Bắc Giang: Triển vọng, thách thức đầu tư mới

Ngày 23/3, tại Khách sạn Mường Thanh Bắc Giang, Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Phát triển doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư), Viện Friedrich Naumann Foundation (Cộng hòa Liên bang Đức) tại Việt Nam, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Giang phối hợp tổ chức hội nghị 'Triển vọng đầu tư năm 2024'.

 Các chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo DN tiêu biểu của Việt Nam trao đổi về triển vọng kinh tế, đầu tư năm 2024.

Các chuyên gia kinh tế, đại diện lãnh đạo DN tiêu biểu của Việt Nam trao đổi về triển vọng kinh tế, đầu tư năm 2024.

Tới dự có các diễn giả là chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) tiêu biểu của Việt Nam như: Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia và Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC); GS.TS Andreas Stoffers, Giám đốc Viện FNF Việt Nam; ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL); ông Nguyễn Xuân Phú, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn SUNHOUSE. Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, cơ quan, hiệp hội và hàng trăm DN trong tỉnh.

Nhiều tín hiệu tích cực

Tại đây, các diễn giả tập trung trao đổi, thảo luận về xu hướng, làn sóng dịch chuyển đầu tư vào Việt Nam, cơ hội, triển vọng và thách thức với DN trong năm 2024. Từ đó, các chuyên gia đã đưa ra các lời khuyên, định hướng phát triển cho các DN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

 Các đại biểu dự hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị.

Các chuyên gia đều nhận định, năm 2024 là năm tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, sức ép lạm phát lớn; sản xuất kinh doanh dự báo vẫn khó khăn; nhu cầu các thị trường xuất, nhập khẩu trọng yếu của Việt Nam tiếp tục suy giảm.

Bên cạnh đó, những tồn tại, hạn chế, bất cập từ nội tại nền kinh tế về cơ cấu chưa được xử lý dứt điểm. Thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro; quy mô nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn nhưng độ mở lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài còn hạn chế… Qua đó cho thấy, khó khăn còn rất nhiều nhưng vẫn có các yếu tố để chúng ta kỳ vọng về sự tăng trưởng của kinh tế đất nước năm 2024.

Trong đó sự điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển, cùng với quyết tâm lớn của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ chính là những yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt.

Dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý I ước đạt 5,4% nhưng Bắc Giang đạt hơn 14%, cao hơn 2 lần tăng trưởng bình quân chung cả nước. Mức độ quản trị rủi ro được tích lũy tốt; lạm phát, tỷ giá trong được kiểm soát; thị trường chứng khoán, bất động sản dần phục hồi… Vì thế, cơ hội động lực cho tăng trưởng nền kinh tế của địa phương, DN tương đối khả quan.

Hiến kế cho DN

 Giáo sư, Tiến sĩ Andreas Stoffers phát biểu tại hội nghị.

Giáo sư, Tiến sĩ Andreas Stoffers phát biểu tại hội nghị.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đặt câu hỏi với các chuyên gia để làm rõ về kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, phát triển thương hiệu; kết nối với các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); một số chính sách mới tác động đến hoạt động của DN, các ngành nghề; dự báo thị trường bất động sản.

Trao đổi về những nội dung liên quan, các chuyên gia đều bày tỏ ấn tượng với sự tăng trưởng kinh tế của Bắc Giang trong quý I và thời gian qua song cũng có nhiều ý kiến cho rằng tỉnh cần quan tâm đến chất lượng tăng trưởng để bảo đảm tăng trưởng bền vững. Ông Nguyễn Xuân Phú cho rằng, Bắc Giang có vị trí thuận lợi giống như căn nhà đẹp nhất ở khu đô thị. Để khai thác lợi thế này, DN cần chuẩn bị các điều kiện để có thể kinh doanh về mặt bằng, nhà xưởng, máy móc, con người, xây dựng mối quan hệ với đối tác, thúc đẩy đầu tư kinh doanh. Nếu chỉ cho thuê căn nhà đẹp đó thì thật lãng phí vì giá trị gia tăng không nhiều. Còn DN đã bỏ lỡ cơ hội kinh doanh ở một thời điểm nào đó thì cần đánh giá qua quá trình phát triển, mỗi DN sẽ phát sinh những vấn đề gì trong tương lai, từ nguyên liệu, nhân công ra sao để chủ động tham gia và trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng đó. Đặc biệt, DN cần chủ động, có chiến lược lâu dài, tầm DN ở đâu thì tầm người đứng đầu ở đó, phụ thuộc rất nhiều vào mong muốn, hướng đi của người chèo lái DN.

Còn ông Cao Hoài Dương chia sẻ một số kinh nghiệm mạnh dạn đổi mới để phát triển. Ông cho biết, là DN kinh doanh trong lĩnh vực dầu khí nhưng trước làn sóng kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, đơn vị đã thúc đẩy chuyển đổi năng lượng truyền thống sang năng lượng xanh. Bước đầu, DN cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều luồng ý kiến cho rằng nếu xây dựng các trạm sạc pin phục vụ xe điện sẽ giảm doanh thu bán dầu, chẳng phải đã “lấy đá cản đường”.

Tuy nhiên với quyết tâm, xác định chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, DN đã xây dựng các trạm sạc pin điện, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đến nay, lợi nhuận từ các trạm sạc pin điện đã chiếm 25% lợi nhuận bán dầu của đơn vị. Đây là minh chứng cho thấy, cần phải nhận định, dự báo được xu hướng và càng đi sớm, đón đầu thì DN sẽ thành công song đòi hỏi ban lãnh đạo DN cần có tư duy đổi mới.

Đưa ra lời khuyên đối với DN, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, DN phải tăng khả năng chống chịu, nhanh chóng thích ứng với tình hình; nhanh nhạy cập nhật chính sách mới và chủ động tìm hiểu những tác động của cơ chế chính sách, đưa ra giải pháp phù hợp. Hiện nay, cơ hội thu hút đầu tư công nghiệp bán dẫn rất lớn, Bắc Giang có thể nghiên cứu, phát triển lĩnh vực này và chuẩn bị các điều kiện đi kèm, tạo đà cho phát triển. Bên cạnh đó, chính quyền cần xây dựng quy hoạch có tính tổng thể, việc lấy ý kiến phải bảo đảm thực chất, rộng rãi.

 Tiến sĩ Cấn Văn Lực trao đổi tại hội nghị.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực trao đổi tại hội nghị.

Phân tích thách thức, triển vọng kinh tế thế giới và Việt Nam thời gian tới, Tiến sĩ Cấn Văn Lực thông tin, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất ngân hàng giảm và một số chính sách điều hành hiệu quả của Nhà nước, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục từ IV/2023. Có thể thấy, giao dịch bất động sản chủ yếu đối với những người có nhu cầu thực. Một trong yếu tố tác động lớn là lãi suất cho vay đã giảm mạnh so với cùng kỳ khiến không chỉ thị trường bất động sản hồi phục mà kéo theo đó là cả thị trường chứng khoán ngày một tốt lên.

Ngoài hiến kế cho DN, qua hội nghị này, lãnh đạo một số DN cũng tự đánh giá về tình hình sản xuất, kinh doanh của DN mình, có cái nhìn sâu sắc, đa chiều hơn về những cơ hội, phương hướng đầu tư trong thời gian tới.

Được biết, quan điểm của Bắc Giang là luôn đồng hành, hỗ trợ cộng đồng DN nên ngoài tổ chức các hội nghị kết nối, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh cho DN, tạo động lực phát triển.

Nhóm PVKT

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bac-giang-trien-vong-thach-thuc-dau-tu-moi.bbg