo đồng chí Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, liên quan đến Chỉ thị 19, Sở đang tham mưu UBND tỉnh có đánh giá tổng thể về việc này. Nhìn chung, qua việc triển khai thực hiện Chỉ thị 19 đã thu được nhiều kết quả tích cực, trong đó tạo ý thức chấp hành pháp luật liên quan đến sử dụng đất của người dân. Tuy nhiên, theo luật không thể hợp thức hóa những trường hợp đã vi phạm. Các địa phương cần chủ động phân loại từng trường hợp cụ thể để xử lý hợp tình, hợp lý; đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp mới phát sinh vi phạm.
Tiếp thu, làm rõ những ý kiến của các đại biểu, đồng chí Lê Ánh Dương cho biết, liên quan đến Chỉ thị 19, yêu cầu các huyện, thị xã, TP tập trung giải quyết, có chủ trương cho từng trường hợp, đề xuất cụ thể cách thức giải quyết.
Đối với Chỉ thị 17, trước đây, tỉnh rất kỳ vọng vào 2 nhà máy xử lý rác thải tập trung ở TP Bắc Giang và huyện Hiệp Hòa để giải quyết vấn đề này cho toàn tỉnh. Tuy nhiên, 2 dự án này đang có vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách của ngành điện và công tác giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường sớm có đề án xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh; đồng thời đề nghị các huyện, thị xã, TP rà soát, thống kê toàn bộ các lò đốt rác ở địa phương mình, kiến nghị biện pháp giải quyết, theo tinh thần rác ở địa phương nào, địa phương đó xử lý.
Đối với việc sáp nhập các xã, phường, thị trấn cơ bản đã xử lý xong bước ở cấp tỉnh; đang chờ các bước của Trung ương. Vì thế, đề nghị các địa phương chủ động sắp xếp cán bộ theo chức trách nhiệm vụ được giao.
Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành, địa phương khắc phục bệnh sợ trách nhiệm; “đá bóng” trách nhiệm cho các đơn vị khác; đồng thời, tránh việc giải quyết công việc cứng nhắc mà cần dựa vào thực tiễn để xử lý, giải quyết công việc.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã thông qua Nghị quyết của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; Kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ các cấp trong Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Gấu nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm, các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Nhờ vậy, KT - XH của tỉnh tiếp tục có bước phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, dự báo 6 tháng cuối năm 2024 tình hình chung vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhất là sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; rủi ro của thị trường tài chính, ngân hàng, bất động sản… Do đó, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, các đồng chí Tỉnh ủy viên, các ngành, địa phương phải nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các báo cáo.
Đặc biệt, cần hết sức lưu ý bám nắm Trung ương, đẩy nhanh tiến độ sửa Quy hoạch chung của tỉnh; trình cấp trên xin chủ trương việc điều chỉnh địa giới hành chính. Đôn đốc việc giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tích cực lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp. Tập trung giải quyết vấn đề tranh chấp đất lâm nghiệp; xử lý các vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đồng chí Tỉnh ủy viên phụ trách các ngành, lĩnh vực, địa phương tiếp tục bám sát kế hoạch, chương trình công tác của cấp ủy, phát huy vai trò gương mẫu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ. Trước mắt, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển KT - XH đã đề ra năm 2024 cũng như các mục tiêu được xác định tại nghị quyết đại hội đảng của đơn vị, địa phương mình.
Ngay sau khi có kế hoạch của BTV Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về kế hoạch tổ chức đại hội đảng bộ các cấp trong Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, khẩn trương chỉ đạo xây dựng kế hoạch của đơn vị mình và triển khai các nội dung bảo đảm theo yêu cầu.
Tập trung cao thực hiện nhiệm vụ sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và phát triển đô thị. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm tiếp tục triển khai thực hiện tốt phương châm “3 an” (an ninh, an sinh, an toàn), nhất là mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, cải tạo, sửa chữa nhà ở cho người có công có nhu cầu; quan tâm chăm lo thăm hỏi, động viên người có công, gia đình chính sách nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7.
Nắm vững tình hình địa phương, tình hình nhân dân, tập trung giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, không để bị động, bất ngờ, không để tình hình thành điểm nóng.