Bắc Kinh phản đối vụ máy bay tuần tra Nhật bay qua Biển Đông
Trung Quốc đã phản đối Nhật về việc hai máy bay của Lực lượng Phòng vệ hàng Hải Nhật hồi năm 2018 đã bay gần Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).
Hãng thông tấn Kyodo News dẫn nguồn tin chính phủ Nhật ngày 25-2 cho biết Trung Quốc đã phản đối Nhật về việc hai máy bay của Lực lượng Phòng vệ hàng hải Nhật hồi tháng 8-2018 đã bay gần Đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép).
Theo nguồn tin, Bắc Kinh đã cáo buộc rằng các máy bay tuần tra P-3C của Nhật đã bay gần Đá Vành Khăn mà chưa có “sự cho phép”.
Nhật đã phản bác nỗ lực của Bắc Kinh trong việc hạn chế “quyền tự do bay”, nhấn mạnh rằng hai bên có mâu thuẫn không chỉ tại biển Hoa Đông mà còn tại Biển Đông.
Phản đối tuyên bố đơn phương của Trung Quốc, trong ba năm qua, Nhật đã nhiều lần triển khai các máy bay tuần tra P-3C bay gần Đá Vành Khăn, nguồn tin cho biết.
Tháng 8-2018, sau khi tham gia hoạt động chống cướp biển ngoài khơi Somalia ở châu Phi, hai máy bay tuần tra P-3C của Nhật đã bay qua Biển Đông để trở về nước.
Phía Nhật giải thích rằng do điều kiện thời tiết, các máy bay P-3C buộc phải bay gần Đá Vành Khăn nhằm tránh các đám mây vũ tích, nguồn tin cho biết.
Theo Kyodo News, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với hầu hết Biển Đông và đã xây dựng trái phép các đảo nhân tạo với cơ sở hạ tầng quân sự tại khu vực.
Quan hệ Trung-Nhật thường xuyên tồn tại mâu thuẫn về lãnh thổ liên quan quần đảo Senkaku (cách gọi của Nhật) / Điếu Ngư (cách gọi của Trung Quốc).
Biển Đông cũng là nguồn cơn gây căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.
Các tàu chiến Mỹ thường xuyên thực hiện các hoạt động "tự do hàng hải" ở khu vực này nhằm thách thức các yêu sách và hành động phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông.
Năm 2020, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố lập trường cứng rắn trước hành động quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông, gọi các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông là "hoàn toàn trái pháp luật".
Đá Vành Khăn nằm trong số bảy thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và bồi đắp trái phép thành đảo nhân tạo. Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng đường băng, cảng neo đậu và triển khai radar tại đây.
Việt Nam nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền với Trường Sa và Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị.