Bác Lê Khả Phiêu và 'sự tích' Làng Rồng

Đi lên từ những nỗi đau mất mát, 21 năm qua người dân làng Rồng ở thôn An Hải, thị trấn Thuận An (H. Phú Vang, tỉnh TT-Huế) lúc nào cũng nhớ đến nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu- người đã khai sinh 'làng Rồng' cho ngư dân làng chài trong trận đại hồng thủy 1999. Mấy ngày nay, khi nghe tin bác Lê Khả Phiêu từ trần, người dân làng Rồng tỏ ra thương tiếc, đau buồn như chính người thân của mình.

Đi lên từ những nỗi đau mất mát, 21 năm qua người dân làng Rồng ở thôn An Hải, thị trấn Thuận An (H. Phú Vang, tỉnh TT-Huế) lúc nào cũng nhớ đến nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu- người đã khai sinh "làng Rồng" cho ngư dân làng chài trong trận đại hồng thủy 1999. Mấy ngày nay, khi nghe tin bác Lê Khả Phiêu từ trần, người dân làng Rồng tỏ ra thương tiếc, đau buồn như chính người thân của mình.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong một lần đến thăm và trao quà cho người dân làng Rồng.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong một lần đến thăm và trao quà cho người dân làng Rồng.

Còn nhớ, cơn đại hồng thủy 1999 đổ xuống miền Trung mà nặng nề nhất là tỉnh TT- Huế đã gây ra nhiều tổn thất to lớn về kinh tế và con người. Những làng quê ven biển, ven phá Tam Giang đã bị tàn phá, hàng trăm người phải để sinh mạng giữa dòng lũ dữ. Trong đêm 2-11-1999 năm ấy, người dân thôn Hải Thành đang gọi nhau chạy lũ thì nước phá Tam Giang bất ngờ dâng cao rồi cuốn trôi 64 ngôi nhà và 14 người ra cửa biển. Con đường nối từ Hải Thành về làng Hòa Duân thuộc xã Phú Thuận (H. Phú Vang)) bị vỡ, cuốn theo dòng nước ra biển và mở ra một cửa biển mới. Những người còn sống sót của thôn Hải Thành dắt díu nhau đi ở nhờ các nhà dân trong làng để chờ qua cơn lũ dữ.

Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Mễ nhớ lại, cơn đại hồng thủy năm 1999 vừa đi qua, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lúc đó, những người lính Quân khu 4 đã tăng cường hỗ trợ tái thiết cuộc sống mới giúp dân. Một ngôi làng mới ven biển được lập nên cho những người đã mất nhà, mất người. Khi khảo sát công tác khắc phục tại đây, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã đặt tên cho ngôi làng là làng Rồng với mong muốn bà con mạnh mẽ đứng lên sau đau thương mất mát. Cứ thế, suốt 20 năm qua, cứ mỗi lần lễ, Tết, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu lại hỏi thăm và dành những phần quà để gửi tặng người dân làng Rồng. Trong đó, gia đình anh Trần Văn Thu là nơi bác Phiêu đến thăm nhiều nhất. Nghe tin bác mất, anh Thu không cầm được nước mắt. Anh luôn nhớ đến lời bác Lê Khả Phiêu thường nhắc bà con làng Rồng rằng: "Nhà Thu tội quá, lũ dữ cuốn trôi nhà cửa tan hoang, 12 người thân đã mất, nó phải tự mình gượng dậy viết lại cuộc đời". Anh Thu kể lại thảm họa 21 năm trước: "11 giờ khuya, trong cơn lũ dữ, đất đá đổ ầm ầm, tiếng người kêu cứu vang cả xóm, lúc tôi tỉnh lại thì tất cả từ nhà cửa đến người thân đều ra đi. Sau cơn lũ, bác Lê Khả Phiêu đã cho tôi cái nhà để ở, cho tôi nghị lực để đứng dậy sống tiếp. Nay bác Phiêu đi rồi, tôi và người dân rất đau buồn. Giờ đây, dân làng Rồng chỉ biết thắp nén hương lòng để tri ân bác nơi xa".

Làng Rồng được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khai sinh.

Làng Rồng được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khai sinh.

Sau hơn 2 thập kỷ kể từ khi được nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khai sinh Làng Rồng, cuộc sống của người dân ở làng mới đã có nhiều thay da đổi thịt, những con người năm xưa đã tạo dựng nên một ngôi làng tươi mới, no đủ. Nhiều ngôi nhà tầng mọc lên, con trẻ được học hành đến nơi đến chốn, nhiều con em đỗ đại học và cao đẳng. Ông Lê Văn Toàn, người dân làng Rồng kể lại: "Từ sau ngày nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đặt tên làng cho chúng tôi, cứ mỗi dịp Tết hay lễ bác ấy lại về thăm làng, không về được thì gửi quà tặng cho bà con nơi đây. Bây giờ, đời sống của bà con đã ổn định, khấm khá, từng bước đi lên như mong mỏi của bác. Tấm lòng của nguyên Tổng Bí thư, người dân Làng Rồng luôn khắc sâu".

Hơn 20 năm qua, những mảnh đời đau thương mất mát ở làng Rồng đã xích lại gần nhau, cùng ghép thành bức tranh cuộc sống tươi đẹp hơn. Trong sâu thẳm, họ không quên những nỗi đau của quá khứ, nhưng từ nỗi đau ấy để họ càng trân quý cuộc sống và đi lên từng ngày. Ngôi làng mang tên Rồng ven biển ấy từng bước mạnh mẽ đi lên như cái tên của làng.

Ông Ngô Văn Đủ - Phó bí thư Thường trực Đảng ủy TT Thuận An chia sẻ: "Trải qua 20 năm sau cơn lũ, bà con làng Rồng đã vượt qua nỗi đau mất mát. Đời sống người dân đã ổn định, thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đến 5 triệu đồng/tháng, nhiều hộ đã có cuộc sống khá giả. Chúng tôi sẽ mãi lưu giữ những tình cảm đặc biệt mà bác Lê Khả Phiêu đã dành cho dân Làng Rồng".

Rồi mai đây dân làng Rồng không còn gặp được bác Lê Khả Phiêu về thăm làng mỗi dịp lễ, Tết, nhưng có lẽ đối với những ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này thì hình ảnh bác Phiêu bình dị, chân chất sẽ sống mãi trong tâm trí của người dân làng Rồng.

HẢI LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/65_229455_bac-le-kha-phieu-va-su-tich-lang-rong.aspx