Bác Hồ với Phú Thọ - Phú Thọ làm theo lời Bác

PTĐT - Trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc luôn là tấm gương tỏa sáng muôn đời về lòng yêu nước, đức hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và phong trào hòa bình của nhân dân thế giới.

Trong hành trình đấu tranh cách mạng, Bác đã dừng chân ở nhiều địa phương và dành những tình cảm sâu sắc cho đồng bào các dân tộc. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Thọ vinh dự, tự hào được 9 lần đón Bác về thăm. Giờ đây, mỗi địa danh trên quê hương Đất Tổ- nơi Người đặt chân đến đều trở thành những “địa chỉ đỏ” cách mạng, những minh chứng lịch sử sinh động được Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ qua các thế hệ trân trọng, gìn giữ, tiếp tục phấn đấu học và làm theo lời Bác dạy.

Kỳ I: Cổ Tiết - Vạn Xuân và dấu hình Bác

Những ngày cuối năm 1946, bất chấp thiện chí của ta, bộ máy chiến tranh của Pháp vẫn tiếp tục gây hấn. Đêm 19, rạng sáng ngày 20/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngày 4/3/1947, trên đường di chuyển lên căn cứ Việt Bắc, Người dừng chân tại Phú Thọ và xã Cổ Tiết (nay là xã Vạn Xuân), huyện Tam Nông là nơi đầu tiên được đón Bác.

Từ ngày 4 đến 18/3/1947, Bác đã ở lại hai gia đình gồm nhà cụ Nguyễn Liên, bố đồng chí Nguyễn Trung- Chủ nhiệm huyện bộ Việt Minh Tam Nông ở xóm Ghềnh và cụ Hoàng Văn Nguyện ở xóm Đồi. Trong 14 ngày ở nhà cụ Nguyện, Bác dành thời gian đọc lịch sử Việt Nam, nghiên cứu cách đánh giặc của các vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung và thường xuyên nhắc nhở các đồng chí lãnh đạo Đảng cần nghiên cứu kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của các thế hệ cha anh đi trước để vận dụng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tại đây, Bác đã đặt 8 tên gọi đầy ý nghĩa cho 8 đồng chí cùng đi: Trường- Kỳ- Kháng- Chiến- Nhất- Định- Thắng- Lợi, thể hiện rõ tư tưởng, chiến lược, đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng và nhân dân ta. Ngoài việc đến địa điểm cơ quan Trung ương và Hội đồng Chính phủ cách nơi ở 3-4km, Người tự tay đánh máy, soạn thảo nhiều văn kiện, sắc lệnh, thư điện; sửa chữa, hoàn chỉnh nhiều văn bản quan trọng quyết định vận mệnh quốc gia, dân tộc…Những ngày ở và làm việc tại Vạn Xuân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy bí danh Xuân để liên lạc. Tuy phải giữ bí mật, không trực tiếp gặp gỡ cán bộ và nhân dân địa phương, nhưng thông qua báo cáo của đội vũ trang tuyên truyền, Bác hiểu rõ tình hình trong xã, trong huyện và kịp thời phê bình, chỉ bảo những thiếu sót của cán bộ địa phương. Thực hiện chỉ thị của Người, đội vũ trang tuyên truyền đã thường xuyên đến từng xóm, gặp gỡ đoàn thể, nhân dân để giải thích đường lối kháng chiến của Đảng ta và dạy bình dân học vụ cho bà con chưa biết chữ. Chính nhờ làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục nên nhân dân trong xã đã làm tròn nhiệm vụ bảo vệ cán bộ và cơ quan Đảng, Chính phủ, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong suốt thời gian Bác ở, làm việc tại địa phương.

Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ- Bí thư Đảng ủy xã Vạn Xuân chia sẻ: Được sáp nhập từ 3 xã Cổ Tiết, Tam Cường, Văn Lương, chúng tôi tự hào vì trong tên xã mới thành lập “Vạn Xuân” có bí danh Bác đã dùng trong thời gian ở đây. Dù còn nhiều khó khăn, song Đảng bộ, nhân dân Vạn Xuân luôn khắc ghi lời Bác dặn năm xưa để cùng đoàn kết, xây dựng những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội sát với điều kiện thực tế của địa phương, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế tích cực, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.Là nơi đầu tiên đón Bác về ở và làm việc không chỉ là niềm vinh dự của xã Vạn Xuân hôm nay mà còn là niềm tự hào chung của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Tam Nông. Noi gương Bác, những năm gần đây, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, gắn với thực tiễn ở địa phương, việc học tập và làm theo Bác tại huyện Tam Nông đã tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức rèn luyện đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác và thái độ phục vụ nhân dân trong các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở. Bí thư Huyện ủy Tam Nông Vương Đức Thủy khẳng định: Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 05, Tam Nông đã gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ để cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị 05-CT/TW, xây dựng chuẩn mực đạo đức, lối sống; trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nội dung đấu tranh với các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vào sinh hoạt chi bộ định kỳ; gắn kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW và Nghị quyết Trung ương 4 trong đánh giá xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên hàng năm.Thời gian qua, huyện đã lựa chọn và tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở liêm chính, hành động, phục vụ nhân dân; cán bộ, đảng viên, công chức liêm chính, năng động, sáng tạo, hết lòng vì nhân dân… Cấp ủy, chính quyền, các phòng, ban, ngành từ huyện đến cơ sở đã chỉ đạo giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn, tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; qua đó niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền ngày càng được củng cố và nâng cao.Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm được 753 ngày/2.824 ngày; các xã, thị trấn cắt giảm được 241 ngày/894 ngày giải quyết thủ tục hành chính; triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng Bộ phận một cửa điện tử hiện đại, kết nối liên thông với phần mềm quản lý văn bản điện tử của Văn phòng Chính phủ (liên thông 4 cấp chính quyền); chỉ đạo hoàn thành việc sáp nhập 12 xã thành 4 xã mới, số đơn vị hành chính trên địa bàn huyện giảm từ 20 xuống còn 12; sáp nhập 44 khu dân cư thành 20 khu đồng thời tập trung khai thác mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, hình thành một số mô hình lớn trong nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao.4 năm liên tiếp Tam Nông nằm trong tốp địa phương dẫn đầu của tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao; huyện đã có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 450% kế hoạch của tỉnh giao đến năm 2020; xây dựng được 2 khu dân cư nông thôn mới, trong đó có một khu nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh. Đảng bộ huyện nhiều năm liền được công nhận là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua và Bằng khen trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2019, được Ban Tuyên giáo Trung ương vinh danh nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng. Năm 2019, huyện vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.Kỳ II: Điện văn gửi đồng bào miền Nam từ Chu Hóa

Chính Văn

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/dao-duc-ho-chi-minh/202005/bac-ho-voi-phu-tho-phu-tho-lam-theo-loi-bac-170622