Bạc Liêu: Hoàn thành thảm nhựa, chống ngập đường tránh cầu Vĩnh Hưng
Công trình thảm nhựa, chống ngập đường tránh cầu Vĩnh Hưng ở Bạc Liêu cơ bản đã hoàn thành.
Ngày 27/4, theo ghi nhận của phóng viên Báo Giao thông, công trình nâng cấp, chống ngập đường tránh cầu Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) cơ bản đã hoàn thành việc thảm bê tông nhựa nóng.
Cùng với đó, hệ thống thoát nước dọc theo tuyến cũng được thi công xong. Đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục phụ còn lại như sơn vạch kẻ đường, dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo an toàn giao thông…
Có nhà dọc tuyến đường dẫn này, bà Tư (ngụ xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) chia sẻ: "Việc hoàn thành nâng cấp đoạn đường dẫn này bà con ở đây rất vui mừng.
Từ nay, không còn lo trời mưa lớn ngập đường, xe cộ đi lại dễ dàng, thuận lợi hơn. Người đi xe máy không còn phải lo té ngã vì đường trơn trượt nữa".
Theo Phòng kinh tế và hạ tầng huyện Vĩnh Lợi, công trình nâng cấp, chống ngập đường tránh cầu Vĩnh Hưng với kinh phí đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng.
Trước đó, Báo Giao thông có bài viết: "Bạc Liêu: Đường tránh cầu Vĩnh Hưng xuống cấp, chờ kinh phí để sửa chữa", phản ánh tình trạng đường dẫn vào cầu Vĩnh Hưng thuộc địa bàn hai xã Vĩnh Hưng và Vĩnh Hưng A của huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Tuyến đường tránh cầu Vĩnh Hưng có chiều dài khoảng 450m (cách chợ Vĩnh Hưng khoảng 100m), nhưng thời gian qua bị hư hỏng nặng, mặt đường xuất hiện nhiều "ổ trâu", "ổ voi".
Mỗi khi xuất hiện trời mưa, mặt đường nước ứ đọng thành những vũng lớn như "cái ao" rộng từ 2-3m, sâu khoảng 20cm, giao thông đi lại khó khăn.
Mặt khác, tuyến đường này nối vào tuyến đường Cầu Sập - Ninh Quới (đường tỉnh 978), nên lưu lượng phương tiện (xe tải, xe buýt, xe gắn máy) tham gia giao thông rất đông. Đường hư hỏng, các tài xế xe ô tô tải phải "bò" từ từ mới có thể qua đoạn đường này.
Qua khảo sát, ngành chức năng huyện Vĩnh Lợi xác định, nguyên nhân tuyến đường tránh cầu Vĩnh Hưng bị hư hỏng nặng là do ảnh hưởng bởi mưa lớn, xe ô tô lưu thông nhiều, khiến mặt đường nhanh chóng xuống cấp.
Hơn nữa, dọc đoạn đường này không có hệ thống cống thoát nước, trong khi người dân xây dựng nền nhà cao hơn mặt đường, nên rất khó thoát nước dẫn đến ngập.