Bắc Ninh: Làng 'tỷ phú đồng nát' và những bí kíp làm giàu
Nghề buôn đồng nát đã đưa làng Quan Độ (Bắc Ninh) sang trang mới. Số lượng đại gia, tỷ phú nơi đây đếm không hết. Trong đó, nhiều người được đồn có vốn vài trăm tỷ.
Mảnh đất đếm không hết đại gia
Được biết đến với biệt danh “thủ phủ đồng nát”, làng Quan Độ (Văn Môn – Yên Phong – Bắc Ninh) là nơi xuất thân của nhiêu đại gia, tỷ phú đi lên từ nghề “buôn sắt vụn”. Nơi đây, nhiều đại gia, tỷ phú mà số vốn của họ được đồn lên đến cả vài trăm tỷ đồng.
Nhưng ít ai biết được làng Quan Độ nói riêng và xã Văn Môn nói chung trước đây còn là làng quê nghèo, người dân hầu như chỉ biết đến làm nông nghiệp. Nghề thu mua phế liệu ở đây đã tạo nên một diện mạo mới cho làng quê này từ khoảng những năm 1990.
Gần 30 năm xuất hiện, nghề buôn đồng nát đã làm thay đổi hẳn cuộc sống người dân Quan Độ. Quanh làng là những ngôi nhà cao tầng chót vót, những biệt thự sang trọng mọc san sát, chùa chiền, nghĩa trang đều thuộc hạng đồ sộ, thậm chí có cả những tòa tháp cao đến cả trăm mét.Số lượng đại gia, tỷ phú “đồng nát” nhiều vô kể, đến nỗi hỏi người dân trong làng họ cũng “chịu” không thể đếm hết.
Chị Nghiêm Thị Th. (35 tuổi) chủ một hộ kinh doanh phế liệu ở làng Quan Độ chia sẻ với PV: “Ở đây đại gia nhiều lắm làm sao mà kể hết”.
“Có những người họ giàu lắm, mua đất ở Hà Nội, Từ Sơn, trong nhà mỗi người một ô tô riêng, có người còn có cả trăm tỷ gửi ngân hàng” vừa nói chị Th. vừa kể ra một vài trường hợp điển hình như: Đại gia Đ.Đ.H, đại gia N.V.M, N.V.T và thậm chí ngay cả chủ xưởng phế liệu nơi vừa xảy ra vụ nổ khiến 2 cháu bé bị chết hôm 3/1 vừa rồi là ông Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi).
Hầu hết các đại gia này đều xuất thân từ nông dân. Ngày trước, một vài người vẫn còn gắn với chiếc xe đạp thồ đi khắp nơi buôn gạo về nấu rượu nhưng nhờ nghề buôn đồng nát rồi “trúng quả” đã biến họ trở thành đại gia, tấm gương làm giàu khiến ai cũng ngưỡng mộ.
Nghề buôn một vốn bốn lời
Ban đầu, Quan Độ chỉ có một vài hộ thu mua máy móc thanh lý về mổ, xẻ, phân loại để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề tái chế nhôm, đồng. Nhưng đến nay số người làm nghề thu mua phế liệu đã lên đến cả trăm hộ và khoảng vài chục công ty lớn nhỏ hoạt động trong lĩnh vực này.
Chị Th. cho biết, so với nghề buôn đồng nát thì nghề mộc lời lãi chả thấm vào đâu dù liền kề là làng quê này là làng gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn) nổi danh với nhiều đại gia gỗ.Tuy nhiên, theo chị Th. để buôn đồng nát được nhanh giàu thì không thể phụ thuộc được vào vài ba non bia, chai nhựa hỏng như những người thu mua đồng nát thông thường mà người ta vẫn thấy. Đa số các đại gia ở làng Quan Độ họ đều buôn những lô hàng lớn như: Tàu hỏa, máy bay, các loại máy móc công nghiệp, cáp điện... Để có những mối hàng lớn, hàng “độc” người làng Quan Độ đi khắp cả nước từ Nam ra Bắc đâu cũng đi, thậm chí ra cả nước ngoài.
Chỉ tay vào đống phế thải bằng cáp điện tại kho xưởng của một người thân trong gia đình chị Th. tiết lộ: Khi mua ở ngoài chỉ vài ngàn/kg, thậm chí mua đấu giá còn rẻ hơn nhưng khi về chế biến người ta sẽ lọc ra bán hàng chục ngàn/kg đối với đồng, nhôm có giá là 25 ngàn/kg, còn vỏ nhựa bán cũng hơn 10 ngàn/kg. Thậm chí, nếu "trúng quả" mua được những cuộn cáp còn mới chưa dùng, hay những máy móc còn chạy được chủ phế liệu sẽ sửa chữa bán với giá hàng tiêu dùng. Như vậy là mua hàng với giá phế thải nhưng bán hàng tiêu dùng, một vốn bốn lời mới nhanh giàu.Sau khi đã có tiền trong tay các đại gia quay sang lập công ty, doanh nghiệp làm ăn với quy mô lớn hơn, có nhiều mối quan hệ hơn và ngày càng giàu hơn.
Cũng tiết lộ về bí quyết đi lên từ nghề đồng nát, một đại gia tên C. cũng là chủ một doanh nghiệp buôn phế thải ở địa phương chia sẻ: Để buôn được những hàng “độc” như máy bay thì phải có quan hệ thân thiết.Một bí quyết khác được ông tiết lộ là chiêu “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Theo đó, đơn vị của chủ phế liệu đứng ra nhận đấu giá cho lô hàng sau cũng là đơn vị trúng đấu giá. “Có những kho hàng họ vừa nhận đăng đấu giá nhưng càng ít người biết thông tin càng tốt để có cơ hội mua lại với giá rẻ mạt”, vị đại gia nói thêm.
Một luật sư có tiếng xin dấu tên tiết lộ với PV: “Mấy năm trước tôi làm cho công ty đấu giá, phiên nào cũng toàn mấy người làng này (làng Quan Độ) tham gia, hỏi ra mới biết cả làng họ đi buôn sắt vụn. Họ đi buôn từ Bắc chí Nam, từ cát tút đến xác trực thăng…”.
Thực tế cho thấy, nghề đồng nát đã giúp cho người dân Quan Độ khá giả lên trông thấy. Nó cũng đem lại nguồn thu lớn, tạo công ăn việc làm cho người lao động địa phương với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nghề buôn đồng nát cũng khiến người làng Quan Độ phải đổi mặt với sự ô nhiễm môi trường, thậm chí là những tai nạn cướp đi sinh mạng những người vô tội như vụ nổ kho phế liệu vừa qua.